Người lao động tự nghỉ việc, ngắt liên lạc, công ty chấm dứt hợp đồng được không?

19/06/2024 04:36 GMT+7

'Người lao động đang làm việc nhưng tự ý nghỉ không rõ lý do. Công ty tìm nhiều cách liên hệ từ gọi điện, nhắn tin, gửi email nhưng vẫn không liên lạc được với người lao động. Với trường hợp này, công ty phải xử lý như thế nào để chấm dứt hợp đồng đúng quy định của pháp luật?'.

Thắc mắc về trường hợp công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động nêu trên của chị Ái Nhi (làm việc ở một công ty tại Q.12, TP.HCM), bạn đọc Báo Thanh Niên.

Về câu hỏi này, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM dẫn chiếu quy định tại bộ luật Lao động năm 2019 và cho biết công ty có thể chọn một trong hai phương án.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 điều 36 thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp khi:

  • Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động.
  • Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 6 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hay quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Người lao động tự nghỉ việc, ngắt liên lạc, công ty chấm dứt hợp đồng được không?

  • Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc. Quá 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nhưng người lao động không có mặt tại nơi làm việc.
  • Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại điều 169 của bộ luật Lao động, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên.
  • Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 điều 16 của bộ luật Lao động khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.
Người lao động tự nghỉ việc, ngắt liên lạc, công ty chấm dứt hợp đồng được không?- Ảnh 1.

Công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu người lao động tự ý bỏ việc liên tục từ 5 ngày trở đi mà không có lý do chính đáng

T.N

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 4 điều 125 bộ luật Lao động năm 2019 về áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải với người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết trường hợp người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên thì công ty có thể chọn một trong hai phương án sau:

Thứ nhất, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng, trường hợp này công ty thực hiện theo quy định tại điều 36 bộ luật Lao động năm 2019.

Thứ hai, áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải, trường hợp này công ty thực hiện theo quy định tại khoản 4, điều 125 bộ luật Lao động năm 2019.

Lưu ý, về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động, công ty thực hiện theo quy định tại điều 70 Nghị định 145 của Chính phủ năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.