Đêm, nhà ông Thụy ở Hoài Nhơn. Tôi ngủ trên chiếc giường xếp bên này. Chiếc giường xếp bên kia là ông, thỉnh thoảng nghe tiếng cót két. Sớm mai ông đưa tôi lên trận địa Xuân Sơn (H.Hoài Ân, Bình Định), nơi anh em Tỉnh đội đang tìm kiếm giai đoạn cuối để chuẩn bị cho lễ truy điệu, an táng hơn 60 liệt sĩ mà ông vừa tìm thấy. Thời gian này có lẽ đêm nào ông cũng vậy, với những giấc ngủ chập chờn...
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa và Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiễn đưa hài cốt các liệt sĩ hy sinh tại cứ điểm Xuân Sơn đến nơi an táng |
Hoàng Trọng |
Những câu chuyện hồi chiều với ông khiến tôi cũng mất ngủ. Đó là những đoạn hội thoại, email kéo dài nhiều năm trời giữa ông với những cựu binh Mỹ.
“Tôi dành cả buổi sáng để kéo những thi thể vô hồn của đồng đội chúng tôi đến một nhà xác tạm thời và dọn dẹp chúng để chờ vận chuyển vào Sài Gòn. Chúng tôi kéo những đầu lọc thuốc lá ra khỏi tai những người lính pháo binh (dùng để bịt tai khi bắn pháo). Chúng tôi nhắm mắt và làm những gì có thể để lau sạch bùn và máu khỏi khuôn mặt họ... Sau đó, chúng tôi kéo thi thể những người lính VC tử trận vào một ngôi mộ tập thể đào bởi xe ủi đất ngay trong buổi sáng đó... Tôi bị chìm trong nỗi sợ hãi và chết chóc...” (email của cựu binh Mỹ Spencer Mattoson gửi ông Thụy vào đầu năm 2018).
“... đây là hai bức ảnh tôi đã chụp tại LZ Bird (biệt danh cứ điểm trận địa Xuân Sơn) vào buổi sáng ngày 27.12.1966... Căn cứ bị tấn công đêm 26.12.1966 bởi hai tiểu đoàn bộ đội Việt Nam... Căn cứ bị tràn ngập và những người lính phòng thủ chúng tôi còn sống sót đã lùi xuống chỗ hai khẩu 105 ly còn lại và sử dụng các viên “đạn tổ ong”, loại đạn tôi biết là sử dụng lần đầu trong chiến tranh Việt Nam. Điều này đã có hiệu quả phá vỡ đợt tấn công của bộ đội Việt Nam... Có khoảng 70 thi thể bộ đội Việt Nam bên trong hàng rào căn cứ và cho đến sáng thì chúng tôi kéo vào một khu vực. Quân đội đã chọn một số thi thể khám nghiệm để đánh giá hiệu quả của “đạn tổ ong”... Căn cứ đã bị bỏ lại sau đó vài ngày” (tường thuật của phóng viên chiến trường Mỹ Steve Hasselt gửi ông Thụy).
Nhờ sử dụng mạng internet, ông Thụy đã tìm được chính xác hàng trăm hài cốt liệt sĩ |
Trần Tuấn |
Trận đánh khốc liệt trên đồi Xuân Sơn thuộc thung lũng Kim Sơn (xã Ân Hữu, H.Hoài Ân) cách đây 56 năm đã đi vào lịch sử. Nơi đây đêm 26 rạng sáng 27.12.1966 diễn ra trận tập kích quả cảm của hai tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 Sao Vàng của ta vào trận địa pháo thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 của Mỹ. Đây là một trong những trận đầu đánh Mỹ của quân giải phóng tại Trung bộ. Trận đánh diễn ra vô cùng khốc liệt. Địch sau khi bị bất ngờ và thiệt hại nặng nề để mất trận địa đã gọi cứu viện hùng hậu và phản công quyết liệt bằng cách lần đầu tiên sử dụng loại đạn 105 mm “tổ ong” M-60, mỗi viên chứa 5.000 mũi tên thép, buộc quân ta sau đó phải rút lui. Lính Mỹ thiệt hại vài trăm quân, còn ta 70 cán bộ chiến sĩ đã nằm lại. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bia tưởng niệm đã được dựng lên, nhưng hài cốt các liệt sĩ thì mất dấu vết không thể tìm lại...
Buổi sáng chủ nhật 17.4.2022 trở thành sự kiện không quên với cán bộ chiến sĩ và nhân dân H.Hoài Ân và tỉnh Bình Định. Lễ truy điệu và an táng hài cốt 60 liệt sĩ hy sinh trong trận tấn công cứ điểm đồi Xuân Sơn 56 năm về trước đã diễn ra xúc động và trang trọng với sự tham dự của Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - thượng tướng Phạm Hoài Nam; lãnh đạo Quân khu 5; Tư lệnh Vùng 4 Hải quân; lãnh đạo Sư đoàn 3 cùng nhiều lãnh đạo địa phương, tướng lĩnh, cựu chiến binh và nhân dân...
Từng chiến đấu tại vùng thung lũng Kim Sơn từ những năm đầu 1960, thiếu tá cựu chiến binh Đặng Hà Thụy đau đáu nỗi niềm. Đến năm 2018, ông làm quen trên mạng với kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng ở TP.HCM, người đã mời sang Việt Nam các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến trận đánh ở khu vực sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) để giúp tìm được hố chôn liệt sĩ với hơn 150 hài cốt tại đây. Qua anh Thắng, ông liên hệ được với Spencer Mattoson, 75 tuổi, hiện sống tại Ecuador, nguyên trung sĩ tiểu đội trưởng từng tham chiến trận đồi Xuân Sơn ngày ấy.
Spencer Mattoson sau đó gửi mail cho ông Thụy hơn chục trang tài liệu gồm lời kể của ông cùng mấy đồng đội từng tham chiến trận này là Steve Hasselt, Jerry Dolloff (như đã trích dẫn ở trên), báo cáo của phía Mỹ về trận đánh, cùng ảnh vệ tinh chụp lại trận địa. Trong đó có bức ảnh hồi năm 2014 Mattoson từng sang Việt Nam thăm lại nơi này, và chụp ảnh kỷ niệm với ông Hồ Văn Lộc, người dân xã Ân Hữu, nguyên du kích địa phương.
Tuy nhiên cuộc tìm kiếm mộ chôn tập thể trên đồi Xuân Sơn đợt ấy không thành, do vị trí các cựu binh Mỹ chỉ ra vẫn còn khá chung chung, mù mờ. Nhưng ông Thụy vẫn kiên trì lên mạng tìm kiếm, kết nối với các cựu binh Mỹ. Để rồi may mắn những ngày giáp tết năm Nhâm Dần 2022, ông bắt liên lạc được với Bob March, nguyên đại úy thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 của Mỹ trực tiếp tham chiến trận ấy.
“Tôi tên là Đặng Hà Thụy. Tôi nguyên là bộ đội tỉnh Bình Định. Tôi đang tìm kiếm thông tin về ngôi mộ tập thể của đồng đội tôi được quân đội Mỹ chôn cất. Khi đơn vị chúng tôi tập kích trận địa pháo Xuân Sơn - bãi đáp Chim vào rạng sáng ngày 27.12.1966, nhiều đồng chí của tôi đã anh dũng hy sinh. Tôi đã lớn tuổi và tìm kiếm điều này đã nhiều năm. Tất cả thông tin đều có giá trị. Điều này có ý nghĩa tâm linh đối với người Việt Nam... Tôi xin lỗi nếu điều này làm phiền bạn. Các cựu chiến binh của chúng tôi mong muốn được sự giúp đỡ của các cựu chiến binh Mỹ. Trân trọng!”, email của ông Thụy gửi Bob March lúc 17 giờ 24 ngày 10.1.2022.
Ông Thụy và cán bộ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định tìm kiếm vị trí chôn lấp liệt sĩ thứ 2 trên đồi Xuân Sơn sáng 8.4.2022 |
Trần Tuấn |
Chỉ mấy ngày sau, Bob March gửi emai phản hồi, cho biết ông đã ngay lập tức liên lạc với 5 đồng đội của mình sống sót sau trận đánh trên hiện đang ở rải rác tại nước Mỹ và thế giới. Hai người trong số đó đã từng trực tiếp chôn cất thi thể những bộ đội Việt Nam sau trận đánh. Sau khi bàn bạc, nhóm cựu binh Mỹ quyết định mỗi người tự vẽ lại sơ đồ ngôi mộ tập thể theo trí nhớ để ghép lại với nhau cùng so sánh. “Xin thưa với thiếu tá Đặng Hà Thụy rằng chúng tôi đang cố gắng hết sức để giúp đỡ ông và gia đình những người đã nằm lại đây một cách chân thành, như thể chính những người lính của mình. Người Mỹ chúng tôi có một tình cảm mạnh mẽ đối với những người đã cùng đau khổ với chúng tôi bởi vì chỉ những cựu binh chiến đấu mới có thể hiểu được những điều này”, Bob March viết trong email ngày 14.1.2022.
Một tuần sau, ngày 21.1.2022, Bob March gửi cho ông Thụy 4 trang nội dung tường thuật những trao đổi, thảo luận qua email và điện thoại của 5 cựu binh Mỹ về vị trí hố chôn tập thể. Nhóm cựu binh gồm Comar Johnson, nay đã 90 tuổi, nguyên trung sĩ và là người được giao phụ trách quá trình chôn cất; Ivory Whitaker và Thomas Crabtree, hai người đã khiêng các thi thể xuống hố; Stephen Chestnut - người chứng kiến việc chôn lấp; và có cả “người quen cũ” là trung sĩ Spencer Mattoson mà ông Thụy đã trò chuyện, thư từ những năm trước. Bob cũng gửi kèm theo hai bản sơ đồ về vị trí hai hố chôn. Gồm khu mộ tập thể chôn lấp bằng xe ủi ở khoảnh đất bằng phía tây nam đồi Xuân Sơn, và khu chôn lấp bằng cuốc xẻng trên sườn đồi cách đó khoảng hơn trăm mét.
Thế rồi bắt đầu những cuộc trao đổi gấp rút bất kể đêm ngày qua mạng internet giữa cựu chiến binh 80 tuổi Đặng Hà Thụy và nhóm cựu binh Mỹ tuổi tác có người đã lên tới 90. Hai bên gửi cho nhau những ảnh chụp thực địa, ảnh bản đồ, sơ đồ vẽ tay và những bức ảnh vệ tinh mới nhất, để thảo luận và chốt lại những vị trí được cho là chính xác nhất trong phạm vi tìm kiếm hẹp nhất có thể.
“Tôi vẫn cố lùng sâu theo lối cũ
Trước hoàng hôn nghe se lạnh gió rừng
Để nơi đâu trong lòng đất các anh nằm
Nghe vọng về âm vang một thời lửa đạn
Để kẻ mất người còn gặp lại trong tôi
Để vơi đi niềm yêu thương, nuối tiếc”...
(thơ của ông Đặng Hà Thụy)
“Bằng linh cảm của người lính, tôi ngay lập tức dịch các tài liệu vừa được cung cấp. Vừa dịch xong, lòng dâng trào niềm hy vọng đây có thể là manh mối giúp tìm kiếm liệt sĩ đã hy sinh”, thiếu tá Đặng Hà Thụy kể. Đầu tháng 3.2022, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định với những tài liệu, căn cứ của ông Thụy cung cấp, đã lập tức triển khai tìm kiếm quy mô lớn. Những ngày ấy bên các hố khai quật luôn có mặt ông Thụy, dù từ nhà ông tới đó xa hơn 40 cây số. Ông liên tục gửi những bức ảnh chụp thực địa cho nhóm cựu binh Mỹ, để cùng bàn thảo điều chỉnh, thu hẹp dần vị trí tìm kiếm. Và rồi ngày 11.3, tất cả cùng vỡ òa xúc động khi những hài cốt liệt sĩ đầu tiên đã được tìm thấy. Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng lập tức lên hiện trường, chỉ đạo nóng những việc cần làm, với yêu cầu các lực lượng tìm kiếm quy tập phải tiến hành cẩn trọng, tỉ mỉ, chu đáo, không nôn nóng, và cố gắng tìm được hết anh em để đưa về nơi an nghỉ cuối cùng. Ông Dũng cũng cho biết trước đó mấy ngày tỉnh đã kết nối qua video với cựu binh Mỹ từ thông tin ông Thụy cung cấp. Tất cả đều chính xác... Và rồi đến giữa tháng 4.2022, đã có 60 di cốt liệt sĩ tại cứ điểm Xuân Sơn được tìm thấy, xác định được họ tên, quê quán, hầu hết là bộ đội người miền Bắc...
Ông Thụy thắp hương những liệt sĩ đầu tiên tìm thấy trên đồi Xuân Sơn |
Trần Tuấn |
* Sáng hôm sau, chiếc xe của đại tá Nguyễn Văn Phước, Phó chủ nhiệm chính trị (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định) ghé nhà đón ông Thụy và tôi lên lại trận địa Xuân Sơn. Dọc đường, nghe ông Thụy và ông Phước nhắc lại bao câu chuyện về một thời máu lửa nơi chiến trường xưa này. Lên tới nơi, ông Thụy kéo mọi người lên khu vực đỉnh đồi định hướng, rồi sải đếm từng bước chân để định vị hố chôn thứ hai theo những gì đã thảo luận với các cựu binh Mỹ.
Tôi cứ hình dung suốt hơn 20 năm qua ông lão cựu chiến binh Tư Thụy dành dụm những đồng lương hưu ít ỏi chạy xe máy đi khắp các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh để giúp định danh liệt sĩ ở những nấm mộ “vô chủ” hoặc bia mộ thiếu sót thông tin nên gia đình không biết để đến tìm. Cách làm của ông là sưu tầm các giấy báo tử và hòm thư chiến trường để giải mã các mã hiệu, số hiệu, ký hiệu, phân định chính xác từng chiến trường và đơn vị của các liệt sĩ, để từ đó phục hồi đầy đủ thông tin về liệt sĩ. Những thông tin quý báu đó được ông đăng trên những trang web chuyên tìm kiếm quy tập liệt sĩ, trên blog và sau này là Facebook cá nhân. Nhờ đó, rất nhiều gia đình đã xúc động tìm được người thân yêu của mình. Ông bảo không bao giờ tin vào các “nhà ngoại cảm” mà luôn tiến hành tìm kiếm một cách khoa học trên cơ sở các dữ liệu với khả năng của một chuyên gia kỹ thuật quân sự.
Rồi lần hồi nhớ lại cuộc đời và binh nghiệp của ông. Cậu bé nghèo mẹ mất sớm, ba đi tập kết. Sau mấy năm lưu lạc vào đất Sài Gòn cùng anh trai lăn lộn mưu sinh, năm 1961 chàng trai 19 tuổi Đặng Hà Thụy về quê nhảy núi theo bộ đội. Được học về kỹ thuật vũ khí, năm 1973 ông là Chủ nhiệm quân giới của Tỉnh đội Bình Định. Sau năm 1975, sau 3 năm học tại Học viện Hậu cần ở Hà Nội, ông về làm Trưởng ban huấn luyện Trường Hậu cần Quân khu 5, sau đó chuyển về Tỉnh đội Nghĩa Bình làm Chủ nhiệm hậu cần Đoàn 5501, sang Campuchia làm chuyên gia quân sự 4 năm cho đến khi nghỉ hưu...
Ông Thụy và tấm bản đồ bửu bối để tìm kiếm về các chiến trường xưa |
Trần Tuấn |
Nhớ bữa cơm tối ở gia đình ông, cô giáo Bích Phượng - con gái ông, và cô em đồng nghiệp Ngọc Anh rúc rích cười kể về chuyện “ông Tư” ôm vở đi học lớp vi tính từ thuở chưa mấy ai biết vi tính là gì, rồi lại mày mò học tiếng Anh. Ông Tư còn viết hồi ký chiến trường dày hơn 100 trang đánh máy, lại còn làm thơ.
Ông Thụy cho biết sắp tới ông cùng Tỉnh đội sẽ bắt tay vào khai quật hài cốt 30 chiến sĩ đặc công của ta hy sinh trong trận đánh vào căn cứ pháo binh An Quý (xã Hoài Châu, H.Hoài Nhơn) ngày 13.11.1969. Trước đó ông đã liên hệ được với một cựu binh Mỹ là David từng tham chiến trận này, và đã xác định được vị trí hố chôn lấp tập thể...
Phóng viên VTV liên hệ trò chuyện với các cựu binh Mỹ |
chụp màn hình |
Bình luận (0)