Người lính ở Trà Leng: Tay không đào bới, rửa từng thi thể đồng bào xấu số

31/10/2020 22:09 GMT+7

Ngày đêm dốc hết sức tìm kiếm người mất tích trong vụ sạt lở kinh hoàng tại Trà Leng, các chiến sĩ trẻ nén đau thương đào bới, rửa từng thi thể người xấu số. Họ lo lắng đồng bào ngập dưới đất đá lạnh lẽo.

Vì dưới lớp đất ấy là đồng bào mình...

Sáng 31.10, sau một đêm tạm thu quân vì tại hiện trường thôn 1, xã Trà Leng để đảm bảo an toàn do mưa lớn, hàng trăm cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng cứu hộ cứu nạn tiếp tục thực hiện công tác tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sạt lở tại xã Trà Leng, H.Nam Trà My.

Những nước mắt tuyệt vọng đầy ám ảnh trong thảm nạn sạt lở ở Trà Leng

Ánh mắt những người dân Trà Leng may mắn sống sót dường như trống rỗng… Đã 3 ngày qua giữa núi rừng lạnh lẽo họ ngồi chờ tin tức của người thân mất tích. Mỗi khi lực lượng chức năng ép ăn thì họ nhai tạm gói mì tôm cầm hơi...

Cẩn thận, nhẹ nhàng dùng tay đào bới thi thể ngập sâu trong đất đá

HUY ĐẠT

Trong bầu không khí tang thương ấy, hàng trăm cán bộ chiến sĩ miệt mài nhấc từng tảng đá, từng khối bê tông, thanh gỗ… để lục tìm đồng bào. Lấy tay cẩn thận móc từng viên gạch vùi trong bùn đất, chiến sĩ Trần Minh Hiếu (21 tuổi, quê Núi Thành, công tác ở Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam) cùng đồng đội không dám dùng đến cuốc khi phát hiện có thi thể.

Đau buồn lắm khi tìm thấy một thi thể, nghẹn ngào có khi run tay vì thi thể bị đè nặng, biến dạng… nhưng vì nhiệm vụ nên phải kiềm nén cảm xúc của mình 

Chiến sĩ Trần Minh Hiếu

Sáng 31.10, nỗ lực tìm kiếm những người mất tích vì sạt lở ở Trà Leng

Hàng trăm bàn tay của những người trẻ cùng đào bới liên tục để đưa các thi thể lên cáng. Họ cũng đảm nhận việc làm vệ sinh cho những người xấu số. Tháo ra đôi găng tay bám nặng bùn, chiến sĩ Hiếu cùng 5 chiến sĩ trẻ khác mang găng tay su vào. Những người trẻ tuổi đôi mươi, chưa một lần tiếp cận tử thi, là người “chăm sóc” những người xấu số trước khi đưa họ đến những phần mộ đã chờ sẵn.
“Sau khi phát hiện được địa điểm nghi vấn có nạn nhân bị vùi bên dưới, chúng tôi dùng tay từ từ nâng những cục đá cũng như cào những lớp đất nhão nhoẹt ấy sang một bên. Vì ở dưới lớp đất ấy là người dân, là đồng bào mình không may nằm lại dưới đó”, chiến sĩ Hiếu rưng rưng nước mắt.

Các chiến sĩ đưa nạn nhân ra khỏi vùng sạt lở để người nhà nơi an táng

ĐỘC LẬP

Cũng như hàng trăm chiến sĩ đang tìm kiếm các nạn nhân cho biết, khi tìm thấy thi thể cũng chính là lúc người nhà đau buồn tột cùng vì những hy vọng hoàn toàn dập tắt. Dốc hết sức mình đào bới theo lời miêu tả của người dân địa phương, các chiến sĩ ngâm mình trong lầy lội có nơi đến nửa thân người để đào bới, tìm kiếm người mất tích ở xã Trà Leng.
Gần nửa trưa, cầm trên tay hộp sữa được đội hậu cần tiếp đến, chiến sĩ Đào Anh Vũ (19 tuổi, Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Nam) ướt đẫm mồ hôi lẫn nước mưa. Vũ trò chuyện, lúc mới được xe bán tải đưa vào hiện trường hôm 29.10, hành quân lội bộ gần 3 tiếng đồng hồ qua nhiều điểm sạt lở. Cuộc hành quân đầy nguy hiểm nhưng tâm thế cứu phải gấp rút cứu lấy đồng bào khiến Vũ và các đồng đội không ngừng nghỉ, tiến vào bên trong. Sự nguy hiểm cận kề như vậy khiến người lính không chùn bước, thế nhưng theo lời Vũ, điều khiến Vũ phải khụy chân là lúc thi thể đầu tiên được tìm thấy, cái chết đau thương trước mắt khiến những người lính trẻ đã rơi nước mắt.
“Đau buồn lắm khi tìm thấy một thi thể, nghẹn ngào có khi run tay vì thi thể bị đè nặng, biến dạng… nhưng vì nhiệm vụ nên phải kiềm nén cảm xúc của mình để sớm đưa nạn nhân lên, để họ không phải chịu cảnh đau đớn nữa, để họ được về với đất mẹ một cách nhẹ nhàng nhất”, chiến sĩ Hiếu nghẹn ngào.

Bữa ăn vội giữa núi rừng lạnh lẽo

Bên cạnh lực lượng ngày đêm thông xe mở đường, đào bới bằng tay không nhẹ nhàng tìm kiếm người mất tích thì lực lượng hậu cầu tại hiện trường thảm họa cũng dốc hết sức cho nhiệm vụ. Bếp công vụ được dựng giữa rừng, ngày đêm đỏ lửa vì công cuộc tìm kiếm.

Các chiến sĩ đứng ăn vội bữa trưa trước khi quay lại công tác tìm kiếm người mất tích

HUY ĐẠT

Bữa ăn trưa vội vã của những chiến sĩ

HUY ĐẠT

Đến bữa ăn, lực lượng tìm kiếm thay phiên nhau vào lán dựng tạm tại Điểm trường Ông Lục, xã Trà Leng. Nhìn cảnh những gương mặt trẻ người bám đầy bùn đất đứng ăn cơm khiến nhiều người xúc động. Bước những bước chân nặng nề bám đầy bùn non, chiến sĩ Nguyễn Thanh Tân (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam) cầm trên tay chén đũa, tiến về lán trại - nơi đó các chiến sĩ đang chờ anh để đủ 5 người thì “bàn ăn đứng” bắt đầu.
Tân cho biết, lực lượng nhận lệnh chia nhau để rời vị trí tìm kiếm đi ăn, không thể rút hết quân vì sẽ làm chậm tiến độ. “Dốc hết sức lực để tìm kiếm đồng bào đang nằm đâu đó lạnh lẽo, chúng tôi làm quên ăn, đến giờ thì chỉ huy gọi từng nhóm đi ăn theo mệnh lệnh. Đứng ăn nhưng chúng tôi khẩn trương hơn ở đơn vị, nhanh chóng quay lại “chiến đấu”, quyết tâm tìm kiếm đến cùng”, chiến sĩ Tân nói.

Lán trại hậu cần được dựng lên giữa rừng

HUY ĐẠT

 
Chỉ đạo công tác tìm kiếm tại hiện trường, trao đổi với PV Thanh Niên, Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến - Phó Tư lệnh Quân khu 5 cho hay, hiện lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn, cây gỗ lớn ngã đổ với khối lượng lớn chôn vùi trong đất đá. Lực lượng tìm kiếm đã phải huy động máy cưa các loại, dùng sức người để đào bới.
“Hiện có rất nhiều khó khăn, khối lượng đất đá quá lớn cộng thêm gỗ lớn khiến công tác cứu nạn, tìm kiếm gặp khó khăn. Đặc biệt, thời tiết có mưa là điều chúng tôi lo lắng, phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu”, thiếu tướng Tiến thông tin.
Trung tá Võ Chí Bắc, Phó Chủ nhiệm hậu cần, Bộ Chỉ huy quân sự Quảng Nam cho biết, ngoài việc nuôi quân, lực lượng hậu cần còn phân công những chiến sĩ bưng cơm khắp làng để chăm sóc người dân. “Thương tâm nhất là những đứa nhỏ ánh mắt ngây ngô không biết thảm họa vừa quét qua làng mình, người lớn ở xã Trà Leng thì thất thần vì nỗi mất mát quá lớn. Ngay lập tức, chúng tôi đã mang các phần ăn, bánh chưng đến để họ chống đói chờ thông tin người thân… chúng tôi chỉ biết làm như vậy. Đau thương vô cùng”, trung tá Bắc nghẹn ngào.
Theo trung tá Bắc, trước thảm họa kinh hoàng đó, những ngày qua người dân khắp nơi đã hướng về xã Trà Leng, H.Nam Trà My bằng tất cả những tấm lòng. Nhiều người giấu tên đã thuê phương tiện chở lương thực lên cung ứng cho bà con, cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.