Người lính trẻ sáng kiến phủ xanh biên giới với hơn 100 triệu đồng

27/10/2021 15:53 GMT+7

Để vừa giữ đất, vừa chống xói mòn, vừa phát triển kinh tế - xã hội cho cư dân biên giới , một người lính trẻ đã có sáng kiến phủ xanh biên giới bằng cây dâu tằm với chi phí ban đầu chỉ hơn 100 triệu đồng.

“Trồng cây dâu tằm ở khu vực biên giới, xây dựng hàng rào sinh học để giữ đất và chống xói mòn, phát triển kinh tế - xã hội cho cư dân biên giới” là dự án của trung úy Nguyễn Văn Hiển (25 tuổi) ở Đồn Biên phòng Si Pha Phìn (xã Si Pa Phìn, H.Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên).

Trong cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu” do T.Ư Đoàn vừa tổ chức, dự án này đã dành giải nhất bởi ý tưởng sáng tạo và tính khả thi.

Dự án của trung úy Nguyễn Văn Hiển được giải nhất cuộc thi Thanh niên sáng tạo vì khí hậu

Dương triều

Thay đổi diện mạo vùng biên

Chia sẻ về ý tưởng này, trung úy Hiển cho biết, địa bàn tỉnh Điện Biên nói riêng và cả nước nói chung có rất nhiều đồi núi trọc, đây là hệ lụy của việc người dân phá rừng làm nương rẫy dẫn đến đất đai khô cằn bỏ hoang, chủ yếu là cỏ ranh mọc, gây lãng phí.

Trong khi đó, việc trồng trọt những cây khác như trồng cây cao su, canh tác lúa nương cho hiệu quả không cao; có thể làm tình trạng xói mòn đất, lũ quét, sạt lở diễn ra có chiều hướng nghiêm trọng theo thời gian.

Đặc biệt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình canh tác sản xuất phát triển kinh tế của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, dẫn đến tình trạng đói nghèo và nhiều hệ lụy khác, gây bất ổn về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.

Trong quá trình đi tuần tra biên giới, trung úy Hiển nhận thấy có thể trồng cây dâu tằm để phủ xanh đồi trọc, bảo vệ đất và phát triển kinh tế. “Ý nghĩa việc trồng cây dâu tằm nhiều lắm: bảo vệ môi trường, giữ đất, nước, điều hoà khí khậu, chống xói mòn. Lá dâu để nuôi tằm dệt vải. Thân cây dâu tằm có thể làm vị thuốc, quả thì ngâm rượu, ngâm đường thành thức uống và sản xuất nước ngọt đem lại nhiều lợi ích…”, trung úy Hiển cho biết.

Đặc biệt, việc phát triển tốt việc nuôi tằm, dệt vải với dệt các loại quần áo của đồng bào dân tộc sẽ thu hút được khách du lịch đến thăm quan các mô hình trồng cây dâu tằm ở khu vực biên giới. Điều đó không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, phát triển du lịch, cải thiện công ăn việc làm cho bà con dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà sẽ kết hợp tuyên truyền ý nghĩa của đường biên cột mốc, về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, từ đó giúp cho việc bảo vệ chủ quyền quốc gia được tuyên truyền phổ biến rộng rãi, có hiệu quả hơn.

Trung úy Nguyễn Văn Hiển mong muốn phủ xanh biên giới bằng cây dâu tằm

NVCC

Trung úy Hiển cũng cho biết, ở biên giới chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, điều hiện kinh tế khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định dẫn đến nhiều tệ nạn như cờ bạc, rượu chè, mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy, nạn buôn người, buôn bán hàng lậu và hàng giả…

Trồng cây dâu tằm sẽ đem lại nhiều lợi ích cho bà con, giúp tăng thu nhập, nâng cao dân trí, hạn chế được các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cho cư dân khu vực biên giới ngày càng tiến bộ và văn minh hiện đại hơn.

Có thể nhân rộng toàn biên giới

Theo tính toán của trung úy Hiển, chỉ với khoảng 118 triệu đồng, sẽ có thể phủ xanh một bản làng của biên giới. Trong đó, nếu trồng 5.000 cây trên diện tích 10.000 m2 chi phí đầu tư từ cây giống, phân bón, ngày công trồng, chăm sóc, hỗ trợ cho 30 hộ gia đình với tổng kinh phí khoảng 100 triệu đồng.

Ngoài ra, các chi phí khác như tổ chức khảo sát ngoài thực địa, các cuộc họp, thống nhất sáng kiến và hoàn thiện hồ sơ sáng kiến; tuyên truyền kiến thức, kỹ năng cho bà con về kỹ thuật trồng dâu, lợi ích, hiệu quả... sẽ vào khoảng 18,5 triệu đồng.

“Đây là giải pháp thực tế và thiết thực nhất cho nhân dân khu vực biên giới nói riêng và cả nước nói chung, vừa kết hợp sản xuất vừa cải thiện môi trường, tạo công ăn việc làm cho bà con. Từ đó sẽ tạo tính chủ động cho việc bà con tự chủ trong sản xuất, hạn chế sức lao động, chi phí nguồn vốn bỏ ra chỉ ban đầu, việc phát sinh vốn trong quá trình sản xuất hầu như ít hoặc không có”, trung úy Hiển chia sẻ.

Sáng kiến của trung úy Nguyễn Văn Hiển được hình thành khi đi tuần tra biên giới

NVCC

Đặc biệt đây là mô hình có thể nhân rộng ở vùng biên bởi cây dâu tằm phát triển rất nhanh và lâu năm, dễ thích ứng, sống với môi trường khắc nghiệt cho nên chỉ đầu tư chi phí ban đầu khởi nghiệp. Khả năng nhân rộng của giống cây này lại rất cao, đạt hiệu quả hơn, so với các loại cây trồng khác.

“Việc nhân rộng trồng cây dâu tằm là vấn đề quan trọng, nếu thử nghiệm thành công, đem lại hiệu quả, mô hình này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho đồng bào không chỉ riêng cư dân biên giới tỉnh Điện Biên nói riêng mà nhân rộng cho cư dân khu vực biên giới trên cả nước nói chung”, trung úy Hiển chia sẻ.

Tuy nhiên, theo trung úy Hiển, để mô hình được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả như mong muốn, rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành.

"Nhà nước cần có khảo sát, đưa chuyên gia đến đánh giá một cách tổng thể để có chính sách phù hợp, như: hỗ trợ hạ tầng theo trương trình 135, chương trình 327, vốn ưu đãi, quảng bá các sản phẩm... để phát triển sản xuất và thu hút doanh nghiệp đến đầu tư", trung úy Hiển mong muốn.

Theo T.Ư Đoàn, năm nay, cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu" thu hút hơn 400 bài dự thi đến từ các đoàn viên, thanh niên thuộc 54/63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Ban Giám khảo đã chấm và trao giải cho 10 dự án xuất sắc nhất. Quán quân của cuộc thi và giải thưởng 50 triệu đồng được trao cho thí sinh Nguyễn Văn Hiển với giải pháp trồng cây dâu tằm ở khu vực biên giới, xây dựng hàng rào sinh học để giữ đất và chống xói mòn, phát triển kinh tế - xã hội cho cư dân biên giới.

Ý tưởng này được đánh giá là xuất sắc và có tính khả thi cao. Ngoài việc cải tạo môi trường, dự án còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.