Để thực hiện công việc này, anh phải dậy từ lúc 3 giờ sáng tranh thủ hoàn thành trước 6 giờ để kịp cho người dân đi lại được an toàn. Đó là anh Đinh Minh Cảnh sinh năm 1971, hiện ngụ tại 7/26E (số mới là 8/14A), ấp 3 xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM, mưu sinh chủ yếu bằng nghề lái xe ôm.
Dù cuộc sống gia đình không mấy khá giả nhưng bằng sự đồng cảm với những người đi đường nên anh đã quyết định làm công việc hút đinh một cách tự nguyện. Tình tới thời điểm hiện nay, anh Cảnh đã có 16 năm gắn bó với "nghề".
Nói về chiếc xe hút đinh, anh Cảnh cho biết mới đầu anh nhặt đinh bằng tay, ngày nào tay cũng chà xát với mặt đường nên bị đau rát, nhiều lúc chảy máu mà không có hiệu quả. Rồi anh làm cây hút đinh, dù chất lượng công việc được cải thiện nhưng vẫn không ổn, cây có bề mặt tiếp xúc quá nhỏ trong khi lượng đinh rải thì nhiều. Thế là anh quyết định tìm cách mày mò tự thiết kế làm "chiếc xe hút đinh". Sau một thời gian, chiếc xe hút đinh tự chế của anh cũng hoàn thành, thấy sử dụng hiệu quả lại an toàn nên anh dùng tới bây giờ.
Chiếc xe tự chế của anh kết cấu rất đơn giản: một khung sắt gắn 2 bánh xe và khung được gắn nam châm, có cả đèn chớp nháy để cảnh báo cho người tham gia giao thông cùng chiều. Mỗi lần hoạt động, anh Cảnh nối khung vào đuôi xe máy. Những đoạn đường có đinh, kim loại thì nam châm trên khung sẽ tự động hút vào dưới gầm khung. Phía sau có treo cờ và một tấm bảng ghi dòng chữ "Xe hút đinh tự nguyện", "Đoạn đường có đinh, vật nhọn, xe mô tô, gắn máy di chuyển 40km/h", "Xin lỗi đã làm phiền mong thông cảm" rất rõ ràng.
"Nhiều lúc gia đình bị các đối tượng đinh tặc khủng bố nhưng không biết sao tôi chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Tôi không hiểu vì sao người ta lại có thể rải những hiểm nguy để bẫy đồng loại, những người có thể còn vất vả hơn mình. Cứ nghĩ về những người kém may mắn cán phải vài ba chiếc đinh nhọn, không chừng còn nguy hiểm đến tính mạng, nhất là vào các dịp lễ, tết, rồi khi ai bị "dính" dẫn xe vô là bị "chém" từ 5-6 trăm ngàn/cặp vỏ ruột loại xe thường, còn xe tay ga thì từ 8-9 trăm ngàn đến cả triệu đồng... là tôi lại quyết tâm tiếp tục công việc vì chính mình cũng từng là nạn nhân nhiều lần nên rất thấu hiểu. Có những hôm phát hiện nhiều đinh, tôi thường chạy xe rà soát nhiều lần, đảm bảo đinh được hút hết, không còn mối nguy hại nào cho người dân lưu thông trên đường", anh Cảnh tâm sự.
|
Mong sẽ không còn sử dụng 'xe hút đinh' này nữa
Anh chia sẻ thêm: "Gắn bó với nghề mấy chục năm, vui cũng có mà buồn cũng có. Nhiều lúc đi ra đường hút đinh bị mọi người nói là tào lao, "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" hay bị một số người chạy xe ngang qua mắng chửi vì cản trở sự lưu thông của họ, và họ tỏ ra nghi ngờ về mục đích công việc, họ nghĩ những việc tôi làm đều được trả lương. Nhưng nhiều lúc khi tôi đang rà hút đinh, có một số bạn trẻ ghé vào cho vài chai nước, gửi lời cảm ơn, động viên chân thành. Chính những điều ân tình, thấu hiểu ấy giúp tôi có thêm động lực để làm cho đến ngày hôm nay". Vào những dịp lễ, tết hay cuối tuần, các đối tượng đinh tặc thường hoạt động rất mạnh, do mọi người đi chơi nhiều, lượng xe di chuyển đông.
Hơn 16 năm gắn bó, kỷ niệm vô số kể nhưng ấn tượng với anh nhất là vào năm 2006, khi anh đang làm "nhiệm vụ" thì phát hiện đối tượng đang điều khiển chiếc xe Yamaha có ý định rải đinh bẫy người đi đường ở đoạn ấp 4 xã Bình Chánh, anh nhanh chóng lao ra bắt đối tượng rồi giao cho công an. Lần khác tại KP4 thị trấn Tân Túc, anh Cảnh cũng bắt được đối tượng rải đinh và giao cho công an. Cả hai lần đều được Công an huyện Bình Chánh khen tặng. Khi được hỏi liệu anh có muốn nhân rộng chiếc xe tự chế của mình hay không, anh Cảnh liều trả lời dứt khoát: "Tôi không muốn "chiếc xe hút đinh" sẽ được nhân rộng lên mà chỉ mong rằng một ngày gần nhất, tôi sẽ không còn sử dụng loại xe này, những cung đường chúng ta đi đều không bị rải đinh, mọi người khi ra đường đều được an toàn".
Trao đổi về công việc của anh Cảnh, chị Hết - vợ anh chia sẻ: "Thời gian đầu, tôi không ủng hộ việc làm của chồng vì nó quá nguy hiểm. Đôi khi thấy tay ông ấy bị thương là tôi lại sợ, càng lo lắng và không thích việc làm của chồng mình. Mỗi lần bị tôi càm ràm là ổng lại nói: "Nghĩ về cộng đồng đi bà ơi, đừng cằn nhằn tôi nữa!". Bây giờ, tôi hoàn toàn ủng hộ và tự hào về những gì mà chồng tôi làm và sẽ là hậu phương vững chắc cho ông ấy yên tâm làm việc đầy ý nghĩa nhân văn này". Anh Cảnh khoe "chiến lợi phẩm" mà anh thu được từ khoảng 4 năm nay là hơn 280 kg đinh mà bọn đinh tặc rải trên đường bị anh thu gom được chứa trong 6 thùng sơn loại lớn.
Với những việc làm ý nghĩa trong suốt nhiều năm qua, anh Cảnh được tặng nhiều giấy khen của địa phương và năm 2018, anh được chọn là một trong 5 gương mặt tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Gương sáng phố phường lần thứ 19" do Báo Công an TPHCM, Cung văn hóa Lao Động và Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) đồng tổ chức. Và gần đây là ngày 11.1.2019 tại lễ tuyên dương "Tấm gương thầm lặng mà cao cả" của UBND TP.HCM, anh Cảnh đã được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tặng bằng khen cùng nêu gương trong báo cáo.
|
Bình luận (0)