Người lưu giữ hồn Việt

17/12/2017 10:18 GMT+7

Đã bước sang tuổi thất thập, họa sĩ Thành Chương vẫn không hề thay đổi lịch trình làm việc hằng ngày như mấy chục năm qua. Ông luôn đau đáu gìn giữ văn hóa Việt thông qua việc xây dựng và chỉnh trang Việt phủ.

Vừa qua, họa sĩ Thành Chương được chú ý bởi thành công trong việc tập hợp15 họa sĩ đương đại Việt vẽ minh họa Truyện Kiều (NXB Văn học và ĐôngA). Số tranh này vừa bán đấu giá được 362 triệu đồng. Không chỉ vẽ tranh, Việt phủ Thành Chương từ năm 2001 đến nay đã trở thành một điểm đến văn hóa của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Ông đã dành cho Thanh Niên những chia sẻ về công việc và gia đình.
Không tính toán tiền bạc, thời gian


Họa sĩ Thành Chương (con trai nhà văn Kim Lân) năm nay 70 tuổi. Ông vẽ tranh từ năm 7 - 8 tuổi, từng vẽ tới 150 bức tranh bột màu chỉ trong 1 tháng nhân dịp kỷ niệm 60 năm Đôi gà tồ, mà không bức nào giống bức nào.
Ông làm việc suốt 35 năm tại Báo Văn nghệ (cho tới khi về hưu), sưu tầm đồ cổ văn hóa từ năm 15 tuổi, thường xuyên tự đi xe máy tuyến Sóc Sơn - Hà Nội để vừa bảo đảm lo việc Việt phủ, vừa có thời gian chăm sóc gia đình. Ông hiện sống tại Hà Nội.

* Từng bỏ rất nhiều tiền bạc, công sức xây dựng thành công Việt phủ đến nay, có bao giờ ông giật mình về số tiền đã bỏ ra để đeo đuổi xây dựng và duy trì Việt phủ?
- Họa sĩ Thành Chương: Nói thật là khi mới bắt đầu vào làm không gian văn hóa này, tôi cũng như mọi người khác, ghi chép mọi chi phí rất cẩn thận (vận chuyển, xi măng cốt thép...). Nhưng sau khi tổng kết thì kinh phí kinh khiếp quá. Nếu cứ thấy số tiền đó thì không dám làm nữa, nên sau mấy tháng quyết định thôi, không dám ghi chép kinh phí đã chi trả nữa. Tôi cứ coi Việt phủ như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, một không gian văn hóa Việt. Đã là một tác phẩm thì không tính toán về tiền bạc, về thời gian... Và tôi cũng coi đây như một bức tranh, cứ khi nào thấy một nét vẽ chưa đẹp thì lại xóa đi vẽ lại, cứ thấy phần nào chưa được lại chỉnh sửa làm lại. Thế nên cho tới tận bây giờ, tôi cũng không đong đo đếm được giá trị về vật chất, tinh thần, văn hóa của Việt phủ.
Cũng có một số khách nước ngoài là doanh nhân, với cái nhìn thực dụng, đã có những đánh giá về Việt phủ. Trong đó phần lớn mọi người đều đánh giá nó là vô giá. Cũng có người ước tính trị giá của nó khoảng từ 40 - 50 triệu USD. Thực ra tất cả những ước tính này đều rất khó nói bởi không có chuẩn mực nào để đo đếm cả.
Việt phủ như một tác phẩm mở, khi tôi có tiền lại chỉnh trang, tu bổ thêm. Việt phủ mỗi năm mỗi khác cũng bởi tôi luôn chỉnh sửa nó.
Gia đình họa sĩ Thành Chương
* Vậy ông đã chủ ý dựng nên một tác phẩm nghệ thuật để bảo tồn văn hóa Việt?
- Cha tôi, nhà văn Kim Lân, rất am hiểu văn hóa Việt, tôi cũng bị ảnh hưởng từ bé. Quê hương tôi chịu ảnh hưởng từ đồng bằng Bắc bộ, với những làng tranh làng gốm, làng quan họ. Tôi càng thích thú muốn tìm hiểu nó, muốn dựng lên nó.
Ban đầu tôi cũng không định dựng nên một không gian như bảo tàng thế này. Nhưng quá trình làm, mọi thứ đã mở rộng ra dần, được xã hội rất quan tâm. Mới được một năm, lượng người tham quan rất đông, ý thức xã hội và cộng đồng tăng lên. Các đại sứ đến VN thường đến Việt phủ trước để tìm hiểu về văn hóa Việt.
* Việt phủ lưu giữ nhiều tác phẩm sưu tầm đồ sộ, với hàng ngàn đồ cổ. Ông có thể chia sẻ kỷ niệm sưu tầm những món đồ cổ độc đáo?
- Không phải một sớm một chiều có được những cổ vật như vậy. Tôi không biết đã dùng bao nhiêu viên gạch cổ để xây Việt phủ. Tôi có một đội chuyên đi lang thang ngõ ngách các làng quê để đi lùng mua gạch cổ, 1 viên cũng mua, nghìn viên cũng mua, riêng chuyện mua gạch cổ đã là một câu chuyện. Có những gia đình dỡ nhà, mình phải đi điều đình với người ta xin mua lại. Sau này khi hay tin về Việt phủ, người dân đều nâng giá lên nên việc mua lại gạch cổ và các đồ cổ vật cũng rất khó khăn.
Nhà tranh vách đất tôi cũng mua về, đặt vào Việt phủ. Bởi các cụ thời xưa làm rất kỹ các cột kèo, tre pheo, không giống như thời nay, tre pheo làm ẩu nên co ngót, nhìn buồn cười lắm.
Trên Việt phủ có nhiều giếng, có cái từ chợ quê Thái Nguyên, dây thừng kéo mòn đến nỗi thành giếng có rãnh sâu đặt được cả ngón tay vào. Khi họ đập chợ cũ đi để xây siêu thị mới, tôi có người báo tin nên vội vàng lên mua mang về. Tiếc là lên đến nơi, giếng cổ đã bị đập vỡ đôi, tôi phải mang về ghép lại. Có cái giếng khác do anh em sưu tầm từ Thanh Hóa, hoặc tôi mua lại từ đấu giá. Các pho tượng đình chùa cũng vậy, tôi cũng mất rất nhiều công sức cho tìm kiếm, thu mua kéo dài rất nhiều năm. Có những pho tượng bị lấp xuống ao, tôi phải thuê người móc từ dưới ao lên. Có những bức tượng bị bọn “trẻ trâu” buộc cổ sai trâu kéo lọc cọc, tôi phải thương lượng đổi chác với chúng. Cứ như vậy từ năm 15 tuổi đến nay, cũng ngót hơn nửa thế kỷ sưu tầm rồi.
Nhà văn Kim Lân và con trai - họa sĩ Thành Chương
Nhà văn Kim Lân và con trai - họa sĩ Thành Chương
Việt phủ với những hình ảnh quen thuộc của Bắc bộ
Tôi nổi tiếng chiều vợ, chiều con
* Vợ anh, chị Ngô Hương, dường như có một vai trò khá quan trọng trong việc cùng anh quản lý Việt phủ. Phải chăng “đồng vợ đồng chồng, tát Biển Đông cũng cạn”?
- Đúng là Ngô Hương có vai trò rất quan trọng đối với việc quản lý Việt phủ. Mang nặng đẻ đau rất kinh khủng nhưng nuôi nó sống và nuôi dưỡng để nó phát triển còn cực khổ hơn nhiều. Ngô Hương có khả năng quản lý. Ban đầu cô ấy không thích, nhưng khi bắt tay thì cứ cuốn theo, có lao theo, khi được xã hội công nhận, đánh giá thì lại say mê.
* Trong cuộc sống gia đình, anh có phải là người gia trưởng không? Nếu giữa hai vợ chồng anh có điều gì mâu thuẫn, thường ai sẽ là người chủ động gỡ nút thắt đó để cơm lành canh ngọt?
- Tôi nổi tiếng chiều vợ chiều con, thậm chí nhiều người còn cho rằng nếu vợ con tôi hỏng là do tôi quá chiều, nếu tôi gia trưởng thì làm sao chiều được. Nếu có mâu thuẫn thì tôi thường nhớ câu 9 bỏ làm 10. Cần phải hiểu cái gốc trong cuộc sống gia đình, không có thì gia đình không tồn tại được. Kể cả với con cái cũng vậy, phải coi chúng như bạn bè, tri kỷ, để chia sẻ mọi điều cùng mình, dù mọi chuyện sai đúng vui buồn. Những gì nghiêm khắc thì vẫn cần giữ. Cốt lõi là phải tin yêu và thành bạn của nhau.
Ở nhà tôi, hai vợ chồng đứng cạnh nhau, kề vai sát cánh, bình đẳng. Bình đẳng thật chứ không phải bình đẳng giả, nói mà không làm như nhiều người khác.
Vợ chồng họa sĩ Thành Chương
* Được biết các con gái anh vẽ khá đẹp và rất yêu thích vẽ, anh có định hướng con theo nghề mình không?
- Cả hai đứa đều có thiên hướng nghệ thuật, đều vẽ. Có lẽ chúng sống trong môi trường như thế. Nhưng chúng cũng thích nhiều thứ, đam mê nhiều thứ, lúc thích cái nọ cái kia. Đứa thích nhảy, đứa thích hát, vẽ không phải là sở thích duy nhất của chúng. Tôi chỉ có thể hướng chúng nếu nó đúng vào sở thích của con. Tôi không ép buộc con.
Bản thân giáo dục VN rất nhiều lệch lạc, nhiều khi bố mẹ tưởng lo cho con nhưng thật ra là thỏa mãn mình. Mình thích gì thì bắt con học theo. Chúng ta vẫn coi trọng bằng cấp, chỉ chú trọng đào tạo ra nhiều bằng cấp, chứ không có thợ chuyên nghiệp. Cách đào tạo vẫn ham địa vị, danh hão, trong khi hệ thống xã hội cần mọi mắt xích quan trọng.
Với tôi, tôi tự tìm ra những cách dạy con phù hợp. Chẳng hạn tôi hát quan họ, cải lương, kể chuyện tiếu lâm cho con nghe. Bọn nó thích lắm. Là cha mẹ có cái từng trải, hiểu biết hơn, ắt phải tìm ra những uốn nắn sao cho phù hợp với con trẻ của thời nay.
Có sức làm việc đáng nể
       
Họa sĩ Thành Chương là người mà tôi rất quý mến và trân trọng. Anh ấy luôn chăm lo cho đàn em từ những thứ nhỏ nhặt nhất rất chu đáo và bất ngờ! Anh ấy có cách sống trung thực thẳng thắn mà lại tình cảm, là một người lao động sáng tác nhiệt huyết và có sức làm việc đáng nể. Đối với tôi, họa sĩ Thành Chương là người mà tôi học được rất nhiều ở anh ấy trong cuộc sống và sáng tác.
Họa sĩ Phạm An Hải
Tạo ra nhiều giá trị đẹp
       
Trong giới văn nghệ sĩ, hoạ sĩ Thành Chương chơi rộng và được nhiều người khi tiếp xúc cảm thấy gần gũi, nể nang và quý trọng. Anh rất hòa đồng, không phân biệt cao thấp, trẻ già. Tính anh quảng đại, vô tư nên khi “hô” anh em làm việc gì chung, mọi người đều nhiệt tình ủng hộ. Việt phủ Thành Chương luôn là điểm đến của du khách yêu văn hóa và nghệ thuật, được tờ báo hàng đầu của nước Mỹ là The New York Times và các tờ báo uy tín thế giới khác đăng tin... Họa sĩ Thành Chương là một người đã tạo nên nhiều giá trị đẹp về tinh thần cho xã hội. Một người luôn luôn tỏa sáng với dòng năng lượng tích cực!
Họa sĩ Trần Đại Thắng (Giám đốc Công ty cổ phần văn hóa Đông A)
Nhiệt thành và rất khí phách
       
Thành Chương là một người nhiệt thành và rất khách khí. Khi trò chuyện với anh ấy, có thể rất dễ tìm sự đồng cảm, nhưng không phải lúc nào bạn cũng có thể hiểu hết anh ấy.
Chính vì vậy tranh Thành Chương mang đến cho người ta cảm giác dễ yêu thích từ cái nhìn đầu tiên, nhưng để cảm nhận được ý tưởng tác giả muốn thể hiện trong tranh không phải là điều dễ dàng. Màu sắc của tranh anh thường rực rỡ, gam màu tươi trong khối hình vững chãi.
Khi ngắm tranh Thành Chương, bạn sẽ thấy cảm rất thanh bình. Đề tài rất giản dị với đời sống, mang hồn cốt Việt, như con trâu, nón lá, mục đồng… được cách điệu. Có một đề tài rất đặc sắc nhưng lại làm người ta ngạc nhiên là tranh chân dung về chính họa sĩ và bạn bè. Người xem sẽ luôn nhận thấy mình có phần nào trong các bức tranh đó.
Vì vậy tranh Thành Chương rất dễ bán với cái giá rất dễ chấp nhận trên thị trường.
Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.