Người man di Nguyễn Văn Vĩnh

13/05/2013 03:25 GMT+7

Tuy chưa ra mắt nhưng cuốn sách Người man di hiện đại (NXB Tri Thức phát hành) đã gây chú ý.

Đây không chỉ là cuốn sách đầu tiên tập hợp các trước tác của học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), mà còn là cách người đời sau tìm lại “công bằng” cho ông.

Một buổi tọa đàm về cuốn sách đã diễn ra vào chiều 11.5 tại Hà Nội, với sự tham gia của nhiều nhà tri thức đương thời.

Những bài báo cuối đời

Sinh thời, Nguyễn Văn Vĩnh tự nhận mình là “người man di hiện đại” hay “sản phẩm của một nền giáo dục hỗn hợp và khiếm khuyết”, như là cách ông khiêm tốn trước các bậc học giả. Bởi lẽ, ông nhận thức mình là người làm văn hóa không có gốc, gốc ở đây nghĩa là không phải con nhà quan hay con nhà Nho, mà chỉ là cậu bé chăn bò 8 tuổi xin kéo quạt trong lớp học của người Pháp để được học lỏm.

 Học giả Nguyễn Văn Vĩnh và Báo L’Annam Nouveau
Học giả Nguyễn Văn Vĩnh và Báo L’Annam Nouveau - Ảnh: Tư Liệu

Một con người có tầm tư tưởng lớn, luôn hướng tới sự cách tân, dân chủ như Nguyễn Văn Vĩnh đã có những đóng góp trong nhiều lĩnh vực văn hóa, giáo dục, văn học, chính trị… nhưng vẫn chưa được đánh giá sâu sắc và toàn diện. Thậm chí trong nhiều giai đoạn, lịch sử đã hiểu sai khi kết tội ông là “tay sai”, “kẻ bồi bút” cho chính quyền thực dân, hay nặng nề hơn là “người đã cắt đứt mạch văn hóa Hán - Nôm của dân tộc”.

Nhưng lịch sử đã phải nhìn nhận lại, ông là người có cuộc đời và sự nghiệp sạch sẽ, chưa bao giờ mơ lấy cho mình cái danh, cái lợi, và nếu không có chữ quốc ngữ - mà ông là người có công đầu trong việc truyền bá - thì sẽ không có nền văn hóa chữ quốc ngữ như bây giờ.

Người man di hiện đại - tập 1 (dự kiến có 9 tập) được coi là cuốn sách đầu tiên về Nguyễn Văn Vĩnh, là dịp để người đời sau có cái nhìn đầy đủ, rõ ràng về những đóng góp, ảnh hưởng của một bậc học giả lớn. Cuốn sách tập hợp 26 bài báo cuối đời viết bằng tiếng Pháp của ông in trên tờ L’Annam Nouveau (Nước Nam mới) trong những năm 1931-1936, được các con ông lưu giữ lại. Các bài viết xoay quanh chủ đề phong tục, thiết chế của người nông dân Việt Nam. Nguyễn Văn Vĩnh giải thích thế nào là làng, tôn giáo, tín ngưỡng của người nông dân, vấn đề đô thị hóa tác động đến người nông dân thế nào… Các bài viết không chỉ là những phân tích đơn thuần mà sâu xa hơn mượn chuyện làng để bàn chuyện nước. Nguyễn Văn Vĩnh đưa vào trong bài viết các luận điệu sắc bén, lên án chính quyền và triều đình phong kiến đương thời.

Cái gai trong mắt chính quyền thuộc địa

Ông Nguyễn Lân Bình, cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, chủ biên cuốn Người man di hiện đại, quyết định lựa chọn những bài báo đã in trên tờ L’Annam Nouveau không phải một cách ngẫu nhiên.

Nhận ra Nguyễn Văn Vĩnh đang nỗ lực trong việc “khai dân trí”, nâng cao tầm hiểu biết cho người Việt Nam, giúp họ thấy rõ giá trị của tự do, dân chủ, công lý qua báo chí, chính quyền thuộc địa trở nên lo sợ. Họ dùng nhiều biện pháp để hạn chế các hoạt động của Nguyễn Văn Vĩnh, trong đó có việc buộc ông không được viết báo bằng tiếng Việt. Cùng lúc đó, đã có những xung đột về đường lối chính trị trong Nghị viện dân biểu Bắc Kỳ. Để bảo vệ quan điểm chính trị, chống lại chiến lược “kinh doanh thuộc địa” của nhà cầm quyền, Nguyễn Văn Vĩnh nhanh chóng đưa ra quyết định thành lập một tờ báo bằng tiếng Pháp có tên L’Annam Nouveau. Một trong những tôn chỉ hoạt động của tờ báo mới này là: “Để đem lại sự giúp đỡ thẳng thắn, nhưng xứng đáng với công lao của nước Pháp, đồng thời làm việc để giành lại độc lập cho nhân dân An Nam”.

Những bài viết trên L’Annam Nouveau luôn đưa ra các giọng điệu đả kích chính sách cai trị của chính phủ thuộc địa. Tất nhiên, nó trở thành cái gai muốn nhổ bỏ của nhà cầm quyền. Nước Nam mới được đánh giá là tờ báo cuối cùng nhưng thành công nhất mà Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút và cũng là tờ báo gây ra cho ông nhiều hệ lụy sau này.

“Việc chưa có tác phẩm nào của Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản thành sách là một bất công lớn với ông. Đây là công việc mà người yêu văn hóa phải làm”.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

Minh Ngọc

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.