Luận văn tốt nghệp về đề tài bánh mì
Khoảng 5 tháng sau khi mở tiệm Bánh Mì Xin Chào, Bùi Thanh Tâm (27 tuổi, người Quảng Nam) làm luận văn tốt nghiệp đại họcngành kinh tế tại ĐH Yokkaichi (Tỉnh Mie, Nhật Bản) với đề tài "Triển khai mở chuỗi cửa hàng bánh mì- sandwich Việt Nam tại Nhật" . Được bình chọn là luận văn hay nhất khoa bởi đó là cuộc đời anh, từ quá trình vừa học vừa ứng dụng thực tế tạo nên cửa hàng bánh mì Việt ở Nhật Bản. Báo Chunichi của Nhật chọn đề tài thú vị này giới thiệu trên báo, và từ đó, thương hiệu bánh mì của Tâm vang xa, được nhiều người Nhật biết đến.
Ý tưởng bất ngờ từ một lần tham gia hội chợ
Có lần, đi tham gia hội chợ, nhìn mọi người đứng xếp hàng chờ mua được phần bánh mì kebab, hình ảnh đó gợi cho Bùi Thanh Tâm ý tưởng mở tiệm bánh bánh mì Việt Nam. Tâm kể: “Lúc đó tôi đã mua ăn thử, sau đó suy nghĩ sao bánh mì Việt Nam được nhiều người bình chọn là một trong những món ăn hấp dẫn nhất thế giới nhưng ở Nhật chưa có? Sao mình lại không mang ổ bánh mì thương hiệu Việt sang bán tại Nhật Bản Từ suy nghĩ ấy, tôi và anh trai Bùi Thanh Duy cùng bắt tay nghiên cứu, chuẩn hóa quy trình, thuê mặt bằng… Tôi không quên ngày 20.10.2016, ngày mà chỉ trong vòng vài tiếng, cửa hàng bánh mì mở cửa đã hết sạch bánh mì vì mọi người mua rất đông. Nhìn dòng người xếp hàng hồ hởi mua bánh mì tiếp thêm động lực cho tôi tiếp tục cố gắng”.
Mỗi ngày làm việc gần 20 giờ, ở giữa thủ đô Tokyo sầm uất với bao nhiêu hàng quán, tụ điểm ăn uống xung quanh, với Tâm, tiệm Bánh Mì Xin Chào, dù nhỏ bé khiêm tốn nhưng là dấu son cho sự phát triển của ẩm thực Việt. Tâm chia sẻ: “Lúc đó cũng lo lắng lắm, hai anh em dồn hết khoản tiền trong nhà hơn 2 tỉ đồng, đi đặt cọc tiền nhà, tiền trang trí tiệm là gần hết vốn. Và rồi chúng tôi đã thành công thu hút khách quay lại mua bánh mì nhiều lần sau khi ăn thử”.
Dẫu ở Nhật nhưng từ ổ bánh mì, anh Tâm đều làm hoàn toàn thuần Việt. Anh kể: “Chúng tôi cũng phải đi tới 50 cửa hàng làm bánh mì mới tìm được một nơi làm được ổ bánh mì giòn. Cũng tập nêm nếm thịt xíu, chế biến nước xốt sao cho đúng khẩu vị của bánh mì Hội An nổi tiếng để ai ăn một lần cũng không thể quên. Toàn bộ 7 loại nhân bánh mì ở tiệm như bánh mì chả, mì heo nướng, gà nướng, ốp la, thịt muối, chả bò và một ổ bánh mì đặc biệt. Với tiêu chí là bánh mì tươi mới mỗi ngày nên toàn bộ nguyên liệu đều được đặt mới, cũng để hạn chế hàng tồn, hôm nay tôi sẽ căn cứ trên số lượng hàng bán ra để đặt bánh cho hôm sau. Dù thế, có những ngày chỉ mở cửa vài tiếng thì bánh hết đành ra trước cửa đứng xin lỗi khách”.
Cho đến nay, vẫn 60% khách mua hàng là người Việt ở Tokyo và vài vùng lân cận, 40% là người Nhật và khách nước ngoài. “Tôi có tham vọng đến Olympic 2020, chúng tôi sẽ trở thành chuỗi cửa hàng thức ăn cung cấp cho đại hội này", Tâm chia sẻ.
Từ Nhật Bản ngược dòng về Sài Gòn và ước mơ chuỗi cửa hàng toàn cầu
Vài ngày nữa, Bùi Thanh Tâm có chuyến bay trở về Sài Gòn triển khai kế hoạch mở cửa hàng Bánh Mì Xin Chào đầu tiên ở Việt Nam. Anh chia sẻ: “Nhiều người sẽ nghi ngờ về kế hoạch của Tâm khi nghĩ ở đây có hàng trăm xe đẩy, tiệm bán bánh mì, bánh mì bán khắp mọi nơi sao có thể cạnh tranh được. Tâm cũng suy nghĩ nhiều lắm, từ cách đây 2 năm khi ngồi bàn kế hoạch mở tiệm mình đã nghĩ đến việc về Việt Nam mở tiệm. Bởi để trở thành một chuỗi cửa hàng toàn cầu, mình phải có cửa hàng trong nước, thu phục được khách hàng ở Việt Nam, có như thế mới có thể tung ra thế giới”.
Như cái tên, gặp nhau là chào hỏi, trao đổi làm quen trước khi tiến xa hơn, tiệm bánh mì của anh Tâm cũng mong muốn là tụ điểm để mọi người đến ăn lót dạ, trước khi bàn công việc. “ Một cửa hàng bánh mì cà phê Việt Nam nhưng quản lí theo tiêu chuẩn Nhật. Các quy trình đã được mình nghiên cứu chính xác, tỉ mỉ, hoàn hảo, cứ 2 phút thì hoàn thành một ổ bánh mì nóng, khách không phải chờ đợi lâu, để được ăn một phần ăn ấm nóng. Dĩ nhiên khi về Việt Nam thì sẽ cạnh tranh nhiều chứ, nhưng mình có ưu điểm riêng. Mình muốn góp sức mình thay đổi thói quen ăn uống, và định dạng lại món ăn tưởng chừng rất dân dã và đường phố là bánh mì”.
Mỗi cột mốc trong cuộc đời tâm đều được ghi dấu bằng những sự kiện đáng nhớ. 2011 sang Nhật Bản, 2016 mở tiệm bánh mì đầu tiên. Rồi 5 tháng sau từ bài luận văn mà hình ảnh tiệm bánh mì xuất hiện nhiều trên báo chí Nhật, Bánh mì Việt bắt đầu có tiếng ở Tokyo.
Trong quyển sách mới phát hành của của nhà văn Sezirawa Kensuke có tựa đề Người ngoại quốc và cửa hàng tiện ích, tác giả đã dành riêng một chương với tiêu đề Giấc mơ Nhật Bản và dùng cửa hàng của Tâm làm ví dụ điển hình cho những du học sinh đến Nhật và khởi nghiệp thành công.
Đến tháng 10.2018, cửa hàng bánh mì Việt Nam đầu tiên thành công ở Nhật quay trở lại sân nhà, chinh phục người mê ẩm thực trong nước. Cạnh tranh đấy, đầy thử thách đấy nhưng Tâm chia sẻ: “Mình còn trẻ mà, mình phải làm gì đó để đánh dấu như những milestone (cột mốc) trong đời, để cảm thấy mình có tuổi trẻ hào nhoáng, tuổi trẻ đầy sức sống. Mất thì làm lại có sao đâu (Cười). Tuy nhiên, Tâm cũng trang bị kĩ kiến thức, cũng nghiên cứu thị trường kĩ, Tâm rất tự tin về bánh mì của mình sẽ chinh phục được khách”.
Bình luận (0)