Nói là quê tôi cũng đúng mà cũng có thể sai. Bởi tôi được ông Thung - người mà sau này tôi gọi là bố đã nhặt tôi ở ga tàu. Bố nuôi tôi từ đó, hai bố con tôi bao bọc nhau sống trong một căn nhà nhỏ cạnh cánh đồng làng. Tôi không biết quê gốc tôi ở đâu? Bố mẹ tôi là ai? Và tại sao họ lại quấn tôi trong chiếc tã mỏng manh đặt ở ga tàu năm đó? Tôi lớn lên với rất nhiều câu hỏi như thế trong lòng, nhưng không ai trả lời cho tôi. Bố nuôi tôi thì bị câm, tuy nhiên bố chỉ bị câm chứ không bị điếc.
Căn nhà bố con tôi ở nhỏ lắm, nói là nhà nhưng thực ra nó là căn lều trát vách trộn bùn với gốc rạ. Ngày mưa, nhà dột như ngoài trời. Mùa đông lạnh thấu da khi cánh đồng nện những cơn gió quật vào ngôi nhà nghe rõ cả tiếng ràn rạt. Chỉ có những ngày nắng, tối đến tôi được ngắm trăng sao bởi căn lều nhỏ, chỗ nào cũng là một ô cửa sổ nhìn xuyên qua. Bố tôi lại vào trong xóm xin rơm rạ, họ không cho thì bố tôi mua chịu. Bố làm thuê cho họ trả công dần. Cả ngày bố hì hụi xếp từng vắt rơm rồi sửa sang lại chỗ bị dột, chỗ bị hổng. Bố vỗ vai tôi và chỉ lên mái nhà, bố cười thật tươi khi nhìn lại thành quả vừa làm xong. Căn nhà ấm cúng hơn, kín đáo hơn.
Gia tài của tôi, đó là chiếc áo len màu chàm và chiếc tã chéo hình tam giác màu xám lúc bố nhặt được tôi nằm gọn gàng trong đó. Bố giơ tay thật cao, miệng ú ớ chỉ trỏ, tôi hiểu ý bố rằng tôi phải giữ gìn bộ quần áo đó làm manh mối để sau này lớn lên, tôi còn tìm về với gia đình. Tôi gật đầu vờ như đồng ý lời bố nói, nhưng thực sự đã mất kết nối với người thân từ lúc họ bỏ rơi tôi. Một đứa trẻ sơ sinh như tôi thì làm gì có ký ức gì để đi tìm người thân? Đất trời xoay vần, người đông như chợ, tôi biết lần về hướng nào mà tìm?
Bố tôi làm thuê cho một nhà sản xuất gốm ở Phù Lãng. Ngày nào bố cũng gánh đất từ bến sông vào bờ. Những sảo đất sét màu da lươn nâu vàng, bố cho thêm nước, đôi chân bố dày xéo những đụn đất đến khi nào chúng mịn quánh với nhau thì mới thôi. Bố lại cho đất lên mâm, quay thành từng vòng, bàn tay bố miết những cục đất quay tròn rồi một lúc sau chúng thành hình thành dạng. Những lọ hoa, vại sành, bát, đĩa, ấm chén cứ thế từ tay bố mà sinh ra trên đời.
Chủ lò gốm là ông Bắc, ông ấy có một lò nung to, củi chất đầy nhà. Bao nhiêu vốn liếng ông trông chờ hết vào mẻ gốm. Lúc đầu nung lửa phải to dần đều. Rồi lúc gốm chín phân nửa thì củi lửa cũng bớt vợi đi. Cho đến khi mẻ gốm ra lò, họ giao cho những người dân đến lấy hàng đi bán lẻ. Dân quê tôi gọi đó là hàng cang, thường những người là nam giới thì mới chở được những sản phẩm gốm nặng như thế. Họ đi bán dạo, tiếng rao khắp mọi ngõ ngách miền quê: "Ai chum vại, tiểu sành đê!".
Bố tôi được ông Bắc trả cho một ít tiền công vào ngày cuối tháng. Bố tranh thủ ra chợ đong gạo cho tôi nấu. Các bà bán hàng ở chợ kể, bố vất vả nuôi tôi lúc nhỏ, khi thì bố đi xin sữa cho tôi bú nhờ, khi thì bố chắt nước cơm cho tôi từng thìa. Chẳng biết tôi đã bú nhờ bao nhiêu phụ nữ trong làng, tôi uống bao thìa nước cơm bố bón mà tôi lớn lên khỏe khoắn, dễ nuôi.
Quê tôi gần bến sông, người làng vẫn kể có một nơi gọi là "bến không chồng". Bao chàng trai đi chiến đấu trong chiến trường miền Nam. Những người đàn bà cứ ngồi trên bến đợi chờ, dù biết người chồng hay người yêu của họ sẽ mãi mãi không bao giờ trở về nữa. Họ ngồi đó, cùng nhau nhóm lên một hy vọng, dẫu chỉ là mong manh.
Cô Liễu - con gái ông Bắc là một trong những người phụ nữ đó. Cô ấy cưới chồng được vỏn vẹn mười ngày thì chồng cô đi bộ đội. Hòa bình đã lập lại nhưng chú ấy không về. Bây giờ thì cô đã quá lứa lỡ thì. Cô chẳng lấy chồng, mà cũng không thấy ai đến hỏi. Cô cứ chăm chỉ gánh gồng và làm gốm cùng bố tôi.
Tôi được bố cho đi học với các bạn ở trường làng. Bọn chúng hay trêu tôi là "đồ không mang họ" hay "con nuôi của ông bố câm". Lúc đầu tôi buồn nhưng chúng chê miết rồi tôi cũng quen. Hơn nữa tôi học giỏi các môn nên chúng còn xin chơi với tôi để mong có cơ hội tôi cho chúng nó chép bài. Dần dần, chúng không còn trêu tôi nữa mà ngược lại còn nể tôi, vì tôi chỉ cần nghe thầy giáo giảng qua một lần là hiểu.
Tôi vào học cấp ba trường huyện. Thằng Long thân với tôi nhất, một hôm đi học về cùng tôi, nó hỏi:
- Thinh này! Mày nghe tin gì chưa?
- …
- Bố mày làm cô Liễu có thai đấy!
Nghe thằng Long nói, tôi nửa ngạc nhiên, nửa ngờ ngợ. Tôi nhớ lại đêm hôm ấy, một đêm mưa lâm thâm, bóng tối bao trùm căn nhà chúng tôi một màu đen đặc quánh. Tôi học bài xong buông màn đi ngủ. Bố tôi đi làm về, chân tay bố vẫn dính đầy đất sét màu da lươn. Bố ngồi phệt xuống giếng, múc từng gầu nước xối từ trên đầu chảy xuống ào ào. Tôi định chạy ra thì bóng một người đàn bà ở đâu chạy tới. Cô ấy ôm chặt bố tôi, rưng rức khóc.
Họ đứng đấy khá lâu, tôi cũng không biết họ đã làm gì bởi cái màu đen của đêm đã ngăn cản đôi mắt tôi nhìn không rõ. Chưa bao giờ tôi ước mình có đôi mắt của một loài cú vọ như lúc này, bởi tuổi dậy thì tôi bắt đầu thấy những rạo rực tự nhiên trong cơ thể. Nhưng ý nghĩ chỉ nổi loạn trong tôi quãng chừng mươi giây thì lại ngoan ngoãn nằm im mặc màn đêm đen ngoài kia bao bọc lấy bố tôi và người đàn bà kia...
Bụng cô Liễu ngày càng to vượt mặt. Người làng gán cho bố tôi cái tội làm cô Liễu có mang. Ông Bắc không thuê bố tôi làm nữa. Ông vứt cho bố tôi mấy đồng tiền công, tuyên bố:
- Mày không có cửa bước vào làm rể nhà tao!
Bố tôi ú ớ vài câu như muốn nói điều gì giải thích, nhưng ai mà hiểu được điều gì bố tôi nói. Thà cứ câm mà không nghe thấy còn hơn nghe thấy mà không thể nói lại được. Những lúc ấy tôi thương bố nhiều lắm. Bố tôi cũng là người ở đâu lưu lạc đến xứ này, trong một cuộc ly tán vì nạn đói năm 1945 hồi đó. Bà tôi mất sớm nên bố tôi bơ vơ sống một mình thân cô thế cô ở nơi đây. Bố tôi lặng câm như đất vậy. Bao năm nay, bố tôi chỉ biết có nghề ấy, đến nhắm mắt bố tôi cũng nặn ra được hình thù cái chai, cái ang, cái vại…
Ông Bắc không thuê bố tôi làm nữa, bố dắt tôi sang nhà ông Phán xin làm. Nhưng thời gian này, nghề gốm thoái trào, gốm làm ra chất đầy đường mà chẳng có nơi tiêu thụ. Bàn tay bố tôi lóng ngóng, chẳng biết làm gì khác. Bố thường ra sông gánh những sảo đất sét nhỏ mà bố gạn được, nhào nặn thành thớ đất mịn rồi nặn ra hình thù thật khéo, nhưng chẳng để làm gì, bố không có vốn liếng như người ta. Bố làm những việc đó như để nhớ thương với đất.
Tôi thương bố, bỏ ngang việc học để đến nơi khác xin việc làm. Những ngày tháng cơ cực nơi phố thị, tôi luôn nhớ về tiếng "coong, coong" bố tôi gõ để thử sản phẩm mỗi khi gốm ra lò. Bao giờ tiếng "coong" trong vắt, vang như chuông là sản phẩm đã nung đủ chín. Gốm thì vang mà bố tôi luôn lặng câm, chịu đựng như đất. Tôi nhớ con ngõ quanh co, các ngôi nhà ngăn nhau chẳng cần bờ tường gạch mà chỉ là những chiếc vại sành, tiểu sành xếp ngay ngắn lại.
Ban ngày đi làm vất vả, ban đêm tôi lại tranh thủ tự học bài. Tôi học thêm ngoại ngữ. Ngoại ngữ không hề khó học mà chỉ cần chăm chỉ học từ mới. Tôi có năng khiếu về hội họa, nên bắt đầu tập vẽ tranh. Tôi nghiên cứu thêm các tài liệu trong và ngoài nước về các mẫu mã, các họa tiết và các kiểu dáng vật dụng làm từ gốm. Tôi vẽ lại chúng và sáng tạo thêm theo ý tưởng của mình.
Một ngày mùa hè nắng như đổ lửa, tôi ba lô khăn gói trở về quê…
Tôi và bố đến nhà ông Phán xin ông cho bố con tôi làm việc ở đây. Vốn liếng của ông Phán nhưng ý tưởng kinh doanh là của tôi. Những mẫu mã và hình thù từ gốm sẽ do tôi vẽ. Sau một hồi nghe tôi thuyết phục, ông Phán đã đồng ý. Bởi ông và rất nhiều người trong làng cũng đang điêu đứng với chính nghề gốm của mình. Lò gốm từ bao lâu nay không đỏ lửa.
Chẳng phải nói bố tôi vui thế nào khi đôi chân bố lại được nhào nhuyễn cùng từng thớ đất. Bàn tay bố lại vuốt ve những sản phẩm trên mâm quay tròn, dù có nhắm mắt bố cũng làm được.
Từ ngày có bố con tôi tham gia, sản phẩm gốm của xưởng ông Phán bán đắt như tôm tươi. Mẫu mã được cải tiến theo yêu cầu của khách hàng. Cả làng gốm Phù Lãng như được sống trở lại. Tôi vui một còn bố tôi chắc vui mười. Nhìn đôi tay run run của bố vuốt thớ đất mà tôi xót xa. Nếu không có bố nhặt tôi về từ bến tàu ngày ấy, liệu tôi có còn là tôi của ngày hôm nay?
Cô Liễu sinh con trai, con cô ấy đã lên bảy tuổi. Ông Bắc không bao giờ cho bố tôi lại gần thằng bé - cháu ngoại của ông, dù chỉ đứng từ xa nhìn. Xưởng gốm của ông Phán phát triển mạnh, kéo theo sự phát triển của các hộ làm gốm trong làng, trong đó có xưởng gốm của ông Bắc. Ông ấy đã có cái nhìn thiện cảm với bố con tôi.
Rồi một hôm, gặp bố tôi, ông bảo:
- Thế nào anh Thung? Thỉnh thoảng đến thăm con trai đi, nếu không lớn lên nó lại không biết mặt cha.
Bố tôi nghe lời ông như được ai đó cởi dây trói trong lòng. Bố đến thăm cô Liễu và con trai của mình. Bố cứ đứng nép ở cổng, nhìn nó, vuốt đôi má phúng phính của nó như cái cách bố vuốt những thớ đất trong mâm đang quay tròn. Bố rất vui! Tôi cũng vui vì mình có thêm một người em. Gia đình chúng tôi dần hình thành, như hai điểm của hình tròn chờ ngày chạm nhau để thành vòng tròn xoe, khép kín.
Có một lần, tôi không kiềm chế được sự tò mò, nên đã hỏi cô Liễu một câu, khi hai cô cháu cùng tham dự triển lãm về gốm trên huyện tổ chức:
- Cô Liễu này, cháu hỏi thật nhé: Thằng Linh là con trai của bố cháu, phải không?
Cô Liễu im lặng một lúc rồi trả lời:
- Là con ai bây giờ chẳng còn quan trọng nữa. Chỉ biết rằng, cô rất yêu thương bố cháu. Vì tình yêu ấy, cô chẳng ngại đợi chờ và vun đắp cho gia đình chúng ta vẹn tròn, hạnh phúc.
Câu trả lời của cô Liễu làm tôi thêm khó hiểu. Nó cũng giống như cái màn đêm hôm ấy, tôi cố nhìn mà đáp lại chỉ là đặc quánh một màu đen. Và, bố tôi cũng như hòn đất hiền lành kia, lặng lẽ sống, âm thầm cả một đời; chỉ nghe, nhẫn nhịn và không bao giờ cất lời.
Thể lệ : Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng
Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.
Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.
Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.
Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).
Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.
Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.
Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.
Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.
Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: [email protected] hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)