Người mang tranh cá vàng Việt Nam ra thế giới

11/05/2015 08:31 GMT+7

(TNO) Ấn tượng trước các bức họa cá vàng sống động của nghệ sĩ Nhật Bản Riusuke Fukahori, Tuấn Anh quyết định nghỉ việc, tìm hiểu cách vẽ tranh và trở thành người đầu tiên mang tranh cá vàng 3D 'made in Việt Nam' ra thế giới.

(TNO) Ấn tượng trước các bức họa cá vàng sống động của nghệ sĩ Nhật Bản Riusuke Fukahori, Tuấn Anh quyết định nghỉ việc, tìm hiểu cách vẽ tranh và trở thành người đầu tiên mang tranh cá vàng 3D "made in Việt Nam" ra thế giới.

Một tác phẩm của Đinh Tuấn Anh - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Quyết định thay đổi cuộc đời
Cuối năm 2011, khi Đinh Tuấn Anh còn là một chuyên viên thiết kế đồ họa toàn thời gian tại một công ty bất động sản ở TP.HCM, anh tình cờ biết đến triển lãm nghệ thuật ở London (Anh) của nghệ nhân Riusuke Fukahori. "Nghệ sĩ cá vàng" người Nhật Bản dành ra 12 năm ròng rã tìm hiểu kỹ thuật vẽ tầng lớp (layer by layer) trên chất liệu nhựa trong, tạo ra một bức tranh cá vàng 3D đầy sống động.
“Tôi ngạc nhiên và thậm chí không tin đó chỉ là tranh vẽ. Đây là loại hình nghệ thuật độc đáo và tuyệt nhất trong những điều tuyệt vời mà tôi từng thấy trước đây. Khi ấy tôi tự hỏi: Liệu mình có thể đem nó về Việt Nam và sống bằng nó không?”, Tuấn Anh chia sẻ.
Nghĩ là làm. Chàng trai sinh năm 1984 lập tức xin nghỉ công việc đem lại cho anh thu nhập không dưới hơn chục triệu đồng để tự mày mò phương pháp vẽ tranh.
Tuấn Anh cho hay kỹ thuật vẽ chồng lớp (layer by layer) đã có từ lâu và được không ít nghệ sĩ trên thế giới sử dụng. Tuy nhiên, mỗi nghệ sĩ có cách xử lý khác nhau trong việc vận dụng kỹ thuật này và kết hợp nó với bút họa cá nhân. Điều này tạo ra sự khác biệt trong tranh vẽ và thương hiệu của từng nghệ sĩ.
Vốn là cử nhân chuyên ngành mỹ thuật, kỹ năng vẽ không gây nhiều khó khăn cho anh mà chính chất liệu, quy trình làm ra tác phẩm mới là hai câu hỏi khó tìm lời giải. Ở thời điểm ấy, tại Việt Nam, vẫn chưa nhiều người biết đến tranh cá vàng 3D và hầu như chưa ai học hỏi loại hình nghệ thuật này.
Tuấn Anh sử dụng các vật chứa mang đậm bản sắc Việt Nam - Ảnh: Nhân vật cung cấp
“Điều kiện tiên quyết để có một bức tranh cá vàng 3D là làm được chất liệu nhựa trong như nước. Tôi gần như bắt đầu từ con số không. Những ngày đầu rất mệt vì tôi làm mãi mà chẳng được. Có nhiều lúc, tôi đã muốn từ bỏ trải nghiệm này, quay lại với công việc ổn định hằng ngày trên máy tính”, anh nói.
Song sau ba tháng kiên trì thử nghiệm, Tuấn Anh đã có được công thức pha keo phù hợp và bắt đầu sáng tác những tác phẩm đầu tiên. Anh cho biết những bức tranh đó trông ngây ngô và “sai kỹ thuật rất nhiều”.
Anh chia sẻ về cách có được bức tranh cá vàng 3D: “Đầu tiên tôi chuẩn bị một vật chứa và đổ lớp nhựa trong đầu tiên lên trên. Sau 24 giờ khi nhựa đã cứng, tôi bắt đầu vẽ lớp đầu tiên lên bề mặt nhựa trước khi đổ tiếp lớp nhựa thứ hai và chờ thêm 24 giờ nữa. Cứ như thế cho đến lớp thứ 3, thứ 4 hoặc nhiều hơn nữa. Cuối cùng, tôi đổ lớp nhựa lên và chờ khoảng 48 giờ nữa để cho ra lò một tác phẩm hoàn thiện”.
Cá vàng Việt Nam vươn ra thế giới
Tuấn Anh - người mang tranh cá vàng 3D về Việt Nam - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cầm trên tay những tác phẩm đầu tiên, anh tặng nó cho những người xung quanh và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ bạn bè, đồng nghiệp. Tuấn Anh cho biết khi đó anh đã bắt đầu tin vào quyết định của mình, tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật vẽ và đến năm 2013 thì bắt đầu bán sản phẩm đầu tiên ra thị trường.
Truyền thông qua trang mạng xã hội Facebook và các trang web bán đồ thủ công mỹ nghệ, cá vàng “made in Việt Nam” không những đến tay các khách hàng nội địa mà còn vươn ra thế giới. Tuấn Anh cho hay anh đã từng gửi nhiều đợt hàng đi các nước và không ít người cảm thấy ngạc nhiên, thú vị khi lần đầu tiếp xúc với loại tranh này.
Hiện tại, sau gần 2 năm, Đinh Tuấn Anh đã cung cấp một số lượng khá lớn sản phẩm ra thị trường.
Anh cho biết: “Làm nghệ thuật không thể như một cái máy và vẽ tranh 3D lại mất rất nhiều thời gian. Tôi hoàn toàn không định ra được con số cụ thể nhưng ước chừng một tháng, tôi có thể cung cấp từ 50 đến 100 sản phẩm với nhiều kích thước và mẫu mã khác nhau cho thị trường”.
Trong tương lai, anh chia sẻ mình sẽ tiếp tục đi theo định hướng đã vạch ra ngay từ đầu: Đem loại hình nghệ thuật này về Việt Nam và sống được với nó. Anh sẽ chia sẻ kinh nghiệm vẽ tranh đến các bạn trẻ đam mê loại hình nghệ thuật này và hợp tác cùng một vài người bạn lên kế hoạch kinh doanh cụ thể dòng sản phẩm này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.