* Dương Chí Dũng khai Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách công tác phòng chống tội phạm đã nhận 510.000 USD của ông, tiết lộ thông tin khởi tố và khuyên Dũng bỏ trốn
* Kiến nghị khởi tố vụ án làm lộ bí mật công tác
|
Trong vụ án này, cáo trạng của Viện KSND tối cao truy tố 7 bị cáo về tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”, gồm Dương Tự Trọng (nguyên đại tá, Phó giám đốc Công an TP.Hải Phòng, em ruột Dương Chí Dũng), Vũ Tiến Sơn (nguyên Phó phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.Hải Phòng), Hoàng Văn Thắng (nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường - Công an TP.Hải Phòng), Nguyễn Trọng Ánh (nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.Hải Phòng), Phạm Minh Tuấn (nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng), Đồng Xuân Phong (40 tuổi, nguyên cán bộ Hải quan Hải Phòng) và Trần Văn Dũng (46 tuổi, thường gọi là Dũng “Bắc Kạn”, ngụ Hải Phòng).
|
“Ông anh trên bộ”
Trong ngày làm việc đầu tiên, sau khi đại diện Viện KSND TP.Hà Nội thừa ủy quyền của Viện KSND tối cao công bố cáo trạng, thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó chánh tòa hình sự TAND TP.Hà Nội - chủ tọa phiên tòa, bắt đầu xét hỏi hành vi từng bị cáo.
Được gọi lên đầu tiên, bị cáo Vũ Tiến Sơn khai tối 17.5.2012, bị cáo được Trọng gọi sang phòng làm việc nói một ông anh trên Bộ Công an gọi điện cho Dương Chí Dũng báo là tình hình rất xấu, phải đưa đi nước ngoài lánh nạn một thời gian. Chủ tọa hỏi: “Ông anh trên Bộ Công an là ai?”, sau vài lời ngập ngừng, Sơn khai ra một thứ trưởng.
Đến lượt bị cáo Dương Tự Trọng, chủ tọa hỏi: "Ai báo tin cho bị cáo về việc anh Dũng sẽ bị khởi tố?". Trọng im lặng một lúc rồi than mệt và “hầu như không thể nhớ gì” và nói: “Tất cả như trong lời khai ở cơ quan điều tra, bị cáo không biết gì”. Chủ tọa hỏi tiếp: "Bị cáo có nghe rõ lời khai của Sơn?”. Trọng nói: “Có”, và khẳng định: “Bị cáo không có ý kiến gì, không phủ nhận cũng không công nhận".
Được triệu tập tham gia tố tụng với tư cách nhân chứng, gần cuối buổi trưa, nguyên Cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng đã bất ngờ làm không khí phiên tòa nóng lên khi trả lời câu hỏi của chủ tọa. Dũng nói: “Tôi là bị cáo trong một vụ án khác và phải chịu mức án cao nhất nên tôi chẳng có gì phải giấu giếm và sẽ khai thật”. Dũng khai, trưa ngày 17.5.2012 có điện thoại cho Thứ trưởng Bộ Công an, phụ trách công tác phòng chống tội phạm để hỏi thăm về tình hình của mình. Lúc đó vị thứ trưởng này đang đi công tác nhưng cũng thông báo là chiều hôm đó Thủ tướng sẽ nghe báo cáo vụ án Vinalines. Nghe vậy nên Dũng không dám đi xa mà loanh quanh gần nhà ông thứ trưởng này ở Lý Thường Kiệt để nghe ngóng thông tin. Tới khoảng 18 giờ, Dũng gọi điện lại thì ông thứ trưởng tiết lộ: Thủ tướng đã chấp thuận quyết định khởi tố và bắt tạm giam, chú nên tắt điện thoại và bỏ trốn đi một thời gian”.
“Làm rõ để có chết cũng không kêu"
Trong phần xét hỏi buổi chiều, Dương Chí Dũng khai sau khi bị tuyên án tử hình, ông ta đã viết đơn tố cáo dài 16 trang gửi đến nhiều nơi, có cả những cơ quan lãnh đạo cấp cao nhất. Trong lần làm chứng này, Dũng nói đã nhớ hết và thuật lại những lần liên lạc với vị Thứ trưởng Bộ Công an trước thời điểm bỏ trốn.
Dũng khai chiều 29.4.2012, hai vợ chồng ông ta xuống thăm ông thứ trưởng này tại Tuần Châu (tỉnh Quảng Ninh). Khoảng 14 giờ chiều thì gặp được và đã trình bày vụ việc xảy ra tại Vinalines, rằng mình không trực tiếp ký bất kỳ văn bản quan trọng nào. Lúc đó Dũng đã biếu vị thứ trưởng này 10.000 USD.
Đến tối 2.5, Dũng lại gọi điện cho ông thứ trưởng này và hẹn đến nhà riêng. Nhưng đến nhà thì ông thứ trưởng bảo xuống quán nước dưới tầng 1 của tòa nhà Pacific (đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Xuống quán nước thì lại được bảo trở lên nhà. Lần này Dũng mang theo 500.000 USD để làm quà biếu. Khi lên nhà thì vợ ông thứ trưởng này dẫn vào phòng khách và pha nước mời uống. Sau đó ông thứ trưởng gợi ý Dũng mua một sim rác để liên lạc. Sau đó, ông thứ trưởng đã điện thoại cho Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48), nhưng ông ấy không nghe máy. Thấy vậy nên Dũng đã xin số điện thoại của ông này để trực tiếp liên lạc. Sau đó, Dũng tiếp tục nhờ người dẫn đến nhà Cục trưởng C48.
Đến chiều 7.8, sau khi làm việc với C48, Dũng điện thoại cho ông thứ trưởng để báo cáo tình hình.
Ngày 13.5, Dũng đi công tác Hà Tĩnh. Hôm sau trở ra Hà Nội tiếp tục gọi điện cho ông thứ trưởng nhưng không được. Dũng dùng số điện thoại cũ gọi thì ông thứ trưởng nghe máy và hẹn đến nhà riêng. Khi gặp ở nhà riêng, ông thứ trưởng này nói tình hình có căng thẳng, nhất là khi T.Ư vừa họp, C48 đề nghị khởi tố 3 người, trong đó có Dũng là người đứng đầu.
Trước khi chủ tọa cho về chỗ ngồi, Dương Chí Dũng còn nói thêm: "Tôi đề nghị trong đơn rằng đây là vụ điển hình, nên mong muốn được làm rõ để có chết tôi cũng không kêu".
“Báo chí nên lấy thông tin từ tòa án” Liên quan đến lời khai nhân chứng tại phiên tòa, trả lời Thanh Niên chiều qua trung tướng Nguyễn Danh Cộng, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Công an, cho rằng các thông tin liên quan đến vụ án Dương Tự Trọng đang được xét xử do đó báo chí nên lấy thông tin từ tòa án, còn Bộ Công an chưa phát ngôn. Trong khi đó, ông Trần Duy Thanh, nguyên Cục trưởng C48 - Bộ Công an, khi được hỏi cũng nói ông “không nắm được” và “không liên quan gì” đến việc Dương Chí Dũng bỏ trốn. Ông Thanh cho rằng, Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an điều tra vụ án nên “nếu có vấn đề gì thì cơ quan an ninh điều tra phải làm rõ”. Tại cuộc họp báo ngày 22.5.2012 do Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an tổ chức thông báo kết quả điều tra ban đầu vụ án Vinalines, đại tá Trần Duy Thanh lúc đó là Cục trưởng C48 cho biết C48 đã phát hiện sai phạm tại Vinalines từ tháng 1.2012, trong quá trình điều tra đã một số lần triệu tập Dũng lên cơ quan điều tra làm việc. Thái Sơn |
Hà An
>> Nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát chống tham nhũng nói ‘không liên quan’ đến Dương Chí Dũng
>> Dương Chí Dũng khai Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ khuyên bỏ trốn
>> Dương Chí Dũng khai đem 500.000 USD tới nhà Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ
>> Xét xử vụ Dương Tự Trọng: Các bị cáo khai chi tiết về việc đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn
>> Dương Chí Dũng khai Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ khuyên nên trốn
>> Vụ Dương Tự Trọng giải cứu Dương Chí Dũng - Kỳ 2: Những mắt xích của thế giới ngầm
>> Vụ Dương Tự Trọng giải cứu Dương Chí Dũng - Kỳ 1: Lụy tình máu mủ, vướng vòng lao lý
Bình luận (0)