Người mẹ 8 năm bám bệnh viện nhặt rác nuôi con chữa bệnh

29/03/2019 14:54 GMT+7

Con trai bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, nằm bất động. 8 năm qua, người mẹ nghèo ở Nghệ An lặng lẽ đi nhặt rác để bám bệnh viện chăm con với hy vọng phép màu sẽ đến.

Ngồi nhìn đứa con đang nằm bất động trên giường, đôi mắt vô hồn, bà Vi Thị Tóm (ngụ xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) khát khao: “Tôi chỉ mong cho con ngồi được, tự ăn uống được để đưa con về. 8 năm rồi, tôi mới về nhà có 2 lần”.
Lương Văn Khăm, con trai thứ hai của vợ chồng bà Tóm. Khăm là niềm hy vọng của gia đình bà, khi cậu là người duy nhất trong số 4 đứa con học hết trung học phổ thông.
“Nó học khá, nhưng nhà nghèo quá nên nó không đi thi đại học. Rồi nó trúng tuyển quân sự, đi bộ đội. Nó nói con đi bộ đội về sẽ đi học nghề”, bà Tóm kể, giọng chưa sõi tiếng Kinh.
8 năm nay, bà Tóm liên tục bám bệnh viện để chăm con ẢNH KHÁNH HOAN
Thế nhưng, tai họa bất ngờ giáng xuống cuộc đời chàng trai này ở tuổi 21. Cuối năm 2011, sau khi nhập ngũ 1 năm, Khăm được về phép thăm nhà. Vụ tai nạn xe máy đã khiến cậu bị chấn thương sọ não nặng. Vợ chồng bà Tóm đưa con xuống bệnh viện tỉnh, rồi được chuyển ra Bệnh viện 103 (Hà Nội) cấp cứu, điều trị với tiên lượng rất xấu. Sau nhiều ngày nỗ lực cứu chữa, Khăm vượt qua nguy kịch. Thế nhưng, hậu quả của chấn thương sọ não nặng đã khiến cậu bị liệt tứ chi, nằm bất động.
Vợ chồng bà Tóm đưa con về Bệnh viện Quân y 4 (TP.Vinh, Nghệ An) để điều trị với hy vọng phép màu sẽ đến, đứa con sẽ hồi phục, có thể ngồi dậy được. Thế nhưng, đã 8 năm trôi qua, niềm hy vọng nhỏ nhoi ấy vẫn chưa đến với vợ chồng bà.

Nhặt rác bám bệnh viện nuôi con 

Cuộc sống dựa vào nương rẫy của vợ chồng bà Tóm quanh năm cũng chỉ tạm đủ gạo ăn. Từ khi tai họa giáng xuống đứa con, cuộc sống vợ chồng bà càng thêm túng quẫn. Để có tiền trang trải qua ngày khi bám bệnh viện để chăm con, bà Tóm đi nhặt rác để bán. Hình ảnh người phụ nữ nghèo xách cái bao lúi húi bới trong những thùng rác thải, lần tìm những gì có thể bán được, đã trở thành quá quen thuộc với những tiểu thương ở chợ Cọi gần Bệnh viện Quân y 4 từ nhiều năm nay.
“Ở đây, tôi được nhiều người thương. Họ cất giành bao ni lông, giấy lộn cho tôi. Khi tôi đến thì họ mang ra cho. Có người còn cho tiền nữa”, bà Tóm kể.
Bà Tóm đi mọi ngõ ngách để tìm, nhắt rác phế liệu bán trang trải để nuôi con với hy vọng con trai sẽ tự ăn uống được ẢNH KHÁNH HOAN
Con trai nằm bất động, không nói được, sống đời sống thực vật, ăn uống phải qua cái ống xông. Hàng ngày, bà Tóm cho con ăn, uống, vệ sinh và xoa bóp cho con để chống lở loét. Xong việc, dặn con ngủ rồi bà ra đường nhặt rác bán kiếm tiền để trang trải. Nhà bà cách bệnh viện gần 300 cây số. 8 năm ròng rã bám bệnh viện này chăm con, bà chỉ mới về thăm nhà 2 lần. Chồng bà phải ở nhà đi rừng, làm rẫy kiếm sống, thi thoảng mới xuống thăm con và đỡ cho bà một tay.
Mỗi ngày nhặt rác, bà Tóm kiếm được 15.000 - 20.000 đồng để trang trải nhằm bám trụ bệnh viện chăm con ẢNH K.HOAN
Bác sĩ Nguyễn Đức Đồng, Khoa Nội 4 Bệnh viện Quân y 4, nơi con trai bà Tóm đang nằm điều trị, nói đây là trường hợp hy hữu, bệnh nhân nằm viện lâu nhất từ trước đến nay ở bệnh viện này. Mặc dù bệnh nhân có chế độ bảo hiểm của quân nhân, bệnh viện cũng thương, giúp bà Tóm suất ăn miễn phí hàng ngày, nhưng gia đình quá nghèo nên cuộc sống cũng rất khó khăn.
Bác sĩ Đồng cũng tiên lượng, khả năng hồi phục các chức năng đi, đứng của con trai bà Tóm là gần như không thể. Thế nhưng, nếu bà Tóm đưa con về nhà chăm sóc sẽ rất khó khăn vì nhà nghèo và việc điều trị các chứng bệnh phát sinh sẽ không làm được nên chắc chắn, bà Tóm đang phải bám bệnh viện này rất dài ngày. 
16 giờ chiều. Bà Tóm giặt khăn, lau rửa cho con trai rồi hôn, nựng con “ngủ đi để mẹ đi làm nhé!”. “Giờ ni sẽ có nhiều rác họ thải ra, đi muộn hơn mấy người thu gom họ chở đi mất”, bà Tóm quay sang nói với tôi. Rồi bà vớ lấy cái bao, lật đật đi ra đường...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.