Đam mê ngược đời
Trong khi có nhiều người đam mê làm kinh tế, theo đuổi những nghề nghiệp dễ làm ra tiền thì ngược lại, anh Phùng Long Ẩn (42 tuổi) ở thôn Giai Sơn, xã An Mỹ, H.Tuy An (Phú Yên) lại đam mê hát bài chòi, một “nghề chơi” chẳng giống ai. Nhiều năm nay, cái tên Ẩn “ruộng”, Ẩn “vịt”(nhà anh chuyên làm ruộng nuôi vịt đồng nên người dân đã gọi tên anh gắn liền với nghề mưu sinh) đã mặc định thành Ẩn bài chòi, nổi tiếng cả Phú Yên cùng một số tỉnh lân cận.
|
Tâm sự về sự đam mê ngược đời này, anh Ẩn cho biết: “Dù nhà làm nông, không có điều kiện nhưng tôi thích ca hát từ nhỏ. Lớn lên tôi theo người ta xem hát ở hội làng, thấy hay rồi về nhà tự tập hát”.
Cũng từ những năm này, người dân địa phương thường xuyên thấy anh có mặt trong các đám hát ở làng. Một trong những yếu tố giúp niềm đam mê của anh đến với môn nghệ thuật này nữa là do anh thường tham gia nhiều hoạt động quần chúng tại địa phương như các hội đua thuyền truyền thống, các lễ hội cầu ngư, cầu an hay các điểm văn nghệ tự phát vào những đêm trăng rằm. Mặt khác, chị Nguyễn Thị Đam vợ anh cũng là người “dễ tính”, thích ca hát nên lúc nào cũng thông cảm và tạo điều kiện động viên, chia sẻ để chồng thể hiện đam mê của mình.
Nhớ về những ngày khởi đầu này, anh Ẩn tâm sự: “Một trong những điểm nhấn khiến tôi gắn liền với nghệ thuật hát bài chòi ở Phú Yên là Ngày hội văn hóa - thể thao và du lịch các dân tộc lần thứ 7 được tổ chức vào tháng 6.2009 tại TP.Tuy Hòa”. Buổi hát được truyền hình trực tiếp, rất đông người dân thấy anh ăn mặc đẹp, được lên ti vi hát hò, vung tay múa chân, giọng điệu ứ ự… không khỏi bất ngờ, thán phục. Sau sự kiện này, Ẩn vịt nổi danh với nghề hát bài chòi.
Bỏ ruộng cho vợ lo
Gốc nhà nông nên cả gia đình sống nhờ ruộng là chính. Tuy nhiên, từ khi anh Ẩn mê bài bài chòi, công việc gia đình anh giao lại hết cho vợ con. Chị Đam tâm sự: “Từ ngày anh Ẩn mê hát, công việc gia đình sớm chiều tôi phải tự liệu tính, lúc nào không đi hát ảnh mới ở nhà phụ một tay”. Khi hỏi tại sao cái nghiệp bài chòi là chuyện của người xưa mà chồng chị lại mê như điếu đổ, chị Đam tươi cười: “Mỗi người có một đam mê, anh Ẩn hát được nhiều người biết như vậy cũng là niềm vui. Hơn nữa con cái bây giờ cũng đã lớn rồi, cuộc sống đỡ hơn chứ không khó như những năm trước đây”.
Ngồi bên vợ, ảnh Ẩn vui vẻ nói: “Đi suốt anh ơi. Từ tết hát đến nay, tôi và các anh em trong đội không một đêm nào được nghỉ. Từ cấp thôn đến xã rồi huyện. Hát chỗ này chưa xong, có người lại gọi đi hát chỗ kia, lịch kín nhưng không thể từ chối người ta vì đây là một trò chơi mang tính giải trí, có đam mê người ta mới “thỉnh” mình”.
Với giọng hát hay và năng khiếu cũng như niềm đam mê, năm 2010, Phùng Long Ẩn được kết nạp vào chuyên ngành sân khấu của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên. Bây giờ đã là hội viên, ngoài giờ đam mê ca hát, anh Ẩn còn đang lo lắng ấp ủ một dự định: làm thế nào để thu hút được số đông những người hát bài chòi, khôi phục một nét đẹp văn hóa truyền thống của tỉnh Phú Yên nói riêng và khu vực miền Trung nói chung?
Tuy An
>> Lồng đèn, bài chòi Hội An và mì Quảng sang Đức
>> Bài chòi đầu năm
>> Thành lập Quỹ khuyến tài hát bội, bài chòi Vũ Ngọc Liễn
>> Tây chơi bài chòi
>> Liên hoan Sân khấu dân ca kịch bài chòi chuyên nghiệp
Bình luận (0)