|
Bộ sưu tập hơn 100 tác phẩm đá cảnh nguyên thủy mà ông dày công sưu tập là niềm mơ ước của nhiều người sưu tầm đá ở Đà Nẵng. Ông bắt đầu chơi đá cảnh nguyên thủy từ cuối những năm 90. Khi ấy, ông chỉ chơi theo phong trào, nhưng đến khi bắt tay vào sưu tầm, tìm được những tác phẩm đá mang tính nghệ thuật cao, ông nghiện lúc nào không hay. Hễ có dịp, có chút tiền trong tay, là ông đi vào Duy Xuyên rồi đến Thạnh Mỹ (Quảng Nam), đi Quảng Ngãi, lên Đắk Lắk... sưu tầm đá. Có những viên đá có giá trị nghệ thuật lớn, nhưng ông mua được với giá rẻ bèo vài ba trăm ngàn, nhưng cũng có những tác phẩm ông phải bỏ hơn nửa cây vàng, có khi cả mấy trăm USD để mua. “Mỗi lần như vậy, về nói với vợ là chỉ vài trăm ngàn đồng, cho vợ đỡ xót ruột. Được cái, vợ tui rất ủng hộ, nên không khi mô trách móc mỗi khi tui rinh đá về trưng đầy nhà”, ông Ngọc cười xuề xòa, chia sẻ.
Khi giới thiệu những tác phẩm của mình, ông say sưa diễn giải vì sao đá nghệ thuật có tính nguyên thủy mang một giá trị lớn. Những loại đá được sưu tầm, thường là đá lâu năm, có hình dáng của những con thú, cảnh vật, hoa lá... rất phong phú nhưng phải do thiên nhiên tạo ra, hoàn toàn không có bàn tay con người can thiệp. Đặc biệt, loại đá sưu tầm thường là đá có độ cứng cao nhất trong tất cả các loại đá. Nếu lấy kim cương làm chuẩn có độ cứng 10, thì đá nghệ thuật phải có độ cứng từ 4 đến 4,5. Những người sưu tầm như ông chỉ có thể dùng kinh nghiệm để nhận biết, hoặc làm những thao tác đơn giản như dùng đinh để khứa lên, nếu đá lâu năm, độ cứng cao thì sẽ chỉ có một vết xước rất mờ nhạt. Bên cạnh đó, đá cảnh có độ bóng cao, khác hẳn những loại đá thông thường khác.
Cơ duyên với đá
“Sưu tầm đá cũng hú họa và nhiều khi phải có duyên với nó. Nhiều người cũng hòn đá đó, đến mua rồi mà không thích bỏ về, đến khi mình mua về, tạo thế và trưng bày, họ đến chơi thấy thì tiếc rẻ không nguôi”, ông Ngọc thiệt thà nói. Đó là câu chuyện về viên đá có hình dáng con Thiềm Thừ (Cóc ngậm tiền). Ông cùng nhiều người đi sưu tầm đá, đến Duy Xuyên, viên đá nằm lăn lóc trong khi nhiều hòn đá khác được để trang trọng. Vài người cầm lên nhưng không thích. Ông vừa thấy, đặt ngược, đặt xuôi một chút rồi lặng lẽ mua trước sự thắc mắc của nhiều người. Rồi ông mang về, lau chùi sạch sẽ, để trên một đế bằng gỗ. Lúc này, hình dáng của con Thiềm Thừ vô cùng rõ ràng. Nhiều người thích thú vô cùng khi chiêm ngưỡng, ngỏ ý xin mua, nhưng ông từ chối. Có cả một ông người Tàu đến thấy đề nghị ông bán với giá cao, ông cương quyết nói không. Về nước, ông người Tàu lại gọi điện vài lần năn nỉ ông, nhưng vẫn không làm ông xuôi lòng.
Cơ duyên của ông với đá, còn phải kể tới tác phẩm đá Dấu ấn, có hình dạng của con ốc Long vũ. Tác phẩm này trong một lần tham gia triển lãm sinh vật cảnh ở Đắk Lắk năm 2004, một nghệ nhân trưng bày tác phẩm này. Ông suốt ngày lẩn quẩn bên tác phẩm nhìn ngắm, và năn nỉ người nghệ nhân đó bán cho mình. Lúc ấy, ông ngã giá lên đến 4-5 chỉ vàng nhưng chủ vẫn không chịu bán cho ông. Mãi đến năm 2007, ông gặp lại tác phẩm đá này tại cuộc triển lãm ở Đà Lạt. Lúc này có thể do bí bách về kinh tế, người chủ tác phẩm đã chịu nhượng lại cho ông. Ông mừng vui không kể xiết. Và bằng cách này, cách khác, mỗi năm ông lại tự làm giàu cho bộ sưu tập đá của mình bằng nhiều tác phẩm đá mà với ông, giá trị tinh thần của nó vô cùng lớn. “Cũng có nhiều khi gặp được những tác phẩm rất tuyệt vời, mình khao khát có được nó, nhưng nó quá sức với kinh tế của mình, cũng đành chịu”, ông Ngọc tiếc nuối.
Trong bộ sưu tập của ông, những tác phẩm như Địa đàng, Sư vương, Tứ linh, chữ Phúc, bản đồ Việt Nam... là những tác phẩm mà ông tâm đắc. Trước khi chia tay, ông nói thêm: “Tui chưa bán bất cứ một tác phẩm nào mình sưu tầm dù người tới xem thích, hỏi mua cũng nhiều. Nhưng mình sưu tầm được đâu có dễ, bán đi thì còn chi. Thôi chừ cứ chơi, cho hết đời mình. Sau con cháu thích thì nó giữ lại, không thích thì nó cho đi tùy nó, chứ mình thì không thể bỏ...”
Diệu Hiền
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 11: 15 năm sưu tầm đá cảnh
>> Vụ cưỡng chế 2 hòn đá: Người sưu tầm đá lo lắng
Bình luận (0)