Người 'mê'... dọn rác

22/07/2022 09:12 GMT+7

Ông Hồ Chí Cường năm nay đã bước vào tuổi "cổ lai hy" (sinh năm 1952, ngụ tại A4/23 ấp 1 xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM), nhưng vẫn còn nhanh nhẹn khỏe mạnh. Ông thường tích cực tham gia các phong trào của xã phát động như bảo vệ trật tự an ninh, thu gom rác bảo vệ môi trường ...

Hiện nay, rác thải trở thành vấn nạn của TP.HCM nói chung và của huyện Bình Chánh nói riêng, nên Thành ủy UBND TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 19/CT-TU ngày 19/8/2018 nhằm kêu gọi cán bộ viên chức và nhân dân thực hiện cuộc vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường, kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước". Và nhờ thực hiện Chỉ thị mà nhiều tuyến đường, tuyến kênh trên địa bàn xã Bình Chánh dần trở nên xanh - sạch- đẹp.

Ông Cường thường đi qua lại rạch Ông Đồ, rạch Ngọn Đình (nằm trên địa bàn xã) nhiều lần để vớt rác và lục bình nhằm khơi thông dòng chảy cho các con rạch này

tgcc

Trong đó điển hình như các tuyến đường Trịnh Như Khuê, Huỳnh Văn Trí, Giao thông hào, Bình Trường tương đối sạch và không còn tình trạng rác thải bừa bãi. Một số cây hoa như bằng lăng tím, hoa mười giờ, mào gà và hoa dừa cạn, cúc bảy màu được trồng dọc các tuyến đường trên nay đã nở rộ màu sắc rực rỡ khiến người đi đường cảm thấy vui mắt và thích thú lẫn ngạc nhiên. Qua dò hỏi, thì chúng tôi được biết đó là thành quả của tập thể ban Công tác Mặt trận ấp 1 xã Bình Chánh, đặc biệt là nhờ vào "tinh thần tự nguyện" đi dọn rác của ông Cường.

"Trước đây dọc các tuyến đường, tuyến kênh thuộc địa bàn mà tôi dọn vệ sinh rác thải tràn ngập. Nào là chai nhựa, bịch ni-lông, hộp xốp các loại người ta đều liệng xuống kênh rạch hoặc ngoài đường... Tôi thấy như vậy làm ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống bà con trong khu dân cư. Do đó, thông qua cuộc vận động của chính quyền địa phương, tôi cùng các thành viên còn lại trong Ban công tác Mặt trận ấp đi thu gom, vớt rác trên các tuyến đường và mấy con kênh trong xã", ông Cường chia sẻ.

Hằng ngày, ngoài những lúc phải đưa rước cháu đến trường, ông Cường thường đến công viên Văn hóa xã, các tuyến đường, tuyến rạch có trồng hoa để nhổ cỏ, tỉa cành, quét dọn và vớt rác. Ông thường rảo bước trên các tuyến đường, vừa đi vừa lượm rác (nếu có). Có khi ông đi qua lại rạch Ông Đồ, rạch Ngọn Đình (nằm trên địa bàn xã) nhiều lần để vớt rác và lục bình nhằm khơi thông dòng chảy cho các con rạch này. Trước kia, con rạch Ông Đồ bị lục bình và các rác thải chiếm hết cả mặt nước nên dòng chảy bị tắc nghẽn và lại nữa trong lần công ty cây xanh tỉa nhánh cành các cây trồng dọc theo rạch Ông Đồ đã bỏ các cành, nhánh tỉa xuống rạch mà không hề dọn đi nên dòng chảy càng bị tắc nghẽn. Sau đó lực lượng Đoàn Thanh niên xã và ban ngành đoàn thể xã đã ra quân dọn dẹp để dòng chảy được thông thoáng.

Ngoài những lúc phải đưa rước cháu đến trường, ông Cường thường đến công viên Văn hóa xã, các tuyến đường, tuyến rạch có trồng hoa để nhổ cỏ, tỉa cành, quét dọn và vớt rác

TGCC

Có lúc màu nước rạch Ông Đồ trở nên trong hơn người dân ai cũng mừng, thế nhưng gần đây không biết do nước thải từ các cơ sở sản xuất thải ra rạch hay sao mà dòng nước trở nên đen trở lại. Và chính vì vậy mà ông Cường cùng anh em trong nhóm đã ra tay thu gom rác để mong dòng nước trong xanh và sạch hơn.

Để tạo thuận lợi trong công việc vớt rác trên kênh rạch UBND xã Bình Chánh đã trang bị cho ông Cường một chiếc xuồng để hoạt động (ảnh ông Cường đang vớt rác trên rạch Ông Đồ-người đội nón). Từ ngày có chiếc xuồng, ông Cường đi bất kể giờ giấc, hễ chỗ nào thấy rác là ông lập tức bắt tay vào thu gom, vớt rác. Bà Đặng Thị Ánh Loan, Chủ tịch UBMTTQ xã Bình Chánh nói: "Nhờ có những người nhiệt tình, trách nhiệm như ông Cường mà một số tuyến đường, kênh rạch của xã dần xanh và sạch hơn".

Từ việc làm vì cộng động của ông Cường mà ông không ít bị dèm pha là "rỗi hơi", "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Đa số cho rằng ông làm việc "dã tràng" bởi ông thu gom, dọn sạch hôm nay thì ngày mai nó vẫn xuất hiện trở lại và là "tiểu thuyết trường thiên". Tuy nhiên, dù nghe như thế ông Cường vẫn bỏ ngoài tai, vẫn là người "mê rác hơn mê cây kiểng". Ông chỉ trăn trở duy nhất một điều: chính thói quen xả rác bừa bãi của nhiều người hiện nay mà môi trường bị ô nhiễm gây tác hại chung cho toàn xã hội.

Theo ông, "Mặc dù tôi và một số anh em trong Ban công tác Mặt trận ấp thường xuyên đi gom, vớt rác nhưng tình trạng rác vẫn tái diễn, đến nỗi nhiều khi tôi canh chừng xem ai xả rác để "bắt tận tay, day tận mặt" mà vẫn không bắt được, vì họ chỉ đem rác bỏ vào ban đêm và đi bằng xe máy khi đến chỗ vắng họ "đạp" túi rác xuống đường là xong". Từ việc làm vô ý thức của một bộ phận người dân, ông mong mỏi mọi người dân trong xã, ấp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và cùng chung tay dọn rác trên địa bàn để xã Bình Chánh có thêm nhiều tuyến đường Xanh- Sạch - Đẹp hơn nữa.

Qua các công việc ông Cường đã làm tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn và rất thiết thực trong cộng đồng dân cư. Để khuyến khích và tuyên dương điển hình, vừa qua Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh đã vinh danh ông Cường bằng hình thức trao tặng Giấy khen cho việc thực hiện tốt cuộc vận động "Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch đẹp và giảm ngập nước".

Rất mong hình ảnh ông Hồ Chí Cường sẽ được nhân rộng, lan tỏa đến nhiều địa phương khác trong huyện và các nơi khác hưởng ứng thực hiện. Chỉ có thế thì tình trạng ô nhiễm trên địa bàn xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh và cả các nơi khác trong thành phố mới cải thiện được tình trạng ô nhiễm môi trường và tiến tới xây dựng một xã hội "văn minh - hiện đại - nghĩa tình".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.