Người mẹ gom rác nuôi 3 con học đại học

28/12/2019 08:01 GMT+7

Gia tài lớn nhất của người mẹ làm nghề gom rác 23 năm nay là 3 người con đang học đại học và con trai út đang là học sinh lớp chuyên hóa, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM.

Đó là chị Phạm Hoàng Nguyên Minh (42 tuổi), trú ấp 1B, xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, TP.HCM, công nhân Hợp tác xã dịch vụ môi trường Q.11. Kết hôn ở tuổi 19, chị gắn bó với nghề gom rác cũng từ tuổi 19 và sinh liên tiếp 4 đứa con. Động lực để người mẹ vượt hết những gian truân trong nghề, nuôi dạy đàn con nên người, đó là sự lạc quan và niềm thôi thúc phải cho các con được học để đời con thơm tho hơn bố mẹ.

Theo chân người mẹ đi gom rác

7 giờ sáng, trong con hẻm 226 Hàn Hải Nguyên, Q.11 vắng người lại qua, chị Minh đầu đội nón lá, chân mang ủng, còng lưng đẩy chiếc xe cút kít vào sâu trong hẻm gom từng bịch rác. Đầu hẻm, một chiếc xe thùng lớn (xe máy cũ nối với một thùng sắt thuê người đóng), rác đã ngấp nghé miệng thùng, công sức do hai vợ chồng chị gom từ 2 giờ sáng.
Cuối tháng 12.2019, hình ảnh về chị Minh gom rác cùng 22 nhân vật khác dưới ống kính của nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Đức và Vũ Ngọc Dũng có mặt trong triển lãm Những câu chuyện cuộc đời, do Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại VN (UNFPA) phối hợp cùng Tổng cục Thống kê tổ chức tại 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội nhân sự kiện công bố kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019.
Trao đổi với PV Thanh Niên, nhiếp ảnh gia Vũ Ngọc Dũng bộc bạch: “Tôi ấn tượng với cách chị Minh giáo dục con và cách chị lạc quan sống, lúc nào cũng tràn đầy năng lượng tích cực. Nhìn vào chị Minh, tôi thấy bóng dáng của những người mẹ, người vợ VN, luôn vun vén cho gia đình và con cái”.
Tôi bước sau chị, chiếc khẩu trang dày không ngăn được mùi thối nồng nặc từ tã em bé, vỏ trái cây, thức ăn thừa, phân động vật, mảnh sành từ chai nước mắm vỡ… trong những cái túi vất trên đường hẻm. Chị Minh vẫn bình thản, vừa gom vừa kể: “Nhiều nhà quăng xác chuột chết, mèo chết ra, nhưng không buộc kín, hôi thối tanh người. Có nhà tốt bụng thì để riêng mảnh kiếng, sành vào cái bịch để mình biết mà tránh kẻo đứt tay”.
Vỏ lon, bìa carton, chai nước được bỏ riêng vào một bao bố để bán ve chai, đây là thu nhập tăng thêm của người công nhân, dù mỗi ngày chỉ được khoảng vài chục ngàn đồng.
“Ngày trước, mỗi cái lon được 300 đồng, bây giờ được có 150 đồng à. Giấy báo trước kia được 3.000 đồng mỗi ký, giờ được 1.500 đồng thôi”, chị Minh bỏ lớp khẩu trang, tu một hơi cà phê đá trong chiếc bình nhựa đỏ treo tòng teng. Chất hết rác từ xe cút kít qua, chị điêu luyện điều khiển cái xe to đùng đoàng qua đường Minh Phụng.
Chúng tôi quẹo vô hẻm 528, rồi tới hẻm 300 Đội Cung, hẻm 106A, 106G Lạc Long Quân. Đợi chất hết đám rác bã mía lên xe, chị Minh mới dám nhảy lên thùng, hai chân giậm mạnh để nén rác xuống. “Nếu mang ủng cao su thì mảnh sành hay vật nhọn vẫn đâm rách chân. Ông xã tôi phải mang giày đế rất dày mới dám đứng lên”, chị lý giải.
10 giờ sáng, căng bạt phủ kín thùng xe, chúng tôi vòng về 70 Tân Hóa, Q.11, bãi tập trung rác thải. Nở nụ cười với người bảo vệ trạm, chị lùi xe, trút rác vào bãi, coi như hoàn thành một ngày làm 8 tiếng không ngơi nghỉ.
Người mẹ gom rác nuôi 3 con học đại học

Chị Minh trút rác từ thùng xe xuống bãi

Ảnh: Nguyễn Minh Đức

“Trao cho con cái đầu”

Bên ly nước cam ở cổng trạm rác, chị Minh kể, chồng hơn chị 10 tuổi. Ngày nào cũng như ngày nào, từ 2 giờ tới 6 giờ sáng anh đều thức giấc, phụ vợ đi gom rác. Trở về nhà, tắm rửa, ăn uống qua loa, anh thay bộ đồ công nhân, đi làm tài xế chở hàng cho một công ty tư nhân tới tối mịt. Cả 4 con đều đang tuổi ăn, học nên cả hai vợ chồng lúc nào cũng phải chăm chỉ như ong. Tiền học phí, sách vở cho các con luôn được dành ra một khoản cố định hằng tháng. Để có 20 triệu đồng đóng học phí một kỳ cho 3 đứa lớn học đại học, vợ chồng phải tiết kiệm từ rất lâu. Có những lúc quá túng bấn, chị phải vay của cha mẹ hay các em để đóng tiền học cho con.
Người mẹ gom rác nuôi 3 con học đại học

Công việc vất vả này gắn bó với chị Minh 23 năm

Ảnh: Nguyễn Minh Đức

“Tôi và anh ấy không dám sắm sửa gì nhiều cho bản thân. Ăn uống thì cả nhà đơn giản lắm. Có những năm cả nhà triền miên ăn cơm với rau muống xào, cá khô mặn vì nó rẻ. Rau muống thì ra ruộng gần nhà bứt về”, chị Minh xúc động nhớ lại.
Làm quần quật không dám ngơi nghỉ, tiếp xúc với rác, mùi hôi thối quanh năm nên chị Minh bị viêm xoang, viêm mũi, rối loạn tiền đình. Năm ngoái, như cỗ máy làm việc quá sức, chị bị suy nhược cơ thể phải nằm viện 1 tháng trời. Lúc này, chị mới để người con trai lớn 1 tuần cùng ba đi làm thay phần của mẹ. Chị chia sẻ, dù hai vợ chồng vất vả tới đâu, chị cũng không muốn các con phải khổ vì nghề rác.
Chị bộc bạch: “Tôi là chị cả trong gia đình 6 anh chị em, gặp lúc khó khăn nên tôi chỉ học hết lớp 8. Nhưng các em tôi ai cũng được ăn học thành tài. Cha tôi là người từng học rất giỏi, đến bây giờ ông vẫn luôn động viên tôi phải ráng nuôi dạy các con. “Trao cho con cái đầu”, đó là lời cha luôn nhắc nhở. Bởi từ cái đầu, có học thức, nhân cách, các con sẽ có sự nghiệp và tất cả. Còn trao vàng bạc có nhiều tới đâu mà ít học, thiếu đạo đức thì cũng không giữ được”.

Nghề hôi thối nhưng tiền kiếm được là sạch sẽ

Quanh năm làm bạn với rác hôi thối, kể cả lễ, tết, nhưng chị Minh chưa phút nào than trách. Chị tâm sự, 4 đứa con ngoan, hiếu thảo là phần thưởng vô giá mà ông trời tặng chị. Con út của chị là Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, học sinh lớp 11 chuyên hóa, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình).
Người mẹ gom rác nuôi 3 con học đại học

Vợ chồng chị Minh và 4 người con

Ảnh: Nguyễn Minh Đức

3 con lớn của chị Minh đều đang là sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing, chỉ có ngành học là khác nhau. Con trai lớn là Nguyễn Hoàng Đạt Thiện, 22 tuổi, ngành kinh tế đối ngoại, hiện đã đi làm, tự lo cho bản thân và giúp được các em. Người thứ hai là Nguyễn Hoàng Minh Nguyên (19 tuổi), học ngành marketing. Người thứ 3 là Nguyễn Hoàng Phương Ngân (18 tuổi), ngành ngôn ngữ Anh. Đặc biệt, cả 4 con của chị Minh đều không đi học thêm, nhưng điểm số luôn xuất sắc các môn, nhất là tiếng Anh.
Chia sẻ với chúng tôi, Nguyễn Hoàng Đạt Thiện, con trai lớn của chị Minh, xúc động nói: “Chỉ có 1 tuần đi làm giúp mẹ, em mới thấu hiểu nghề này vất vả như thế nào. Nó không dành cho phụ nữ, nhưng mẹ đã bươn chải với nghề hai mươi mấy năm vì 4 đứa con. Khi có ai đó hỏi về nghề của mẹ, em đều tự hào nói mẹ làm nghề gom rác. Nghề của mẹ hôi thối nhưng kiếm được những đồng tiền sạch sẽ, chân chính”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.