Người “mẹ” gần 1/4 thế kỷ cưu mang chó mèo ấy là bà Diệp Ly Phụng (47 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM).
Những 'thân phận nổi trôi' cũng... 'xiêu lòng'
Trong căn nhà thuộc ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp (H.Hóc Môn, TP.HCM) là nơi ở, dưỡng thương của hàng chục “bệnh binh” chó, mèo, có con bị đánh đập mù cả 2 mắt, què chân… “Những ca này đều thuộc dạng "khó nhằn", tôi phải chạy chữa lâu dài và mất cũng kha khá tiền mới cứu sống tính mạng chúng”, bà Phụng cho biết.
Mở cánh cửa sắt, bà Phụng nói phải cách ly những chú chó bị bệnh; hung dữ so với những chú chó khỏe mạnh, hòa đồng đang chơi đùa ngoài sân. Bà rón rén ngồi xuống cạnh chú chó tên Misa, miệng nhỏ nhẹ: “Lại đây với mẹ nào Misa, ngoan nào, ngoan nào”.
Sau một hồi gầm gừ, chú chó nghiêng nghiêng đầu và rồi tiến lại gần bà. “Trường hợp này tôi nhận nuôi trước tết. Nó bị người ta đánh mù 2 mắt, gãy răng… Giờ nó chỉ cảm nhận thôi chứ có thấy gì đâu!”, bà xót xa.
|
Bà Phụng kể những chú chó mình mang về thường thì “không ai dám nhìn” vì quá xấu xí, hoặc thương tích đầy mình. Thế nhưng qua bàn tay chăm sóc của bà, dần dà những chú chó, mèo sẽ mang một bộ dạng khác. “Chăm sóc chúng cực lắm, nhưng với tôi, việc này là một niềm hạnh phúc…”, bà Phụng chia sẻ.
|
Tâm nguyện khi "chung một tình yêu"
Hằng ngày, bà Phụng bán quán phở ở Q.9, lúc rãnh rỗi bà mới “trang bị” thức ăn, thuốc thú y… lên H.Hóc Môn thăm đàn chó, mèo. Bà kể: “Ở Hóc Môn rộng rãi, đây là ngôi nhà của người bạn thân có chung tình yêu chó mèo với tôi”.
|
“Chi phí lo cho chúng thì thế nào?”, chúng tôi hỏi.
Bà Phụng cười cười: “Thì cũng… thiếu trước hụt sau hoài. Đợt trước tết, cả tôi và cô bạn hết sạch tiền mua nồi cơm điện, đây là loại nồi lớn nên giá mấy triệu lận. Thế là cả tuần sau chúng mới có cơm ăn. Còn khi buôn bán khấm khá, tôi mua hột vịt lộn, thức ăn ngon bồi bổ cho chúng”, bà Phụng trả lời.
|
“Việc này cũng khiến nhiều lần 2 vợ chồng tôi giận nhau vì tôi bỏ tiền chăm sóc chó mèo quá nhiều”, bà Phụng nói rồi phấn khởi cho biết cũng may 2 đứa con bà cũng “có chung tình yêu” với bà. Có như vậy bà mới cảm thấy được chia sẻ, bớt ngột ngạt trong cuộc sống gia đình.
“Tôi còn sống, còn làm ra đồng tiền được thì tôi vẫn cưu mang những chú chó, mèo tội nghiệp. Và sẽ không dừng lại nếu mình còn khả năng…”, bà Diệp Ly Phụng nói.
|
|
Bình luận (0)