Người mẹ miền Tây làm 'đôi chân' cho 2 con khuyết tật đến trường
Đó là câu chuyện xúc động về tình mẫu tử của bà Đào Ngọc Đào (47 tuổi) dành cho 2 đứa con đều bị khuyết tật đôi chân là Đặng Ngọc Minh Tân (12 tuổi) và Đặng Ngọc Minh Hưng (10 tuổi, cùng ngụ xã Tân Thới, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ).
Còn nước còn tát
Bà Đào kể, khi mang thai đứa con đầu lòng, vợ chồng bà đặt rất nhiều kỳ vọng. Tân chào đời bụ bẫm, mẹ tròn con vuông, gia đình hai bên vui mừng khôn siết. Song, đến tháng thứ 3 thì dấu hiệu bất thường dần hiện ra.
"Tôi không thấy con đòi lật mình qua lại, tay chân ít chòi đạp như con nít bình thường. Lớn hơn 1 chút, con vẫn vậy, xót xa vô cùng. Dòng họ 2 bên chưa gặp trường hợp này", bà Đào nhớ lại.
Hơn 1 tuổi, thay vì tập đi những bước chân đầu đời thì Tân phải đối mặt với nhiều lộ trình tầm soát bệnh tật và thuốc thang điều trị. Của cải gia đình từ đó ngày càng khánh kiệt. Rồi bác sĩ báo tin dữ chỉ có thể bồi dưỡng sức khỏe cho Tân, việc chữa hết bệnh tật là điều rất khó.
Dẫu còn một tia hy vọng nhỏ thì vợ chồng bà Đào vẫn quyết tâm còn nước còn tát. Hết kiên trì tập vật lý trị liệu cho Tân rồi đến nẹp chân giả, mang đai lưng… nhưng không có phép màu xảy ra.
Bà Đào nói trong bế tắc: "Đôi chân của Tân cũng phát triển nhưng không có cảm giác, ai đặt đâu thì ngồi đó. Ít vận động nên cơ thể mềm nhũn như người không xương. Lớn hơn một chút, con tập nói bập bẹ, nũng nịu và nhõng nhẽo mẹ. Thấy điều dễ thương đó, rồi nghĩ đến cảnh con phải mang hình hài tật nguyền suốt đời, lòng buồn đứt ruột đứt gan".
Hai năm sau, vợ chồng bà Đào quyết định sinh thêm đứa con thứ 2 với hy vọng điều may mắn rồi sẽ mỉm cười. Thế nhưng, cú sốc tinh thần bồi thêm nặng nề khi nghịch cảnh một lần nữa lặp với ông bà, bởi tình trạng của Hưng cũng thiệt thòi không kém gì người anh trai của mình.
6 lượt đưa con đi học
Lớn lên, các con lớn đòi đi học vì muốn biết chữ và có bạn bè. Ban đầu, vợ chồng bà Đào nghĩ điều đó không dễ vì việc cầm viết thôi đã quá khó khăn với các con.
"Tay của 2 con rất yếu, nhấc chai nước nhỏ không nổi thì làm sao điều khiển được bút. Nhưng không biết bằng cách nào mà chúng dần luyện được chữ viết ngày càng ngay hàng thẳng lối. Dù còn hơi nguệch ngoạc nhưng vợ chồng tôi rất tự hào vì sự cố gắng của 2 con", bà Đào nói.
Suốt 6 năm qua, chồng đi làm phụ hồ, bà Đào đảm nhận việc chăm sóc và đưa các con đến trường. Khi anh em Tân còn học chung cấp tiểu học, bà ẵm 2 con lên xe lăn rồi đẩy bộ tới trường. Thời tiết lúc nắng lúc mưa, điểm học xa hay gần thì bà Đào cũng luôn cố gắng, không một lời thở than. Con ngồi học, bà lấp ló ngoài cửa sổ dõi theo, hạnh phúc vì con không tự ti về hoàn cảnh mà ngược lại còn mạnh dạn hòa nhập với thầy cô, bạn bè.
Hiện, Hưng học lớp 4, Tân học lớp 6 Trường THCS Tân Thới (H.Phong Điền, TP.Cần Thơ). Hai điểm trường ngược hướng và cách nhau khá xa nên mỗi ngày bà Đào phải tranh thủ thời gian cho 6 lần đưa, rước các con. Bà bộc bạch: "Các con không thể đi lại nên mọi chuyện sinh hoạt, ăn uống, vui chơi đều cần mẹ giúp đỡ. Buổi sáng chỉ có Hưng tới trường, buổi chiều thì cả 2 anh em điều đi học nên có phần vất vả hơn. Khoảng 12 giờ thì tôi chở Tân qua trường trước, xong gấp rút chạy về cho kịp giờ đưa Hưng đi học vào lúc 14 giờ. Hơn 16 giờ thì lại tất bật đi đón Hưng về, đến 17 giờ là tới lượt Tân".
Theo bà Đào, việc đưa rước các con phần nào đã ít nhọc nhằn hơn từ khi 2 vợ chồng chắt chiu dành dụm mua được chiếc xe điện. Hưng còn nhỏ nên ẵm một mạch từ phòng ra xe khá dễ dàng. Tân thì lại khác, do cân nặng xấp xỉ mẹ nên bà Đào phải ẵm xuống xe lăn, rồi mới tiếp tục ẵm con lên xe điện.
Thử thách lớn nhất là khi ẵm Tân vượt qua những bậc cầu thang trường học. Lúc ấy, gương mặt người mẹ nghèo hiện rõ nỗi khắc khổ, đôi tay run run vì đuối sức.
"Nhiều hôm mệt lắm nhưng cố nén vì sợ con biết. Nếu các con muốn học nữa, vợ chồng tôi luôn sẵn sàng làm đôi chân giúp các con thực hiện những điều mình thích. Đến bây giờ tôi vẫn chưa nguôi trăn trở về những thiệt thòi của các con. Nếu mình vất vả mà mang lại niềm vui phần nào cho chúng thì cũng thấy xứng đáng", bà Đào xúc động nói.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, thầy Trần Hữu Dư, giáo viên Trường THCS Tân Thới, cho biết nhà trường đã tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của Tân. Gia đình em ít ruộng đất, nguồn thu nhập chính là tiền công làm thợ hồ của cha. Dù khuyết tật nhưng Tân thông minh, chăm chỉ học tập. Học kỳ I vừa qua, em đạt học lực khá, nằm trong top đầu của lớp.
"Nhà trường cũng rất quan tâm tới trường hợp của Tân. Đầu năm học tạo điều kiện để em nhận học bổng, tập sách, đồng phục. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu cũng đã có kế hoạch bố trí phòng học ở tầng trệt cho Tân học hết cấp THCS, nhằm giúp người thân dễ dàng đưa rước em hơn', thầy Dư chia sẻ.
Bình luận (0)