Người Mẹ, ngọn nguồn sinh thành nên những phẩm chất tốt đẹp của con...

20/10/2020 06:55 GMT+7

Nhà văn Nguyễn Thế Quang đã được bạn đọc biết đến với các tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Du, Thông reo Ngàn Hống và Đường về Thăng Long.

Tiểu thuyết Khúc hát những dòng sông vừa được NXB Trẻ ấn hành cũng viết về một nhân vật lịch sử - bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với nhân vật Hoàng Thị Loan, nhà văn đã hướng bạn đọc tìm đến vẻ đẹp bên trong của Người Mẹ, ngọn nguồn sinh thành nên những giá trị cơ bản nhất của đời sống dân tộc. Một người mẹ với biết bao lo toan, dám vượt qua mọi chướng ngại và cám dỗ, hy sinh tất cả chỉ vì con, muốn con nên Người - chữ “người” viết hoa! Đây chính là chức năng và cũng là vẻ đẹp chủ yếu của người mẹ.
Chính vì thế, mở đầu tiểu thuyết, sau những trang viết miêu tả cảnh mẹ con Hoàng Thị Loan trên bãi dâu bên sông Lam đầy thơ mộng, người mẹ phải đứng trước một sự lựa chọn khó khăn và bà đã có một quyết định can đảm, không phải người phụ nữ nào cũng dám làm: rời xa tổ ấm làng quê thân thuộc, bồng bế con nhỏ theo chồng vào “Kinh”, một vùng đất xa lạ, thân cô, thế cô, để có thể giúp chồng ăn học thành tài và nuôi dạy con nên người.
Với quyết tâm đó, người mẹ trẻ đã vượt qua biết bao thử thách khó khăn mà ngòi bút tác giả chưa hẳn đã diễn tả hết. Chỉ riêng chuyện vượt chặng đường gian nan từ Nam Đàn, qua đèo Ngang vào Huế, với quang gánh trên vai và hai con nhỏ chưa đủ sức tự lập, ngày nắng giữa bãi cát, đêm mưa trên đèo, rồi thú dữ rình rập... đã là một kỳ tích.
Điều đặc biệt hơn là Hoàng Thị Loan không chỉ cứng cỏi và quyết liệt chống lại sự cám dỗ và mọi thiếu thốn về vật chất, mà trong mọi hoàn cảnh - từ buổi hai mẹ con rời bờ sông Lam cho đến mỗi chỗ dừng chân trên đường vô xứ Huế, rồi những buổi dẫn Nguyễn Sinh Cung đi thăm các đình chùa nơi kinh đô, nghe hát vè Thất thủ kinh đô... - bà đều khơi gợi và giảng cho con nghe về những tấm gương giàu nghĩa khí của tiền nhân, về cách đối nhân xử thế, cả về những vẻ đẹp của các điệu dân ca... Ngày ngày, bà dõi theo mỗi đường đi nước bước của con. Một lần, chỉ mỗi việc Sinh Cung hái nhãn dọc đường về cho mẹ, tim bà đã nhói đau, buồn và giận khôn cùng. “...Con tự bẻ nhãn của người khác là con làm việc bất chính... Con tự lấy của người khác dù chỉ một chùm nhãn nhưng mọi người sẽ chê cười ông bà, chê cười cả dân xứ Nghệ chúng ta...”.
Những chi tiết như thế khó mà có trong các tiểu sử và truyện danh nhân.
Với quan niệm nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử có thể hư cấu những sự việc “chỉ cần có thể có thật”, ở phần vĩ thanh, tác giả đã phóng trí tưởng tượng sang trời Tây; và chúng ta gặp hình ảnh Nguyễn Ái Quốc đứng bên bờ sông Seine (Pháp) tưởng nhớ đến người mẹ đã quá cố ở trời Đông xa cách:
- “Mẹ ơi! Mẹ là tất cả! Mẹ là ngọn nguồn, là nơi bắt đầu của những điều tốt đẹp mà con làm được. Trong dòng chảy lạnh lùng của thời gian, trong dòng đời dữ dội, qua dông bão và lửa cháy, Mẹ như dòng sông trong trẻo của tình yêu và đức hy sinh nuôi dưỡng tâm tính con, gột rửa bao lỗi lầm và tiếp cho con bao sức mạnh, vượt qua bao thác ghềnh để hôm nay con tìm được hướng đi...”.
Cái kết “có hậu” có thể giảm độ bi thương sau chuyện bà Hoàng Thị Loan từ trần khi sinh đứa con thứ tư trong cảnh đói nghèo. Một sự “hư cấu” khá hợp lý, nhưng chắc là sẽ có những cách nghĩ khác nữa. Với một tác phẩm văn học, như thế là chuyện thường. Và nhiều khi đó lại là điều thú vị...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.