‘Người mẹ và cánh rừng’ - cuộc chiến đấu không đơn giản

31/07/2022 14:39 GMT+7

Nhà văn Châu La Việt (từng là phóng viên Báo Thanh Niên với bút danh Triệu Phong, Trương Nguyên Việt) vừa cho xuất bản cuốn tiểu thuyết Người mẹ và cánh rừng (NXB Quân đội nhân dân, 2022).

Những ai theo dõi quá trình sáng tác của Châu La Việt sẽ nhận ra tiểu thuyết này được triển khai từ truyện ngắn Tôi, người lính” viết trước đó khá lâu. Bối cảnh tiểu thuyết là cuộc chiến đấu dưới “những tầng cây săng lẻ” trên nước bạn Lào mà tác giả đã trải nghiệm và đã viết khá nhiều truyện ngắn, ký sự.

Tiểu thuyết Người mẹ và cánh rừng của Châu La Việt (NXB Quân đội nhân dân, 2022)

nkp

Đã có không ít nhà văn “mở rộng” truyện ngắn thành tiểu thuyết bằng cách khai thác sâu hơn, rộng hơn hoạt động và tâm lý nhân vật, nhưng viết Người mẹ và cánh rừng, Châu La Việt chỉ “mượn” 10 trang truyện Tôi, người lính làm chương mở đầu, để rồi triển khai một kết cấu tiểu thuyết có thêm nhiều nhân vật khác, trong đó người mẹ là trung tâm, với vấn đề xuyên suốt tác phẩm vẫn có ý nghĩa đối với hôm nay: con người có thể vượt lên chính mình như thế nào?

Bằng, chàng trai Hà Nội, con nghệ sĩ Vân Ngàn nổi tiếng, xung phong ra mặt trận, từ một chiến sĩ dũng cảm, sau khi bị thương, lo sợ bị què cụt suốt đời, lại bị Hiến - một thương bình đồng hương Hà Nội, than thở theo giọng điệu tâm lý chiến “Xương trắng Trường Sơn”“như cơn mưa dầm thấm đất, cứ rỉ rả suốt ngày này qua ngày kia làm Bằng thêm băn khoăn day dứt…”. Chính vào lúc đó, đội văn công của Vân Ngàn đến biểu diễn tại Binh trạm. Người mẹ chưa hưởng trọn nỗi vui mừng xúc động được gặp con nơi tuyến lửa đã thảng thốt nhận ra Bằng “đang xa dần”… Chị càng buồn khi gặp Lâng - một thương binh như Bằng - nhưng lại mong sớm trở về chiến đấu cùng đồng đội.

Độc giả từng đọc các ký sự và truyện của Châu La Việt, có thể nhận ra Vân Ngàn thấp thoáng hình ảnh ca sĩ Tân Nhân nổi tiếng - thân mẫu tác giả. Chỉ “thấp thoáng” chút thôi, nhưng cũng đủ để tác giả viết những trang văn đẹp về những đêm biểu diễn ở Trường Sơn một thời và dựng thành nhân vật người mẹ đủ bản lĩnh làm điểm tựa cho đứa con không gục ngã lúc dao động. Tuy vậy, tác giả không “đơn giản” để Bằng nghe lời khuyên của mẹ ở lại chiến trường mà chính Vân Ngàn và cả bác sĩ Bảy Sinh - bệnh viện trưởng Binh trạm, người từng giúp Vân Ngàn “vượt cạn” năm xưa - cũng phải đấu tranh để vượt qua sự mềm yếu “vị tình thân” mà con người mấy ai tránh được. Khi Bằng nghe theo “âm mưu” của Hiến, tha thiết yêu cầu mẹ, với tình thân năm xưa, xin bác sĩ viện trưởng cho con về hậu phương, Vân Ngàn đã thốt lên đau đớn: “…Bao nhiêu đứa con đã hy sinh, bao nhiêu người mẹ đã khổ đau? Nhưng có người mẹ nào cho phép con mình phản bội, đào ngũ, hay thác cớ để trốn tránh nơi mình cầm súng, chiến đấu đâu?...”. Vậy mà rồi sau một đêm thức trắng, trước lúc vào mặt trận khác biểu diễn, khi Bằng cầu xin mẹ: “Mẹ nói có khác gì một chính trị viên? […] Mẹ hãy ký vào lá đơn xin chuyển viện hậu phương, lá đơn xin giải ngũ này của con…”; chị đã… thua cuộc, ký vào đơn, nhưng rồi “đứng lặng đi như một cây đại thụ khô, bất động” và thốt lên đau đớn: “Không… Đừng gọi mẹ bằng mẹ nữa…”.

Cuộc đấu tranh quả là không đơn giản. Bằng ra viện, được về Hà Nội nghỉ phép và anh đã trở lại mặt trận. Lúc đó, trước một “Thăng Long không còn là phi chiến địa, mà đã trở thành một mặt trận thực thụ”, Bằng nhận ra phố phường Thủ đô thân thuộc không phải là nơi “trú ẩn” của anh; nhất là sau khi gặp lại người yêu Bình Thanh, cô đã hiểu sự chao đảo của Bằng do vừa nhận thư Vân Ngàn và đồng đội anh từ mặt trận gửi về; đồng thời cô lột mặt nạ đểu cáng của Hiến khi hắn tán tỉnh cô…

Với số trang có hạn, Người mẹ và cánh rừng có thể chưa làm bạn đọc thỏa mãn về một số phương diện khác, nhưng cuộc đấu tranh sinh tử trong cuộc chiến hơn nửa thế kỷ trước được tác giả tái hiện không chỉ góp phần làm phong phú thêm mảng văn học về đề tài chiến tranh mà còn có tính thời sự. Trước cuộc sống hôm nay với biết bao cám dỗ, con người vẫn luôn gặp thử thách khi chọn chỗ đứng chân chính, vẫn rất cần những “điểm tựa” như bác sĩ Bảy Sinh, Lâng, mẹ Vân Ngàn và Bình Thanh…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.