Ngồi hưởng gió đồng canh vó
Năm nay nước lớn, cá nhiều nên xóm vó cá xã Nhơn Hưng (huyện Tịnh Biên, An Giang) lại hoạt động nhộn nhịp. Dọc hai bên cánh đồng, lúc nào cũng thấp thoáng bóng ngư dân cất vó bắt cá đủ loại.
Theo con nước, một ngày ngư dân kéo vó có thể bắt được vài chục kg cá, cá bắt nhiều nhất là cá linh đem ra chợ Châu Đốc cách đó 13 km bán được 40.000 đồng/1kg, cá trèn bầu 1 kg giá 120.000 đồng, cá lóc đồng 90.000 đồng/kg, cá leo 1 kg giá 150.000 đồng…
[VIDEO] Nước lên, nông dân An Giang kéo nhau đi vó cá kiếm thêm thu nhập
Thực hiện: Thanh Dũng
|
|
|
So với các nghề đánh bắt thủy sản, nghề vó khá thư thả bởi ngư dân ngồi trong cái tum nhỏ chờ 10-15 phút là kéo vó. Ngồi trong tum hưởng gió đồng, hứng chí hát nghêu ngao, không dầm mưa, lội nước cực thân như bao người sống nghề hạ bạc.
Ông Phan Văn Dũng (54 tuổi) sống trên 30 năm bằng nghề kéo vó cá dí dỏm, sống bằng nghề vó như tập thể dục kéo tạ vì suốt ngày chỉ dùng sức kéo vó lên xuống bắt cá, cũng không thảy mồi dụ cá gì nhưng muốn bắt nhiều cá phải có bí quyết riêng. Đó là phải có con mắt tinh tường nhìn vọt nước chảy xem hướng cá đi rồi đặt đường ven cho cá theo đường này vào vó. Nếu nhìn không đúng đường cá bơi, kéo vó mấy tháng trời chỉ bắt được vài chục kg là cùng.
|
|
Ông Dũng cho biết, người kéo vó phần đông sống bằng nghề làm ruộng là chính. Tới mùa lũ, ruộng đồng nghỉ ngơi còn chủ nhân bắt cá mắm kiếm tiền. Sau con nước, người cất vó dư giả cũng gần chục triệu, đó là chưa kể 3 tháng không tốn tiền đi chợ mua cá, mắm.
Lúc trước dân xóm vó thảnh thơi kéo cá, nhưng mấy năm gần đây xóm vó chộn rộn hẳn lên khi cánh nhiếp ảnh, thợ ảnh từ Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, TP.Cần Thơ, Cà Mau…du ngoạn về Bảy Núi săn ảnh hoàng hôn, bình minh trên cánh đồng mùa nước nổi.
|
|
|
|
|
Anh Trần Minh Dũng (ngụ TP.HCM) đang say mê chụp hàng loạt cảnh ngư dân Phan Văn Quân (28 tuổi) kéo vó cá trong buổi hoàng hôn nhập nhoạng, ánh mặt trời như bệt vàng trải dài trên cánh đồng mùa nước lũ nhìn đẹp nao lòng. Dũng nói, anh lặn lội về nơi xa xôi này chụp những tấm ảnh để sau này rửa ra bán lại cho các nhà hàng, quán ăn cần những ảnh tự nhiên vùng nông thôn.
Ngư dân Phan Văn Quân thì vui hơn vì so với các vó cá khác, vó của anh đặt ở nơi khá đắc địa, ngay hướng mặt trời lặn nên mấy tay nhiếp ảnh hay tới thuê chụp. Buối sáng, Quân kéo cá, còn tầm 4 giờ chiều khi trời đẹp anh lại trở thành.... người mẫu. Nào là kéo vó cá, nào là đi hớt cá gần vó…, một "show diễn" như vậy Quân được trả công vài trăm ngàn đồng. Mùa lũ năm trước và năm nay, Quân kiếm kha khá từ nghề “mẫu” mà trong đời anh chưa bao giờ nghĩ đến.
|
|
|
Vó cá của chị Nguyễn Thị Mợt (50 tuổi) không nằm ngay hoàng hôn trên xóm núi nhưng lại nằm ngay cánh đồng có rặng cây thốt nốt chạy dài nên cũng thành điểm đến cho các tay săn ảnh.
Mấy đêm tối trời, căn lều kéo vó của chị sáng rực đèn bởi các tay săn ảnh đến chụp ngư dân kéo vó trong bóng đêm…Chị cười tếu táo: “Tôi xấu thí mồ tổ luôn mà mấy ổng bảo lên hình kéo vó ăn ảnh lắm”.
Rồi theo lời chỉ dẫn của các tay nhiếp ảnh, chị Mợt đã đầu tư làm vó cá phía sau gần hè nhà, góc này "view" đẹp vì chụp thấy được núi đồi Thất Sơn chập chờn…Chị cười tươi, vừa có cá vừa có tiền "boa".
Buổi chiều chạy lang thang qua xóm vó cá thấy bình yên với các khung cảnh đơn sơ nhưng đẹp chân chất của mùa nước nổi. Kia là ngư dân đang treo vó cá để nghỉ ngơi sau một ngày kéo vó, nọ là bóng ngư dân thoăn thoắt kéo vó lên. Những khung hình rừng, núi, sông nước bình dị, những mảng đời mưu sinh qua các bức ảnh đã tô điểm thêm cho mùa nước nổi An Giang đẹp ngây ngất lòng người.
Bình luận (0)