Người miền Tây lên đỉnh núi Cấm săn loài ốc kỳ lạ 'tan' vào đá núi

16/11/2018 12:09 GMT+7

Trên núi Cấm có loài ốc kỳ lạ, mùa mưa chúng từ lòng đất trồi lên, vào mùa nắng chúng như cơn gió, ‘tan’ vào đá núi. Bao đời nay, người dân sơn cước không rõ chúng là ốc gì nên gọi là ốc đá hay ốc núi.

Loài ốc giá trên trời

Núi Cấm thuộc xã An Hảo (H.Tịnh Biên, An Giang) cao trên 720m được xem là nóc nhà miền tây hay Đà Lạt miền tây do không khí mát lạnh như Đà Lạt. Núi Cấm không xa lạ với người dân trong và ngoài tỉnh An Giang nhưng nhắc đến loài ốc đá nhiều người bản địa vẫn mơ hồ. Cũng lạ là An Giang có nhiều núi nhưng các ngọn núi khác không có nhiều ốc đá như núi Cấm.

So với ốc đồng, ốc đá khác xa về hình dáng, ốc đá to bằng chén trà nhỏ, có màu trắng sữa hoặc đen. Nếu trước đây nó là món ăn vui miệng của người dân nơi chót vót đỉnh núi thì nay nó đã trở thành món ngon của du khách.

Vùng núi Cấm ngoài những huyền thoại về các loài rắn, hổ còn có loại ốc đá ngon khó cưỡng  THANH DŨNG


Cách đây mấy hôm, một bạn trẻ đi phượt, ăn món ốc đá đã chụp hình đĩa ốc và chú thích “món ăn dân dã miền sơn cước”. Nhiều du khách từng lên núi Cấm xuýt xoa, dân dã nhưng đắt lắm, muốn ăn nó phải tốn công, tốn tiền lên núi.

Tuy tên thô kệch và cũng là họ ốc nhưng ốc đá giá cả ở “trên trời” so với đồng loại ốc biển, ốc đồng ở miền tây. Một 1kg ốc núi hiện nay giá trên 200.000 đồng, lúc sắp hết mùa mưa giá ốc lên đến 300.000 đồng/kg, giá cao như vậy nhưng muốn mua ốc đá không phải lúc nào cũng có, phải đặt hàng trước các “thợ săn” trên núi cả tuần.

Thượng sơn săn ốc đá

Khi trời sa mưa là mùa ốc đá xuất hiện, ban đêm từ sâu dưới lòng đất, từ các khe hốc núi đá chúng trồi lên mặt đất ăn cây lá, rau củ. Ban ngày, chúng chui rúc dưới các cây cỏ ẩn nấp nắng trời. Cho nên dân núi xem chúng là ốc bổ, ốc thuốc vì chúng chỉ ăn những rau củ, cây lá thuốc mọc trên núi.

Anh Vân bươi lá tìm ốc núi THANH DŨNG

Vậy loài ốc đặc biệt này có dễ săn bắt không? Câu trả lời, rất dễ mà cũng rất khó, người săn bắt có thể là học sinh trung học kiếm thêm tiền mua sách vở, là người trung niên hay cụ già hay cánh phụ nữ bạo gan.

Tôi thượng sơn lên vồ Mồ Côi - một trong điểm cao nhất nhì trên núi Cấm tìm gặp anh Đinh Thanh Vân, đang sống trên vồ này là người bắt ốc đá chuyên nghiệp. Anh Vân nói, chúng tôi gặp may bởi mấy ngày nay mưa nhiều nên ốc xuất hiện kha khá.

Chỉ ra cái bao lưới phía sau nhà đang rọng ốc, anh Vân nói: “Ốc đá ngon, khách du lịch lên núi ăn vài lần ghiền nên về nhà họ điện người quen trên núi nhờ mua ốc gửi xuống. Tôi bắt được, rọng đó chờ họ đến lấy. Trong thời gian chờ, thả lá cây vào cho ốc ăn để chúng không sụt ký”.

Không ai nghĩ loại ốc này là có hương vị hấp dẫn đến độ du khách săn lùng mua THANH DŨNG

Anh Vân cho biết, mùa săn ốc bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11. Anh nói :“Ngày xưa nó nhiều lắm, ăn ốc riết phát ngán, nhưng giờ không còn cảnh đó đâu, từ ngày du khách kéo lên núi vui chơi và hành hương, ốc bắt bao nhiêu cũng không đủ bán nên 1 kg từ vài chục ngàn đồng thì nay đã lên đến vài trăm ngàn đồng”.

Anh Vân cầm cái bọc rủ khách đi săn ốc núi, tưởng anh còn mang theo dụng cụ đào đất như len xuổng nên ngồi chờ nhưng anh cười, chỉ cái bọc này là đựng được ốc. Anh nói : “Những người cố cựu trên núi đến nay không rõ ốc đá tại sao chỉ xuất hiện trong mùa mưa, đến mùa nắng chúng gần như mất tăm, đào dưới đất sâu lắm nếu may mắn bắt được vài con”.

Theo anh Vân, chúng tôi bước vào khu vực cây cối khá um tùm, bước đi trên lớp lá khô, cành cây mục mà chân ngài ngại vì sợ bên dưới là côn trùng dữ dằn như rít, bù kẹp nhưng nguy nhất là rắn độc, mà núi Cấm thì có nhiều rắn.

Vừa đi, anh Vân vừa giải thích, ban đêm ốc bò lên mặt đất ăn cỏ, lá cây nên soi đèn bắt dễ lắm nhưng đi săn đêm thỉnh thoảng hay chạm mặt rắn độc rất nguy hiểm tính mạng. Còn ban ngày chúng nấp cạn trong đất hay trong cây cỏ trốn mặt trời nên bắt cũng dễ, chỉ cần có kinh nghiệm nhìn đám cỏ cây là biết có ốc hay không.

Rồi anh Vân ồ lên, chỉ đám đất nói có ốc, anh lẹ làng hốt bỏ các lớp lá cây mục, bươi nhẹ đám đất lên. Oa, những con ốc màu trắng sữa đang nằm im bất động. Anh Vân bắt từng con bỏ vào bọc rồi tiếp tục đi tìm. Trong buổi sáng, anh bắt được hơn 80 con ốc đá tương đương 2 kg. Đây là một ngày khá may với anh vì hiện lượng ốc tìm bắt không dễ.

Ăn ốc, ngắm mây, nhìn núi

Anh Vân nói có nhiều cách chế biến ốc nhưng ốc luộc vẫn là ngon nhất vì giữ được hương vị ốc và mùi hương thoảng của lá cỏ. Sau khi rửa sạch, cho ốc vào nồi nấu bỏ vào ít lá sả cho có mùi thơm và nấu khoảng vài phút là ốc chín.

Món ốc luộc chấm với muối tiêu rắc chanh rất ngon. Khẩu vị không biết tả sao nhưng ăn rồi tôi mới nghiệm ra, tại sao du khách ăn xong đều tìm cách liên hệ đặt mua ốc đá giùm.

Bữa cơm dân dã của núi rừng là vậy, ngồi trên đỉnh núi cao chót vót, nhâm nhi món ngon núi rừng, hứng cơn gió rừng rì rào mơn man, nghe chim trời hót vang, nhìn đám mây trắng bay lơ phơ trên đầu thì còn cái thú nào bằng.

Trong bữa cơm hoang sơ, anh Vân lại lo vì ngày xưa ốc núi nhiều lắm nhưng bây giờ nguồn ốc đang cạn dần đi. Anh Vân nói, con ốc đã gắn bó với bao phận người và nuôi nhiều người trên núi Cấm, mất nó là tiếc lắm nên anh đã nghiên cứu cho ốc sinh sản nhưng đến nay vẫn chưa thành công…

Phải rồi, loài ốc lạ lùng dưới miền xuôi đâu có, nên một ngày nào đó ốc đá núi Cấm không còn sẽ là câu chuyện đáng tiếc núi rừng Thất Sơn. Nó là một nét văn hóa ẩm thực rất riêng biệt của núi rừng đón khách phương xa…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.