Người miền Tây tất bật đón lũ về mưu sinh mùa nước nổi

21/08/2017 09:36 GMT+7

Ở vùng Đồng Tháp Mười, mùa nước nổi là cơ hội để người nghèo mưu sinh, kiếm thêm thu nhập. Mùa nước nổi cũng mang phù sa về, hứa hẹn cho một mùa bội thu.

Hằng năm, mùa nước nổi (còn gọi là nước lũ) ở Đồng Tháp Mười bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, đến rằm tháng 9 là đạt đỉnh. Riêng năm nay, nếu tính theo nhuần thì hiện giờ chỉ mới cuối tháng 6 âm lịch, nhưng ở vùng đầu nguồn của tỉnh Long An như Tân Hưng, Kiến Tường, Mộc Hóa, nước đã tràn vào ruộng.
Trong khi đó thì mực nước đo được trên kinh Hồng Ngự cao hơn cùng kỳ năm ngoái 1 mét.

Ở huyện Thạnh Hóa, Long An có chợ chim. Những con trích này được kêu giá 1 triệu đồng. Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG


Đã nhiều năm rồi vùng ĐBSCL không có lũ nhưng năm nay nước về sớm hơn một tháng. Con nước phù sa đỏ quạch nếu về sớm bất thường có thể gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống, vì lúa và hoa màu không kịp thu hoạch. Nhưng phù sa lại tốt cho ruộng đồng. Xưa giờ năm nào lũ lớn thì vụ đông xuân năm sau sẽ trúng mùa. Vì vậy mà người dân ở vùng Đồng Tháp Mười gọi là “đón lũ”, bởi mùa nước nổi còn đem đến nhiều cơ hội mưu sinh cho người nghèo, như nhổ hẹ thuê, giăng câu, lưới bắt cá...
Cò ốc được bày bán rất nhiều ở Thạnh Hóa. Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG


Những ngày này, đi dọc theo quốc lộ 62 từ TP.Tân An về Đồng Tháp Mười, qua khỏi TT.Tân Thạnh, tới H.Mộc Hóa rồi TX.Kiến Tường đã thấy rất nhiều mái che nhỏ, tạm bợ ven đường bày bán các loại sản vật của mùa nước nổi. Từ cá rô, cá lóc, chuột đồng, ốc bươu, rắn, chim, bông điên điển, bông súng, hẹ nước, ngó sen, hạt sen... được bán từng kg, từng bó.

tin liên quan

Đầu nguồn miền Tây vào mùa nước nổi
Mới đầu tháng 8, lũ đã về sớm hơn cùng kỳ các năm trước. Tại các huyện đầu nguồn của 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, con nước “son” đang ào ạt tràn đồng, nghề đánh bắt cá mùa nước nổi lại rộn ràng hơn bao giờ hết.

Anh Tâm, chủ một sạp nhỏ ở ấp 3, xã Tân Lập (H.Mộc Hóa) cho biết: “Vì mới đầu mùa lũ nên sản vật chưa nhiều, giá còn hơi cao. Bông điên điển giá 45.000 đồng/kg, bông súng 10.000 đồng 3 bó, hẹ nước 30.000 đồng/1kg, hạt sen 35.000 đồng/kg, cá lóc đồng 80.000 đồng/kg. Riêng ốc bươu được thương lái từ Campuchia đem sang bỏ mối, giá bán 30.000 đồng/1kg”.

Cũng mưu sinh nhờ mùa nước lũ nhưng chị Nguyễn Thị Hồng Sang (ở ấp 5, xã Tân Lập, H.Mộc Hóa) kiếm tiền bằng cách khác, đơn giản hơn. “Nước vừa lên ít bữa thì ngoài ruộng có hẹ. Mỗi ngày tôi dành vài tiếng đồng hồ ra ruộng nhổ được chừng 10 kg, bán kiếm được vài trăm ngàn đồng cũng đỡ lắm. Những người khác thì đi nhổ hẹ thuê cho chủ ruộng với giá 6.000 đồng một kg”, chị Sang nói.
Thấy hàng xóm đang nói chuyện, tưởng là cán bộ ngân hàng tới… xác minh để cho vay tiền, bà Nguyễn Thị Năm (60 tuổi) chạy ra… than: “Nhà tui không ruộng vườn. Chủ yếu ai kêu gì làm nấy. Năm nào tui cũng đi nhổ hẹ mướn kiếm bộn tiền. Nhưng hổm rày ông nhà tui bị bệnh, tui phải ở nhà để chăm sóc nên kêu thằng con làm mướn từ Sài Gòn về. Mỗi ngày nó nhổ được 50 kg hẹ, kiếm được 300.000 đồng”.
Trong khi đó thì nhiều người trồng sen ở vùng Đồng Tháp Mười lại không vui vì giá sen đang rẻ bèo. Có người bỏ luôn, chẳng thèm thu hoạch, để khỏi tốn tiền mướn nhân công. Anh Nguyễn Ngọc Phúc (nhà ở ấp 5, xã Tân Lập) kể: “Gia đình tôi trồng được 2 ha sen, mỗi ha chi phí đầu tư chừng 10 triệu đồng. Sen trồng khoảng 3 tháng thì thu hoạch. Trồng sen có thể bán bông cho người ta mua về chưng, bán gương sen, hạt sen khô và cả ngó sen nữa”.

tin liên quan

Sản vật mùa lũ giúp người dân miền Tây kiếm chục triệu
Mùa này, đi trên quốc lộ 62 đoạn từ Mộc Hóa, Kiến Tường ra biên giới Campuchia, hai bên đường người dân bày bán rất nhiều sản vật đặc trưng của mùa nước lũ Đồng Tháp Mười, như bông súng, bông sen, bông điên điển, ốc lác, cua đồng, khô cá lóc... 


Nhưng theo anh Phúc thì mấy mùa trước sen bán có giá: “Mỗi năm tôi trồng 2 vụ lúa và 1 vụ sen. Nếu sen trúng mùa, thu nhập gấp đôi, gấp ba lần so với trồng lúa mà lại không thấp thỏm vì sợ nước lũ về sớm. Nhưng mùa sen này giá rẻ quá, thu hoạch gần hết vụ rồi mà chưa lấy lại được vốn bỏ ra. Hiện giá gương sen chỉ còn từ 4.000-6.000 đồng/kg, trong khi trước đây giá từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg. Giá rẻ lại không có người mua nên phải để khô. Sen khô, hạt dễ rớt ra nên hao hụt nhiều, giá bán cũng không cao”.
Ruộng sen này đã quá già nhưng giá rẻ, không bán được. Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Trong khi có người chấp nhận lỗ, kêu bán ruộng sen vì thấy nước lũ đã về, sen khó bán, giá lại rẻ, thì anh Kiều Tấn Phát ở ấp 5, xã Tân Lập, cho biết vừa đánh liều mua lại 2 ha sen đang trổ bông với giá 10 triệu đồng “để cầu may”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.