Cô gái gọi điện thoại cho mẹ, dặn mẹ đi ngủ trước, "máy bay trễ giờ, con ở khách sạn, sáng mai ngó qua thành phố rồi con về. Má đi chợ mua đồ nấu mì Quảng nha, nhiều nấm rơm nha, người ta không cho nấm kệ người ta, con thích vậy đó. Sẵn má mua chục cá chuồn về chiên nha, chao ôi sao nước miếng con hắn rột rột chảy vầy nè!".
Ngoài Thùy, cũng có người nghe cô gái nói chuyện, vui vẻ trách móc. "Nửa đêm rồi mà mì Quảng mì đồ, bắt nạt cái bao tử tui quá!".
"Nhắc mới nhớ lâu rồi không ăn cá chuồn, mà cá chuồn quê mình ăn mới ngon nghe, bữa tui đi chợ thấy, mua về cũng nén cũng nghệ mà ăn nhạt sao sao đâu".
Người dưng hóa người thân khi họ có chung món ăn, người ta kể những món quê nhà rồi hít hà với nhau. Thùy kéo áo khoác, ngả đầu lim dim. Bánh tổ cô thử rồi, không thấy ngon, mì Quảng ăn nhiều lần nhưng chỉ là đổi bữa chứ chưa thấy gì để gọi là nhớ với thèm, cá chuồn cô chưa ăn bao giờ vì cô ghét cá, khô mè cô ăn rồi, dễ ăn hơn mè xửng Huế, nghe người ta nói mai về phải đi ăn một lượt những món ăn thời thơ ấu, cô cúi mặt, cô không có liên quan gì đến vùng đất ấy.
Chuyến đi của Thùy như một chuyến du lịch kết hợp vài chuyện nhỏ. Đầu tiên là nhìn mẹ, người ba mươi năm nay không có bất cứ một sự liên lạc nào, ngày bé Thùy thường bị các bạn trêu là "đứa không mẹ", bố nói mẹ mất rồi, Thùy tin thế.
Mẹ còn sống, bà có gia đình và những đứa con khác, bấy lâu bà chăm bẵm yêu thương gia đình của mình, không hề nhớ đến sự có mặt của Thùy cho tới khi bệnh nằm một chỗ chờ giải thoát.
Vân, cô em gái cùng mẹ khác cha gọi cho Thùy vào chiều muộn khi thành phố đang mưa tầm tã với những con đường đã thành sông, cô đứng ở cửa văn phòng nhìn ra những lênh loáng nước, nghĩ đến bộ quần áo đang trong ngăn kéo, định bụng tối nay ở lại công ty khỏi về.
"Chị không biết em đâu, em cũng không biết chị cho đến hôm qua", suýt thì cô cúp máy vì nghĩ đó là chiêu trò của mấy cô nhân viên sale chào mời mua gì đó.
"Em là con mẹ Hằng, là em gái của chị". Bên kia là sự im lặng, Vân muốn dành thời gian cho Thùy suy nghĩ và hiểu những gì cô nói hay chính cô ấy cũng không biết nói gì. Giọt máu đào tìm nhau tưởng sẽ thắm đỏ ấm nóng, không nghĩ nó lại lạnh y như thời tiết ngoài cửa kính: "Nói tiếp đi".
"Má mới kể về chị cho tụi em nghe, trước đó em không biết gì".
Thùy im lặng, "tụi em", nghĩa là cô không chỉ có một đứa em, là hai hay ba đứa? Đó giờ cô luôn một mình, nay bỗng chốc có hẳn mấy đứa em, choáng ngợp thiệt chứ. Mẹ cô, trong lời cô gái kia lúc này khi nhớ khi quên nên trong phút mơ hồ, bà đã kể chuyện mình từng có gia đình và một đứa con gái. Nếu bà không quên quên nhớ nhớ, hẳn bà sẽ ngậm chặt bí mật này mà mang đi.
Thùy không hỏi từ đâu Vân có được số điện thoại của mình, cuộc điện thoại chỉ có mình Vân nói, ngập ngừng, ấp úng, bối rối và đầy lo lắng. Giọng cô run rẩy. "Chị... về thăm má một lần, được không?".
Thùy không nhận lời cũng không từ chối. Mấy năm nay cô không đi đâu khỏi thành phố, ở công ty mình cô được đặc cách quy đổi mười hai ngày phép thành tiền. Sếp thi thoảng còn gợi ý, "lâu lâu nghỉ một ngày để lười biếng, để ngủ nướng và không phải suy nghĩ gì cũng thú vị lắm".
Ý nghĩ về một chuyến đi khiến Thùy mất ngủ, và khi cô đưa đơn xin phép, sếp ký ngay mà không hỏi nghỉ làm gì.
***
Thùy thức giấc vì lạnh, cô nằm co trong chăn, không ngủ tiếp được dù muốn thử xem thú vị không. Thùy khoác áo quàng khăn đi về phía những cái thuyền thúng nhỏ đang úp mặt nằm ngủ, càng đi mùi tanh càng nặng làm cô buồn ói. Cô không thích cá.
"Mùi ở đây không dễ ngửi, sao em không xuống dưới kia?".
Thùy nhìn qua, chàng trai bên cạnh có mái tóc đen dài hơi rối và ánh mắt rất ấm, lưng áo anh lấm tấm ướt mồ hôi, phía xa có người gọi "Quang, Quang!". "Nhà tôi phía bên kia, đám đó là bạn hồi đại học, tụi nó đến chơi và bắt tôi làm hướng dẫn viên".
Hẳn anh nghĩ cô là khách du lịch nên nói mấy ngày nay nắng nhẹ nên đi Hội An, Hội An là nơi nên đến một lần. Theo dự báo thời tiết thì hai hôm nữa trời sẽ nóng hơn, khi ấy đi Bà Nà sẽ thích hợp...
Thùy hơi cười, không có nơi nào nằm trong kế hoạch của cô hết, cô định đi dạo một chút, kiếm cái gì ăn và tìm đến địa chỉ Vân nhắn, chiều bay vào luôn. Một ngày vừa vặn.
Thùy ngoảnh mặt ra biển cho gió xua những cọng tóc dính vào má, mắt bị bức tượng cao lớn phía xa thu hút.
"Từ ngày có Bà, đất này yên ả hẳn, đây đến đó không xa, nếu em đi, tôi sẽ chở em đi". Anh ta nói với Thùy và giơ tay nhìn đồng hồ. "Chờ tôi mười lăm phút, tôi sẽ quay lại ngay".
Trong lúc chờ đợi, Thùy lấy điện thoại bật mạng, đọc tin nhắn, gõ mấy dòng trả lời, định tắt thì có người hỏi Đà Nẵng đẹp không, cô giơ điện thoại lên chụp liền mấy tấm, nhấn gửi đi.
Quang thay quần áo và chạy xe đến, còn mua cho cô một phần xôi bắp gói trong lá sen. "Bà hàng xóm nấu xôi rất ngon, em thử đi".
Đường đi không xa nhưng dốc quanh co, có đoạn bên đường lau trổ bông trắng muốt, phía bên núi có mấy bông hoa lạ, cô nhanh tay chụp lại, nghe tiếng Quang lẫn trong tiếng gió.
"Có cần dừng lại chụp mấy tấm hình kỷ niệm không?".
Thùy nói không, cô không có thói quen chụp hình, trong điện thoại cô chỉ có hình hoa cỏ kèm hai tấm là hai mặt của căn cước công dân và tấm thứ ba là hình thẻ. Có người đến trước cô, họ dừng xe, xuống tận những mỏm đá tạo dáng, dưới chân họ là những con sóng bạc. Nơi này cách thành phố chỉ một vùng nước màu xanh mà Thùy cảm thấy mình như bị ra rìa, thành phố sôi động kia không có chỗ dành cho cô. Bất giác cô run rẩy, không biết lúc cô tìm đến, những người trong nhà ấy sẽ thế nào, có lẽ họ chỉ muốn làm cho mẹ họ vui, để bà được thanh thản những phút giây cuối…
Lúc lên chùa, theo hướng dẫn của Quang, Thùy thành khẩn thắp hương và cầu xin cho mẹ được nhẹ nhàng. Nhìn những sợi khói bay bay, cô nghĩ hẳn có lý do nên mẹ mới không quay về tìm mình, cô là miếng thịt rơi xuống từ thân thể mẹ, lại là đứa con đầu tiên, sao mẹ quên được, nghĩ thế, cô thấy nhẹ lòng hơn.
Quang có điện thoại, đám bạn anh gọi, anh cúp máy cười. Sáng nay họ đi Hội An, em đi cùng không, kết bạn cho vui.
Thùy nói cô phải đến một nơi, cô kể anh nghe nơi cô muốn đến. Dòng địa chỉ khiến cô dùng dằng mấy ngày nay bỗng trở nên rõ ràng. Gần ba mươi năm, cuối cùng mẹ vẫn nhớ mình có một đứa con gái là cô.
Quang trầm ngâm, "tôi đi cùng em". Thùy ngơ ngác nhìn, cô không từ chối, thật lòng còn thấy mừng vì anh đã đề nghị.
Thùy nhớ cô gái mè nheo mẹ ở sân bay, buột miệng, "nơi nào bán cá chuồn chiên củ nén?", đằng nào cũng đến đây rồi, cô muốn thử một lần.
"Là cá chuồn ướp củ nén mang chiên. Bữa sáng không có món ấy đâu, chiều về sẽ đưa em đi".
***
Xe dừng trước cánh cổng màu xanh, tự nhiên mà Thùy nắm tay áo Quang, theo Vân vào nhà. Vân nhẹ giọng gọi người phụ nữ gầy gò nằm trên giường thiêm thiếp, "má, chị Thùy về rồi". Hai mí mắt khẽ động đậy rồi từ từ mở ra, ánh mắt người đàn bà mờ mịt, có giọt nước ứa ra ở đuôi mắt. Vân vội vàng, "chị Thùy thiệt đó, má nhớ chị Thùy không?".
Có thêm người về, Thùy nghe xôn xao. "Phải chị không, sao bữa không ừ hữ chi?", "Thiệt, giống má y khuôn, con mắt cặp chân mày cũng giống, còn có lúm đồng tiền hai bên, không như tao có một cái à".
Vân là em út nhưng nhanh nhảu nhất, cô liên tục nói chuyện. Cô chị gái bò lên giường vào phía trong nắn tay, cậu con trai ngồi cuối giường nắn chân, đột nhiên cậu đứng dậy đi vào phòng trong mang ra cái hộp gỗ nhỏ, đưa cho Thùy:
"Má dặn đưa chị, chỉ là cái cà rá thôi làm kỷ niệm, chị cũng là con má mà bấy lâu má không ngó ngàng chi, nói chị cho má xin lỗi".
Thùy nghe cay cay mắt, nhìn ba chị em cùng ánh mắt lơ mơ của mẹ, cô biết mẹ có một gia đình hạnh phúc, người chồng sau của mẹ đã mất cách nay chục năm. Ba chị em có công việc ổn định, cô chị sắp làm đám cưới.
Người chị hai tên Nhiên, Thùy nhìn thấy một bên lúm đồng tiền, bây giờ đã là chị ba, mang lên chén cháo nhỏ nói Thùy bón cho mẹ, cô run bắn bước lùi lại, thấy giọng mình khàn đặc, "đó giờ chưa khi nào...".
Nhiên cười "không sao" và múc từng thìa cháo nhỏ, thổi nguội. Thùy xoắn hai tay vào nhau bối rối, cô sẽ không kể hồi mẹ đi, cô chưa đầy hai tuổi, bố cũng bỏ đi sau đó không lâu, cô ở nhờ nhà chú thím. Nhà chú có ba đứa con, đôi khi thím có vài lời nặng nhẹ do cuộc sống không như ý.
Nhưng mọi chuyện đều đã qua, ba đứa em Thùy không cần phải biết những chuyện ấy. Chúng chỉ cần biết hôm nay cô là chị chúng và đã đến đây.
Thật may Quang đã đi cùng, không thì cô sẽ không biết mở lời làm sao, liệu cô còn giữ thái độ lạnh nhạt bất cần ban đầu không? Để rồi tất cả đều đau lòng.
Từ chối lời mời ở lại, Thùy thấy rõ vẻ hụt hẫng trong mắt ba chị em khi biết tối nay cô sẽ đi. Lúc đi, cô cố tình để lại cái hộp gỗ. Quang nhìn thấy chỉ cười "họ là gia đình của em, lúc này họ cũng chống chếnh lắm, cần em như cần một cái đầu tàu...".
"Em muốn ăn cá chuồn", Thùy nhắc lại khi đi qua những hàng quán thơm nức. Quang bật cười, "Rồi, hứa với em là sẽ có mà".
Quang chở cô về nhà anh. Từ ngoài ngõ đã thấy mùi thơm rất lạ, "Em gái tôi nấu cơm xong rồi, chờ bọn mình về là ăn. Có món cá chuồn cho em thử, cả mì Quảng nữa".
Thùy bối rối, cô mới gặp anh chưa đầy mười hai tiếng đồng hồ mà đã đi cùng anh gần trăm cây số, ăn với anh hai bữa sáng trưa, giờ còn bị gom chung thành "bọn mình".
Món cá chuồn có mùi thơm lạ, thịt cá ngọt nhưng Thùy không ăn hết nửa con, cô vẫn chưa bỏ được thói quen ghét cá. Em gái Quang chu đáo, "không hợp khẩu vị của chị đúng không, chị ăn mì Quảng đi".
Thùy lắc đầu, ngày bé cô từng bị hóc xương, khạc ra máu, phải đi bệnh viện lấy ra, khi ấy rất đau, rất khó chịu và sợ hãi.
"Không sao, con ăn chả đi, có trứng cút nữa". Mẹ Quang hiền lành, không hiểu sao Thùy lại kể chuyện mình với bà. Một ngày có quá nhiều những bất ngờ khiến cô không kịp dựng lên hàng rào bảo vệ, và cứ thế phơi mình ra.
Quang nghe điện thoại xong, quay lại bàn ăn, "đám kia tối nay ở lại Hội An, chúng nó réo tôi vào. Em đi cùng không?".
Thùy ngẫm nghĩ, bật mạng, những tin nhắn chưa đọc kín màn hình. Cô nhắn tin cho sếp, "em muốn nghỉ thêm mấy ngày", rất nhanh sếp nhắn lại, "một tuần đủ không, chàng trai ấy được đấy!".
Một tấm hình được sếp gửi lại, là Quang, khi sáng cô chụp hình đã dính anh đang đi tới với hai gói xôi trên tay. Khi ấy những tia nắng đầu tiên vừa rọi tới khiến người con trai trong hình trở nên sáng rỡ và ấm áp. Tấm hình này đến được tay sếp hẳn đã chu du khắp cả công ty, thành một cơn bão ngạc nhiên.
Thùy ngẩng đầu, chợt nhớ Quang vẫn đang đợi câu trả lời, mẹ và em gái Quang cũng nhìn cô, mẹ anh cười chạm vai cô, "đi đi con, toàn những người trẻ".
Điện thoại Thùy reo, hẳn Vân nhìn thấy hộp gỗ. "Chị còn giận má đúng không?". Cô nhìn về phía mảnh trăng đang hững hờ, "em giữ đó đi, mai chị về".
Bình luận (0)