Người mua nhà thu nhập thấp 'cảm thấy bị ngược đãi' vì chưa được nhận sổ đỏ

02/08/2020 17:02 GMT+7

Hàng trăm cư dân nhà thu nhập thấp tại Hà Nội cho rằng họ cảm thấy bị “ngược đãi” vì sau khi rất cố gắng mới dành dụm được trên dưới 1 tỉ đồng mua căn hộ, nhưng phải mòn mỏi chờ cấp sổ đỏ.

Đáng nói, nguyên nhân của việc chậm cấp sổ đỏ cho cư dân ở nhà thu nhập thấp lại không phải do người dân, nhưng họ vẫn phải gánh chịu.

Từ “ưu đãi” thành "ngược đãi" người thu nhập thấp?

Phản ánh đến Thanh Niên, cả trăm cư dân mua nhà ở xã hội tại chung cư An Bình Tower ở P.Cổ Nhuế 2, Q.Bắc Từ Liêm, cho biết phải bỏ vài trăm triệu cùng với vay từ gói tín dụng 30.000 tỉ đồng để mua căn hộ. Nhưng đã ở gần 5 năm song không căn hộ nào được cấp sổ đỏ và cũng không biết đến bao giờ mới được cấp.
Ông Nguyễn Đức Quyết, Phó trưởng Ban quản trị chung cư An Bình Tower, cho biết dự án An Bình Tower do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Tây Hồ (Công ty Tây Hồ) có địa chỉ tại số 9, ngõ 7 P.Ngọc Hà, Q.Ba Đình, Hà Nội; văn phòng làm việc tại 67 Vạn Phúc P.Liễu Giai, Q.Ba Đình) làm chủ đầu tư.
“Chủ đầu tư liên tục hứa hẹn với người mua nhà về việc cấp sổ đỏ nhưng thực tế, cư dân vẫn mòn mỏi chờ nhận sổ từ nhiều năm nay. Cũng nhiều năm qua, Ban quản trị chung cư đã thay mặt cư dân làm đơn kiến nghị gửi đến chủ đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền về việc cấp sổ đỏ nhưng chưa được giải quyết. Gần đây, nhiều hộ đã căng băng rôn ở ban công chung cư An Bình Tower, yêu cầu chủ đầu tư trả sổ đỏ cho người mua nhà nhưng chưa cấp nào, lãnh đạo nào khẳng định khi nào chúng tôi được cấp sổ đỏ. Được ưu đãi vay gói 30.000 tỉ đồng để mua căn hộ này, giờ đây, chúng tôi cảm thấy giống như bị ngược đãi”, ông Quyết bức xúc.
Lý giải nguyên nhân, ông Trương Văn Đức, Giám đốc Công ty Tây Hồ, cho biết dự án chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa có đủ căn cứ để xác định thuế đất nên vướng về cấp sổ đỏ cho cư dân. Dự án An Bình Tower cũng chưa có quyết định giao đất, chưa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Kiểm toán Nhà nước đang kiểm toán toàn bộ dự án An Bình Tower do chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, đồng thời kiến nghị Công an TP.Hà Nội điều tra  một số vấn đề tại dự án này.
Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội thì cho biết, đến nay chủ đầu tư chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất phi nông nghiệp sang đất ở, UBND TP.Hà Nội chưa có quyết định cho phép chuyển đổi mục đích từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội, chưa giao đất cho chủ đầu tư. Dù thế, từ năm 2014 đến quý 1.2016, Công ty Tây Hồ đã ký hợp đồng bán căn hộ, bàn giao cho người mua nhà vào sử dụng.

Khởi kiện cơ quan chức năng vì bức xúc không được cấp sổ đỏ

Một trường hợp khác là vụ việc hàng trăm hộ dân chung cư Bemes tại Khu đô thị Kiến Hưng, Q Hà Đông, Hà Nội quá bức xúc vì mòn mỏi chờ cấp sổ đỏ đã đâm đơn khởi kiện Sở TN-MT Hà Nội vì mua nhà không được cấp sổ đỏ. Vụ việc hiện đang được TAND TP.Hà Nội thụ lý giải quyết.

Hàng trăm cư dân chung cư CT6 Xa La đã nộp đơn kiện Sở TN-MT vì chậm được cấp sổ đỏ

Ảnh Lê Quân

Theo anh Nguyễn Văn Tuấn, cư dân chung cư CT6 Xa La có 3 tòa CT6A, CT6B và CT6C tại khu đô thị Kiến Hưng, Q.Hà Đông do Công ty CP Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes thuộc Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư. Dự án vi phạm nghiêm trọng kiến trúc được duyệt, vi phạm luật Đất đai, luật Xây dựng… là nguyên nhân khiến hàng trăm chủ sở hữu khó được cấp sổ đỏ.
Cụ thể, theo quy hoạch được duyệt, dự án này chỉ có 2 tòa chung cư gồm CT6A và CT6B. Tuy nhiên, trong thực tế, Tập đoàn Mường Thanh đã xây dựng 3 tòa nhà gồm: CT6A, CT6B và CT6C, mỗi tòa cao 30 tầng, tăng 1 tòa so với quy hoạch được duyệt. Bên cạnh đó, theo phương án kiến trúc được duyệt, tổng số căn hộ là 970 căn (936 căn hộ chung cư cao tầng ở tòa CT6A và CT6B; 34 căn biệt thự liền kề).
Tuy nhiên, thực tế dự án CT6 đã được chủ đầu tư xây dựng thành 3 tòa CT6A, CT6B, CT6C với 1.590 căn hộ, tăng 654 căn hộ so với quy hoạch được duyệt. Không chỉ gây khó khăn trong việc làm sổ đỏ cho căn hộ, các vi phạm và sai phạm của các chủ đầu tư cũng khiến cho cư dân trở thành những người “vô thừa nhận” giữa thủ đô khi những quyền lợi về hộ khẩu, giáo dục cho con em… cũng không được đáp ứng đầy đủ.

Cư dân chung cư thuộc diện vô thừa nhận

Cùng chung cảnh ngộ với cư dân CT6 Xa La là hàng trăm hộ dân mua tại dự án chung cư 129D Trương Định (Q.Hai Ba Trưng, Hà Nội) đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi vì… không được chính quyền thừa nhận.
Cụ thể, nhận nhà từ năm 2017 nhưng suốt 3 năm qua, toàn bộ cư dân dự án không được các cấp chính quyền cho làm tạm trú thường trú, nhập hộ khẩu, sinh hoạt đảng, sinh hoạt đoàn cho thanh thiếu niên nhi đồng, chăm sóc y tế sức khỏe bà mẹ trẻ em, chăm sóc người cao tuổi, không được điều tra dân số…
Theo tìm hiểu, đồng chủ đầu tư dự án 129D Trương Định là Công ty cổ phần Đồng Tháp và Công ty Đầu tư Phát triển Nhà Hà Nội 22 (Handico 22). Cư dân nhiều lần phản ánh đến chủ đầu tư nhưng không nhận được câu trả lời và hai bên quay ra đổ lỗi cho nhau về những sai phạm liên quan việc không nghiệm thu, chậm nộp thuế.
Trong khi đó, chính quyền địa phương cho rằng, sai phạm của chủ đầu tư khiến họ không thể làm thủ tục về thường trú và chuyển khẩu cho các hộ dân.
Tháng 6 vừa qua, đại diện chủ đầu tư họp với cư dân. Tại buổi họp, ông Dương Quốc Tuấn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tháp, đại diện chủ đầu tư dự án thừa nhận đang gặp khó khăn không nộp được tiền đất và không thể hoàn tất thủ tục xin điều chỉnh giấy phép xây dựng phục vụ quyền lợi cho các hộ dân. Hiện tại, chủ đầu tư xin cục thuế gia hạn chậm nộp thuế hoặc thế chấp tài sản cho cơ quan thuế để lấy kinh phí hoàn tất thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng và làm các thủ tục hành chính cho các hộ dân.
Còn theo lãnh đạo phường Trương Định, khu chung cư 129D Trương Định đang có những sai phạm chưa được các cấp có thẩm quyền nghiệm thu về phòng tránh chữa cháy. Do đó, chủ đầu tư bàn giao cho dân vào ở là sai quy định của pháp luật. Theo đó, việc các hộ làm các thủ tục hành chính như chuyển khẩu, cấp sổ đỏ… chưa được phép theo quy định của pháp luật.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng, theo quy định của bộ luật Dân sự thì giao dịch mua căn hộ của người dân được coi là giao dịch ngay tình, tức là, người dân không biết, đây là các căn hộ có vi phạm pháp luật. Do đó, các giao dịch đều được pháp luật thừa nhận và người gây ra các sai phạm phải là người giải quyết vấn đề này. Người gây ra sai phạm ở đây là chủ đầu tư (Tập đoàn Mường Thanh), là cơ quan chức năng, chứ không phải là người dân.
PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN-MT, cũng cho rằng người dân mua nhà, đương nhiên phải được đảm bảo quyền lợi chính đáng. Doanh nghiệp làm sai thì phải khắc phục, không thể thiệt thòi lại đổ lên đầu người dân.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.