Thực trạng trên được ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) chỉ ra tại hội thảo Hội thảo “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước - Khung chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện” diễn ra sáng nay, 22.2.
Hội thảo là một trong các hoạt động chuẩn bị cho Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Không giảm lại còn muốn tăng
Theo phát hiện của ông Sơn, trong hệ thống thể chế của Chính phủ lâu nay có nghị định quy định chung về chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ nhưng lại có vấn đề về tính “hợp pháp”.
Nêu ví dụ về Nghị định số 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, ông Sơn cho hay nếu đối chiếu với luật Tổ chức chính phủ, thì không tìm thấy căn cứ pháp lý về nội dung của Nghị định này.
Theo ông Sơn, các quy định liên quan của Chính phủ khá định tính, mềm dẻo. Cá biệt đã đưa ra những quy định riêng để phá cái chung, vô hiệu hoá cái cơ bản. Trong đó, những nội dung xác định vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan cấp vụ khá lỏng lẻo trừu tượng.
“Thậm chí hiểu và giải thích cách nào cũng được”, ông Sơn nhận định.
|
“Mỗi nhiệm kỳ, mỗi đời bộ trưởng lại có một sự thay đổi về số lượng tên gọi các vụ. Sự thay đổi này chủ yếu theo hướng tăng thêm chia nhỏ chức năng. Cá biệt có lãnh đạo quan niệm rằng bộ có nhiều đầu mối, nhiều đơn vị cấp dưới mới oai, mới thể hiện vị thế của bộ ngành mình”, ông Sơn nói.
Việc định chuẩn không chặt chẽ, nhận thức không đúng đắn, theo ông Sơn, dẫn đến hiện trạng số đơn vị cấp vụ thuộc bộ có sự biến động, thay đổi nhiều, nhanh. Điều này dẫn tình trạng phình bộ máy, tăng biên chế, tạo sự thiếu ổn định về tổ chức bộ máy hành chính.
Theo ông Sơn, đây là căn bệnh trầm kha ở bộ, ngành. Một số bộ trưởng muốn thực hiện chủ trương tinh gọn, tinh giảm đúng định hướng cũng khó bề xoay sở vì không xử lý được quan hệ nội bộ.
“Nhìn chung tâm lý chỉ muốn tăng chứ không muốn giảm khá phổ biến. Những người thấy rõ sự bất hợp lý muốn thực hiện đúng chủ trương tinh gọn thì dễ bị cô lập, bị coi là đi ngược lại lợi ích của bộ ngành”, ông Sơn nhận định.
Cập nhật số liệu tại hội thảo, ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ) cho hay, tổng hợp số liệu đến 21.2, có tới 20 các bộ ngành (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) đã đề nghị tăng tổ chức bên trong và biên chế. Theo ông Toản, đến nay mới chỉ có Bộ Công thương xin giảm cơ cấu, giải tán một tổng cục để cơ cấu lại thành vụ và Bộ Nội vụ đề xuất giảm cơ cấu bên trong.
Đại diện của Bộ Nội vụ cũng cho hay, ở các địa phương từ đầu năm 2016 đến nay đã tăng thêm 13 Sở Du lịch mà xuất phát đầu tiên từ TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh... Theo ông Toản, mặc dù đã có Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Quốc hội, Nghị định 108 của Chính phủ về về tinh giản biên chế nhưng thực trạng hiện nay là việc các bộ không đề nghị giảm biên chế mà còn đòi tăng lên.
tin liên quan
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên do ngành giáo dục không có quyềnTại cuộc họp với 63 Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo trên toàn quốc hôm nay (14.1), có địa phương thẳng thắn phản ánh tình trạng thừa thiếu giáo viên cũng là do ngành giáo dục... không có quyền.
Các bộ mới chỉ sáp nhập về mặt cơ học
Về việc thực hiện Nghị định 108 của Chính phủ về tinh giản biên chế, ông Toản cho biết, đến nay trên toàn quốc đã giảm được hơn 22.300 người. Trong đó, khối đảng, đoàn thể hơn 900 người, khối hành chính (đến cấp huyện) là hơn 2.700 người, khối sự nghiệp (đến cấp xã) là hơn 14.500 người, trong đó ngành giáo dục là 9.600 người, y tế là 2.300 người.
Nêu quan điểm về thực hiện chủ trương tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, PGS.TS Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc sắp xếp lại các bộ đa ngành, đa lĩnh vực vẫn còn tính chất lắp ghép cơ học, chưa đi liền với điều chỉnh chức năng, cắt giảm nhiệm vụ.
Theo ông Thông, bên cạnh công việc thuộc chức năng quản lý nhà nước, các bộ vẫn đang đảm đương nhiều nhiệm vụ của quản lý doanh nghiệp. Một số bộ sáp nhập theo hình thức “nguyên trạng”, các đơn vị ở bộ cũ, tổng cục cũ hầu như giữ nguyên, dẫn đến mô hình “bộ nhỏ trong bộ to”, phương thức hoạt động sau sáp nhập không có sự thay đổi về thực chất.
Theo đánh giá của chuyên gia này, vẫn còn tình trạng chồng chéo giữa chức năng, nhiệm vụ của các bộ, không rõ địa chỉ chính, trách nhiệm chính về một số nhiệm vụ như quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại.
“Ngoài ra, việc sắp xếp các lĩnh vực quản lý nhà nước trong các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực chưa thật sự hợp lý, như Bộ Khoa học - Công nghệ không quản lý vấn đề nghiên cứu, đào tạo sau ĐH; Bộ Giáo dục - Đào tạo nhưng không quản lý mảng đào tạo nghề...”, ông Thông dẫn chứng.
Hơn 3,73 triệu người hưởng lương, phụ cấp trong bộ máy, chưa kể Công an, Quân đội
Tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế trong bộ máy của hệ thống chính trị tính đến 30.10.2016 là hơn 3,73 triệu người, vượt khoảng 8.740 người (tương đương 0,23%) số được giao.
Trong số này, khối các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội là hơn 87.500 người; khối Quốc hội hơn 38.900 người (trong đó ngành Tòa án là hơn 14.800 người; ngành Kiểm sát là hơn 17.900 người; Kiểm toán nhà nước 2.300 người).
Khối Chính phủ và chính quyền địa phương (chưa bao gồm Quân đội, công an) chiếm số lượng lớn nhất với hơn 3,6 triệu người. (Tham luận ông Nguyễn Văn Tùng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ, Ban Tổ chức T.Ư trình bày tại hội thảo). |
Bình luận (0)