Cử tri tại các bang Minnesota, Nam Dakota và Virginia là những người được bỏ phiếu sớm trước ngày bầu cử chính thức là 5.11. Theo trang Axios, khoảng 12 tiểu bang khác sẽ nối tiếp bỏ phiếu vào giữa tháng 10.
"Tôi bỏ phiếu cho tất cả các đảng viên đảng Dân chủ, từng người một. Chúng tôi cần sự thay đổi. Chúng tôi cần sự tỉnh táo ở Điện Capitol, trong Nhà Trắng. Và chúng tôi cần quyền cho phụ nữ", một cử tri tại bang Minnesota chia sẻ.
Virginia là tiểu bang đầu tiên của Mỹ cho phép cử tri bỏ phiếu sớm theo hình thức trực tiếp. Thời gian bỏ phiếu sớm sẽ kéo dài đến ngày 2.11.
Đài ABC News dẫn dữ liệu của Cơ quan Bầu cử Virginia ghi nhận hơn 1.796.000 cử tri đã bỏ phiếu sớm ở bang này trong năm 2020, chiếm 40% trong tổng số phiếu của mùa bầu cử năm đó.
Có thêm khoảng 962.800 cử tri bỏ phiếu qua đường bưu điện. Giới chuyên gia dự kiến sẽ có nhiều cử tri bầu cử sớm, do hình thức này đang ngày càng được dân Mỹ ưa chuộng.
Trong mùa bầu cử năm 2020, hơn 69% số cử tri trên toàn nước Mỹ bỏ phiếu bầu qua đường bưu điện hoặc bỏ phiếu sớm trực tiếp, theo dữ liệu do Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) thu thập. Số liệu năm 2016 là 40% và năm 2012 là 33%.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ hôm 21.9 cho biết bà đang tìm cách sắp xếp cuộc tranh luận trên truyền hình với ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump.
"Tôi đang cố gắng có thêm một cuộc tranh luận qua truyền hình. Chúng ta chờ xem", bà Harris phát biểu tại cuộc mít tinh ở thành phố Atlanta (bang Georgia).
Tuy nhiên phía ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa trong cùng ngày đã từ chối tranh luận với bà Kamala Harris.
"Vấn đề với một cuộc tranh luận khác là đã quá muộn. Cuộc bỏ phiếu đã bắt đầu rồi", cựu tổng thống Mỹ phát biểu với những người ủng hộ tại một cuộc mít tinh ở Wilmington, Bắc Carolina.
Bà Harris và ông Trump lần đầu đối mặt trên sóng truyền hình quốc gia ngày 10.9, trong một cuộc tranh luận mà theo nhiều người cho rằng phần thắng thuộc về ứng viên đảng Dân chủ.
Tờ The Washington Post mới đây dẫn số liệu của Ủy ban Bầu cử liên bang (FEC) cho thấy chiến dịch tranh cử của bà Harris trong tháng 8 gây quỹ hơn gấp 3 lần so với chiến dịch của ông Trump. Số tiền thu về của phe Dân chủ là 257 triệu USD so với 85 triệu USD của phía Cộng hòa.
Cũng trong tháng 8, chiến dịch của bà Harris chi 174 triệu USD cho các hoạt động tranh cử, cao gần gấp 3 so với con số 61 triệu USD của chiến dịch ông Trump.
Bình luận (0)