Người Mỹ giảm ăn thủy sản Trung Quốc để tăng dùng hàng Việt

27/04/2019 09:36 GMT+7

Đầu năm nay, một số sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ giảm mạnh, đặc biệt là cá tra. Tuy nhiên điều này không quá quan trong vì trên thực tế thị phần của Việt Nam tại Mỹ đang tăng.

Theo Bộ công thương, trong 2 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là nước dẫn đầu về nguồn cung thủy sản ngoại nhập ở thị trường Mỹ, song thị phần giảm mạnh xuống chỉ còn 16,1% trong 2 tháng đầu năm nay so với 23,4% của cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này chủ yếu do Mỹ giảm nhập cá rô phi từ Trung Quốc. Đây là sản phẩm trong phân khúc cá thịt trắng cạnh tranh trực tiếp với cá tra của Việt Nam.
Việt Nam vẫn duy trì vị trí nhà cung cấp hàng thủy sản ngoại nhập lớn thứ 2 tại Mỹ. Nhưng ngược với Trung Quốc, thị phần của Việt Nam tại Mỹ tăng từ 6,43% hồi 2 tháng đầu năm ngoái lên tới gần 9,3% trong 2 tháng đầu năm nay. Bộ Công thương dẫn số liệu của Cục Nghề cá biển Mỹ (NMFS) cho biết: Trong 2 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu thủy sản các loại của Mỹ từ Việt Nam đạt 41.400 tấn, trị giá hơn 263 triệu USD, tăng gần 33% về lượng và tăng 29% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần lưu ý, đối thủ lớn của Việt Nam là Ấn Độ. Nước này xếp thứ 3 sau Việt Nam về lượng chỉ ít hơn khoảng 300 tấn, tuy nhiên giá trị thu về của người Ấn lên đến gần 342 triệu USD.
Tính chung toàn thị trường, 2 tháng đầu năm 2019, Mỹ nhập khẩu gần 447.000 tấn thủy sản các loại, trị giá đến 3,35 tỉ USD giảm gần 8% về lượng và 6,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân, giảm nhập là do tồn kho cao. Về chủng loại sản phẩm, họ giảm nhập khẩu tôm, cá ngừ, cá rô phi, cá tuyết, mực… và tăng nhập cua, cá da trơn.
Người Mỹ giảm nhập cá rô phi Trung Quốc, tăng nhập cá tra Việt Nam Công Hân
Với những phân tích trên, các chuyên gia cho rằng việc Mỹ mới điều chỉnh thuế chống bán phá giá cá tra sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên khả năng ảnh hưởng không quá lớn vì nhu cầu của thị trường đang cao trong khi Mỹ giảm mạnh lượng nhập cá rô phi Trung Quốc; nên họ vẫn cần nguồn cung thay thế. Bù lại, Mỹ điều chỉnh giảm mạnh thuế chống bán phá giá tôm, hiện còn 0%. Những phân tích trên có thể thấy, khó khăn hiện tại của ngành thủy sản có thể sớm qua đi và phục hồi mạnh khi hết quý 2.
Tính đến ngày 15.4, số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu thủy sản đạt gần 2,1 tỉ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.