Thi thể các nạn nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Texas, Mỹ vào tháng 11.2020 |
reuters |
Trang Wionews ngày 5.11 dẫn nghiên cứu mới công bố cho thấy Mỹ xếp thứ 2 về mức sụt giảm tuổi thọ trung bình vào năm ngoái do đại dịch Covid-19 và chỉ đứng sau Nga trong số những nước thu nhập cao.
Nghiên cứu đăng trên chuyên san The BMJ đánh giá tình trạng tử vong dưới tuổi trung bình tại 37 nước trong năm ngoái và so sánh với ước tính trước đó dựa trên số liệu từ năm 2005-2019. Kết quả cho thấy tuổi thọ tại 31 nước giảm trong đại dịch.
Tại Mỹ, tuổi thọ trung bình của nam giới giảm gần 2,3 năm, từ 76,7 xuống còn 74,4. Tương ứng, tuổi thọ của nữ giới giảm 1,6 năm từ 81,8 xuống còn 80,2.
Những số liệu trên cho thấy cái nhìn bao hàm nhất về thiệt hại đối với con người trong đại dịch và phản ánh tác động khác biện giữa những nhóm tuổi, giới tính khác nhau.
Điều bất ngờ là tuổi thọ ở Mỹ giảm do nhiều người chết trẻ, theo bác sĩ Nazrul Islam, chuyên gia tại Đại học Oxford (Anh) và là người dẫn đầu nghiên cứu.
Kết quả cho thấy Mỹ không thành công lắm trong việc bảo vệ người trẻ trong đại dịch, và tuổi thọ trung bình giảm ở mức cao nhất kể từ Thế chiến 2. Do đó, Mỹ sẽ tụt lại sau nhiều nước giàu khác nếu lấy tuổi thọ làm công cụ đo lường sức khỏe.
Phụ huynh Mỹ nhẹ nhõm khi trẻ dưới 11 tuổi được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 |
Bên cạnh bệnh tật, các trường hợp tử vong do tự sát và dùng ma túy quá liều tại Mỹ cũng tăng vào năm ngoái, theo chuyên gia Bryan Tysinger tại Đại học Nam California không tham gia nghiên cứu.
Vào đầu năm ngoái, Covid-19 chủ yếu gây tử vong cho người cao tuổi hơn ở những khu vực đông dân và có điểm nóng. Nhưng sau khi biến chủng Delta lây lan, bệnh dịch đã chuyển hướng sang những người chưa tiêm vắc xin, theo phân tích của Đài NBC. Dữ liệu cho thấy những nhóm trẻ hơn ở phía nam, nông thôn và da trắng giờ đây có nguy cơ cao hơn.
Các nước có tuổi thọ trung bình giảm đáng kể vào năm ngoái gồm Mỹ, Nga, Bulgaria và Lithuania. Trong khi đó, Đan Mạch, Iceland và Hàn Quốc không thay đổi đáng kể. Ngược lại, tuổi thọ trung bình lại tăng ở những nơi như New Zealand, Đài Loan và Na Uy.
Theo ông Tysinger, những nước giới hạn nghiêm ngặt, niềm tin vào chính phủ cao hơn và có kinh nghiệm đối phó dịch bệnh đã duy trì tuổi thọ trung bình tốt hơn.
Bình luận (0)