Mới đây, Trang Dong, một người Mỹ gốc Việt 21 tuổi, đã chia sẻ video trên ứng dụng TikTok. Trong clip, Dong và em họ của cô đang cố húp hết nước dùng còn sót lại trong tô phở. Họ pha trò bằng cách dùng đũa để cầm muỗng, theo trang The Verge.
Kể từ đó, video của Dong hứng chịu hàng loạt bình luận phân biệt chủng tộc. “Con dơi ở đâu trong món súp vậy?”, một người dùng TikTok bình luận.
“Đây rõ ràng là thời đại vi rút Corona”, một người khác bình luận, đề cập đến vi rút nCoV, bùng phát từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) cuối năm 2019 và đến nay lây nhiễm cho hơn 24.000 người, làm chết 490 người ở Trung Quốc đại lục.
“Ngay từ thời điểm truyền thông đưa tin nCoV lan sang Mỹ, những bình luận phân biệt chủng tộc bắt đầu nổi lên. Tôi không hiểu vì sao họ có thể kỳ thị và đùa giỡn về vấn đề khá nghiêm trọng như thế này”, Dong nói với The Verge.
Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 30.1 tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do dịch viêm phổi Vũ Hán lan sang 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, tình trạng kỳ thị người gốc Á gia tăng không chỉ ở Mỹ mà còn tại nhiều nơi trên thế giới.
Trang 9gag, chia sẻ ảnh động GIF, còn có mẫu ảnh động cho thấy người đàn ông là vi rút Corona lè lưỡi nhìn chằm chằm vào người phụ nữ ăn món súp dơi. Ảnh động này xuất phát từ đoạn video người phụ nữ Trung Quốc ăn món súp với nguyên con dơi nằm trong tô.
|
Các chuyên gia bày tỏ sự hoài nghi về khả năng nCoV xuất phát từ dơi hoặc rắn tại chợ Hoa Nam (Vũ Hán), nhưng cư dân mạng ngay lập tức lan truyền thông tin cho rằng món súp dơi là nguồn gốc gây ra dịch bệnh.
“Dân gốc Á ăn dơi, chuột và gọi đó là đặc sản Trung Quốc, nên cũng không có gì ngạc nhiên khi vi rút chết người xuất hiện”, theo một bình luận trên Twitter.
Kyra Nguyen, một người Mỹ gốc Việt 20 tuổi ở thành phố Los Angeles (Mỹ), cho biết nhiều người bắt nạt cô trên mạng và thậm chí gợi ý bắn hạ những chiếc máy bay từ Trung Quốc đến Mỹ ngay trước khi nó hạ cánh (?).
Nhiều người dùng Twitter và Facebook đổ lỗi cho người Trung Quốc, hoặc thậm chí bất kỳ ai trông giống người gốc Hoa trong cộng đồng gốc Á, đã tạo ra và phát tán vi rút. Nếu nạn nhân phản ứng, một số người dùng mạng xã hội sẽ bảo vệ những bình luận phân biệt chủng tộc của họ rằng đó chỉ là lời nói đùa.
Dong, hiện là sinh viên tại Đại học California, cho biết những từ ngữ và hình ảnh phân biệt chủng tộc làm tổn hại đến hình ảnh cộng đồng người gốc Việt ở Mỹ.
“Nhiều người mang nặng tư tưởng phân biệt chủng tộc vẫn thường nói hãy tránh xa những người bạn châu Á. Là một người Mỹ gốc Á, tôi có cảm giác mình là người nước ngoài vĩnh viễn ở đất nước tôi sinh ra”, cô Dong chia sẻ.
Bình luận (0)