Cứ đào đất là thấy mộ
Chúng tôi đi dọc đê sông Nhuệ khoảng 30 km về phía nam Hà Nội tới xã Chuyên Mỹ, đây là làng nghề khảm trai có tiếng và đã trở thành điểm du lịch làng nghề của Hà Nội. Làng quê sung túc, đường làng sạch sẽ, khang trang nhưng không mấy ai biết được Chuyên Mỹ từng là nơi có số người chết đói lớn trong nạn đói năm 1945.
Tìm gặp ông Vũ Văn Thanh, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Thượng, ông cho biết: Nạn đói năm 1945 làm chết rất nhiều người ở Chuyên Mỹ, thậm chí có nhiều người đói ở quanh vùng họ đến đây, rồi nằm lại vĩnh viễn nên có rất nhiều ngôi mộ vô danh. Thời gian trước, những lúc thôn đào đất làm các công trình lớn như bể bơi, nhà văn hóa, sân vận động thì thường phát hiện chiếu bó, trong đó là hài cốt, trông rất xót xa. Trong kháng chiến chống Pháp cũng vậy, nơi đây gồm làng Chuôn - Tre - Đồng Vàng là nơi tiếp tế cho vùng giải phóng Khu Cháy, địch đàn áp dã man, nhiều người chết bờ bụi, nằm đâu chôn đó, lâu dần không còn biết nổi danh tính.
Gần đây nhất, thôn Thượng đào đất để làm bể bơi cho thiếu nhi, thì phát hiện mấy bộ hài cốt bó chiếu. Có bộ bó chiếu may mắn còn nguyên, có bộ chỉ còn một chút, tuy nhiên đều được mang đi an táng tại khu mộ đồng danh.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu mộ đồng danh thánh địa nằm trong nghĩa trang thôn Thượng, ông Vũ Văn Thanh cho biết, đây là nơi an nghỉ của hơn 300 người vô danh đã nằm lại thôn Thượng và khu vực phụ cận. Người khởi xướng quy tập những ngôi mộ vô danh này về đây là anh Phạm Xuân Cử - một người con của quê hương thôn Thượng - Chuyên Mỹ. Do làm ăn xa (trong TP.HCM) nên anh Cử không thường xuyên có nhà. Tuy vậy, anh luôn nhờ người trong họ hương khói các ngôi mộ này, nhận làm giỗ cho họ (tính ngày phát hiện và cất bốc mộ). Lần nào về thăm quê, anh Cử đều ra đây quét dọn, thắp hương, chăm sóc phần mộ họ như chính phần mộ tổ tiên mình.
|
Tiếp tục làm điều nhân, việc nghĩa
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, anh Phạm Xuân Cử chia sẻ, nhìn các ngôi mộ vô danh nằm hiu hắt, lạnh lẽo khắp nơi trong làng mà thấy rất xót xa. Họ cũng như ông bà, cha mẹ của anh, sống cả cuộc đời khổ cực, đến lúc qua đời không có được một nấm mộ yên nghỉ, nên anh tâm niệm phải tìm và quy tập được các phần mộ vô danh về nghĩa trang để tiện nhang khói.
Mời bạn đọc gửi bài tham gia cuộc thi viết Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức
|
Do không thường xuyên ở nhà, nhiều khi anh phải nhờ người thân hoặc thuê người cất bốc khi quê nhà phát hiện hài cốt vô danh, còn khi nào về quê, anh trực tiếp làm chẳng nề hà chuyện gì. Số lượng ngôi mộ vô danh tăng lên nhanh chóng khi anh quy tập thêm ở ngoài đồng, xung quanh nghĩa trang thôn, ven sông Nhuệ. Thấy cần phải có quỹ đất, anh Cử đã đề xuất với cấp ủy, chính quyền thôn Thượng dành 500 m2 đất trong nghĩa trang thôn để làm nơi yên nghỉ cho những ngôi mộ vô danh và đặt tên chung là “Đồng danh thánh địa”.
Bền bỉ hơn 5 năm tìm và quy tập, đến nay khu mộ đồng danh đã có hơn 300 ngôi mộ, được xây cất gọn gàng, lề lối, có bát hương riêng và một bàn thờ chung.
Biết chỉ sức mình khó có thể đủ, trong quá trình quy tập, anh Cử đã đi vận động quỹ từ các nhà hảo tâm, nhân dân địa phương để xây dựng khu mộ đồng danh. Tổng kinh phí bỏ ra để cất bốc, quy tập, xây, làm giỗ... lên đến hơn 1 tỉ đồng; trong đó, anh Cử đóng góp phần lớn.
Việc làm của anh Cử không chỉ có ý nghĩa về mặt nhân sinh, nhân văn mà còn vô hình trung giúp thôn Thượng hoàn thành tiêu chí thứ 17 trong xây dựng Nông thôn mới.
Anh Vũ Văn Đình, Bí thư Chi bộ thôn Thượng, chia sẻ: Anh Cử trung bình một tháng về quê một lần và đều dành thời gian hương khói cho khu mộ đồng danh. Khu mộ nói riêng và nghĩa trang thôn Thượng nói chung khang trang, sạch đẹp là có công rất lớn của anh Cử.
Nói về dự định sắp tới, anh Cử cho biết sẽ dành một khoản tiền tiết kiệm lâu dài để tu bổ, chỉnh trang và quy tập tiếp các ngôi mộ vô danh về đây. Đồng thời, duy trì việc giỗ, dâng lễ các ngày tết, để những người nơi chín suối được đầy đủ và yên giấc ngàn thu.
Ông Vũ Văn Thanh xúc động nói: Anh Cử là một tấm gương giỏi trong làm ăn kinh tế, tuy ở nơi xa nhưng lòng luôn hướng về quê hương. Cho dù bận bịu công việc và chăm sóc mẹ già, anh Cử vẫn dành một quỹ thời gian riêng cho khu mộ đồng danh. Anh Cử và mọi người dân thôn Thượng đều không biết danh tính các ngôi mộ, nhiều người phương xa nằm lại đây, nhưng anh vẫn tận tâm, thành kính thắp nén tâm nhang từng phần mộ.
|
Bình luận (0)