Người nay làm việc xưa: Công phu phục chế pháp lam

25/11/2023 07:29 GMT+7

Sau khi điện Thái Hòa hạ giải, có 295 ô hộc thơ văn chữ Hán và tranh trang trí theo hình thức nhất thi, nhất họa (một ô thơ chữ Hán và một ô tranh) được phân loại để phục hồi, tu bổ. Công việc phục hồi nghệ thuật pháp lam trên tranh họa này quả thực rất kỳ công.

NGHỆ THUẬT PHÁP LAM LÀ GÌ ?

Pháp lam là một loại hình nghệ thuật trang trí có xuất xứ từ châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản nhằm tạo ra những bức tranh, đồ trang trí có màu sắc bền vững với thời gian. Sản phẩm làm bằng đồng hoặc hợp kim đồng, trên bề mặt được tráng men trang trí tranh vẽ, trang trí sau đó được nung nóng ở một nhiệt độ nhất định để bảo vệ cho màu sắc của đồ vật được lâu bền.

Người nay làm việc xưa: Công phu phục chế pháp lam - Ảnh 1.

Những ô hộc trang trí pháp lam sau khi phục chế đã được lắp lên công trình trùng tu điện Thái Hòa

Bùi Ngọc Long

Cố họa sĩ Phạm Đăng Trí từng lý giải, "pháp lam" bắt nguồn từ chữ "pha lang" do người Trung Hoa dùng để chỉ một loại đồ tráng men mà các nhà truyền giáo Tây phương trước kia hướng dẫn cho họ sản xuất rồi du nhập kỹ thuật sang VN. Chữ "pha lang" (France) sau khi du nhập vào VN được đọc trại thành "pháp lam" để tránh phạm húy đối với chúa Nguyễn Phúc Lan.

Thời nhà Nguyễn, pháp lam được dùng phổ biến dưới triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, sau đó sa sút dần. Hiện tại ở Huế, kỹ sư Đỗ Hữu Triết đã nghiên cứu và phục hồi thành công kỹ thuật pháp lam. Ông đang có công ty chuyên sản xuất pháp lam cho trang trí nội ngoại thất, trang sức để bán ra thị trường.

Kiểm đếm tại điện Thái Hòa, có tổng cộng 295 ô hộc thơ văn chữ Hán và tranh trang trí bằng cả tranh pháp lam và sơn son thếp vàng trên gỗ. Riêng nghệ thuật pháp lam có tổng cộng 125 ô hộc, trong đó 7 ô bị mất hoàn toàn, còn lại 118 tấm còn nhưng phần nhiều bị hư hỏng, bong tróc, biến dạng do thời gian và chiến tranh.

CÔNG PHU VÀ TỈ MỈ

Ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty CP tu bổ di tích Huế (đơn vị thi công), cho biết đối với công việc phục hồi các bức tranh pháp lam, công ty đã tiếp thu công nghệ phục hồi tranh của chuyên gia Andrea Teufel (CHLB Đức), người từng có 20 năm nghiên cứu bảo tồn tại các di tích cố đô Huế. Từ đó, đưa ra quy trình tu bổ và được hội đồng của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đồng ý.

Người nay làm việc xưa: Công phu phục chế pháp lam - Ảnh 2.

Công nhân vệ sinh các bảng chữ Hán trên điện Thái Hòa để phục chế

Bùi Ngọc Long

Trước khi hạ giải, đơn vị thi công đã số hóa vị trí, thứ tự các tấm hoa văn họa tiết trang trí bằng pháp lam. Các tấm pháp lam được bảo quản, đánh giá và phân loại mức độ hư hỏng để đưa ra giải pháp tu bổ phục hồi. Những vị trí ô hộc pháp lam bị mất hoàn toàn (7 ô) sẽ được phục hồi mới theo các chủ đề trang trí đúng với hồ sơ thiết kế đã duyệt và ảnh tư liệu. Những tấm pháp lam còn nguyên vẹn sẽ được vệ sinh, sơn bảo quản mặt sau bằng sơn PolyUrethane. Những tấm pháp lam bị bong tróc men, mất một số chi tiết hoa văn trang trí, một phần chữ Hán, sẽ được phục hồi.

Phục hồi pháp lam được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt, bắt buộc phải là thợ lành nghề và hiểu biết về sơn. Với các hoa văn đã mất, buộc phải nhờ đến nghệ nhân truyền thống chuyên vẽ các mảng trang trí trên công trình di tích.

Đầu tiên, các công nhân vệ sinh bề mặt của các tấm pháp lam. Các tấm bị bong tróc, cong vênh, bị thủng và gãy thì trước tiên dùng kìm, búa gỗ, búa cao su để nắn và gõ cho phẳng rồi dùng bàn chải, giấy nhám đánh sạch và dùng dao cạo chuyên dụng để bóc tách, tẩy những chỗ bị rỉ sét. Những mảng pháp lam hiện còn thì vệ sinh và tẩy rửa phần vôi hóa để làm sạch bề mặt. Đối với những tấm pháp lam bị rách, thủng sẽ dùng đồng tấm (như vật liệu gốc) để nối, vá.

Sau đó, thợ dùng dung môi lau sạch bề mặt để vệ sinh phần bong tróc, dùng các tấm đồng nối gắn vào chỗ gãy và lỗ thủng bằng keo, chất làm cứng của sơn. Tiếp theo, dùng sơn lót quét lên, dùng sơn màu PolyUrethane phủ làm nền và dùng giấy can để vẽ lại những hoa văn, thơ văn trang trí... Tất cả công việc phục hồi này đều được căn cứ vào hình ảnh 3D đã chụp trước đó và dựa vào ảnh tư liệu từ hồ sơ khoa học (đã trình UNESCO công nhận di sản tư liệu) và những mảng pháp lam tương tự để phục chế. "Công việc khó nhất của các nghệ nhân là việc pha màu sơn phải tương đồng với màu nền và màu trang trí với màu hiện còn. Nghệ nhân dùng bút để vẽ phục hồi nền và hoa văn của những mảng đã mất, dùng sơn quét vào mặt sau để bảo quản tấm pháp lam trước khi lắp dựng lên công trình trở lại", ông Hồ Hữu Hành nói.

Ông Hành lý giải việc không thể phục chế các bức pháp lam bằng công nghệ pháp lam như nguyên gốc là do kỹ thuật pháp lam gốc đã không còn. Trong khi đó, một số đơn vị đã nghiên cứu phục chế pháp lam đều phải dùng công nghệ nung nhiệt, nên nếu đưa các bức pháp lam hiện còn này vào lò thì không ai đảm bảo các hoa văn, họa tiết trên đó không bị nóng chảy, biến dạng.

"Chúng tôi phục hồi, bảo quản các mảng pháp lam đã mất bằng loại sơn PolyUrethane 2 thành phần là do đây là loại sơn bền màu, bền trong môi trường nhiệt đới và chịu được môi trường axit và bazơ. Quá trình thực hiện đều được đo vẽ và ghi nhận bằng hình ảnh để lưu giữ lại phần nào là nguyên gốc, phần nào là phục hồi để phục vụ cho công tác thanh quyết toán, hoàn công sau này", ông Hồ Hữu Hành cho biết. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.