Năm 2001, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, chàng trai trẻ Từ Vũ Tuấn Anh đầu quân về Công ty Gạch men Thanh Thanh - công ty gạch hàng đầu Việt Nam lúc bấy giờ - với nhiệm vụ giám sát việc thi công xây dựng, sửa chữa nhà xưởng. Dù công việc chuyên môn không liên quan nhưng tiếp xúc thường xuyên với những viên gạch ốp lát đã khơi dậy sự tò mò của Từ Vũ Tuấn Anh. Nhận ra niềm đam mê của nhân viên mới, người sếp trực tiếp khuyến khích anh học việc tại phòng kỹ thuật sản xuất của nhà máy.
"Lần đầu tiên tiếp xúc với vật liệu sản xuất, kỹ thuật phối trộn, kỹ thuật nung để cho ra viên gạch thành phẩm, tôi rất thích thú nên chịu khó mày mò học hỏi. Thấy tôi có chút vốn liếng ngoại ngữ, sếp ưu ái cho mượn nhiều tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh. Thú thật, đọc tài liệu bằng tiếng Anh về một chuyên ngành mới là việc cực kỳ áp lực. Tôi gần như dùng hết quỹ thời gian trong ngày vào việc này và thường xuyên xung phong ở lại trực kỹ thuật qua đêm để tranh thủ thực hành trong phòng thí nghiệm của nhà máy. Buổi tối hì hục phối phối trộn trộn, tạo hình và bỏ vào lò nung mẫu, sáng ra cầm viên gạch thành phẩm mới ra lò trên tay, cái cảm giác chính mình tạo ra một vật hữu hình theo ý mình khiến tôi cảm thấy vô cùng phấn khích. Lúc đó tôi thậm chí còn tự đầu tư một lò nung mini và bày biện ở nhà một phòng thí nghiệm nhỏ để 'quậy' cho đã mỗi khi không đi trực ở công ty" - anh Tuấn Anh nhớ lại.
Cũng nhờ lợi thế tiếng Anh, chàng kỹ sư trẻ có cơ hội tiếp xúc với các nhà cung cấp nguyên vật liệu từ Ý đến làm việc tại nhà máy. Ở thời điểm đó, châu Á đang giữ vị thế áp đảo về số lượng gạch ốp lát toàn cầu nhưng về công nghệ, độ tinh xảo và sang trọng, Ý vẫn là số 1.
"Lúc đó, cả nhà máy chỉ có vài người có thể giao tiếp được với các chuyên gia nước ngoài và tôi là một trong số những người đó. Cũng nhờ gây ấn tượng mạnh với đối tác nên đến tháng 3 năm 2003, tôi được Công ty Johnson Matthey (Ý) tuyển dụng với vị trí 'technical sales', phụ trách tư vấn kỹ thuật, phát triển sản phẩm cho những nhà sản xuất gạch tại Việt Nam" - Tuấn Anh cho biết.
Đó chính bước ngoặt lớn trong đời chàng kỹ sư trẻ: Lần đầu xuất ngoại và cũng là cột mốc cho hơn một thập kỷ làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới sau đó.
Trong suốt 13 năm tiếp theo, Từ Vũ Tuấn Anh làm việc tại Johnson Matthey, Endeka Ceramics… với nhiệm vụ chính là tư vấn chuyển giao công nghệ, thiết lập (startup) nhà máy tại Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Indonesia… Đặc biệt, anh có cơ hội học chuyên sâu về sản xuất vật liệu ốp lát tại Ý trong 6 năm.
Đó là quãng thời gian chàng kỹ sư người Việt được thâm nhập sâu vào ngành sản xuất vật liệu xây dựng, ngành chủ lực trong nền kinh tế ở hầu hết các quốc gia. Bên cạnh chuyên môn, với vai trò trưởng đại diện cung cấp vật liệu và thiết bị sản xuất..., anh có cơ hội tiếp xúc với những nhà sản xuất gạch ốp lát hàng đầu thế giới ở khắp châu Âu và châu Á. Những kỹ năng vận hành nhà máy sản xuất, quản lý điều hành hoạt động kinh doanh hiện của anh cũng được tôi đúc trong thời gian này. "Nhưng giá trị hơn hết với tôi vẫn là được học hỏi tinh hoa nghề nghiệp từ người Ý ngay trên đất Ý, nơi dẫn đầu về thiết kế và công nghệ trong ngành vật liệu ốp lát, nên càng học càng làm càng mê mẩn" - anh Tuấn Anh nói.
Năm 2017, với anh Tuấn Anh là một cột mốc không thể quên trong hành trình gắn bó với ngành gạch ốp lát của mình. Đó là được gặp gỡ và làm việc với ông Franco Stefani, người sáng lập, Chủ tịch Công ty SYSTEM CERAMICS. Ông Stefani cũng là người sáng chế và nắm giữ hơn 200 phát minh về công nghệ trong ngành vật liệu ốp lát, đạt vô số giải thưởng danh giá trên thế giới, người mà anh Tuấn Anh xem là thần tượng. Công ty SYSTEM CERAMICS thành lập từ năm 1970 và từ đó đến nay luôn giữ vững vị thế dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực cung cấp thiết bị và công nghệ sản xuất gạch ốp lát.
Và tất nhiên, chàng kỹ sư trẻ người Việt không bỏ qua cơ hội để chứng tỏ năng lực với ông trùm của ngành gạch ốp lát thế giới. Có thể thiết lập và vận hành hoàn chỉnh một nhà máy gạch, anh Tuấn Anh và các cộng sự tại Việt Nam đã chinh phục được ông Stefani và nhận được sự ủng hộ về việc sẽ hợp tác góp vốn và chuyển giao công nghệ hoàn chỉnh cho dự án đầu tư một nhà máy sản xuất tấm LAMINAM (sản phẩm vật liệu ốp lát bằng ceramics siêu mỏng kích thước siêu lớn sử dụng công nghệ System Lamina) đặt tại quê hương của mình - TP.HCM.
"Sự tiên phong, hiện đại và độc đáo chuẩn 4.0 của nhà máy sản xuất vật liệu ceramics kích thước lớn sử dụng công nghệ System Lamina là điểm đột phá ấn tượng cho ngành công nghiệp sản xuất gạch ở Việt Nam" - anh Tuấn Anh cho biết.
Dự án đã được Hội đồng khoa học quốc gia đánh giá rất cao trong các vòng bảo vệ và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư tại Khu công nghệ cao. Tuy nhiên, do Khu công nghệ cao TP.HCM tại quận 9 lúc đó không thu xếp được diện tích đủ cho việc đặt dây chuyền công nghệ của nhà máy này nên dự án không triển khai được theo thời gian đã định. Không nản chí, trong khi chờ được thu xếp bố trí diện tích cho nhà máy ở giai đoạn 2 khi Khu công nghệ cao mở rộng, năm 2019, anh Tuấn Anh quyết định thành lập Công ty TNHH STILE để "làm thị trường" cho chính những sản phẩm mà mình muốn sản xuất.
Stile (đọc là Stì-le) trong tiếng Ý nghĩa là phong cách. Đó cũng là phương châm của Từ Vũ Tuấn Anh trong định hướng phát triển công ty. Bên cạnh việc nhập khẩu và độc quyền phân phối các siêu phẩm LAMINAM từ Ý, STILE còn hợp tác với các nhà sản xuất hàng đầu thế giới mang đến thị trường Việt Nam những sản phẩm gạch ốp lát cao cấp, gạch trang trí độc đáo, xa xỉ. Mỗi sản phẩm đều được đích thân người sáng lập STILE kiểm tra và xác thực kỹ lưỡng nguồn gốc nguyên liệu đến công nghệ sản xuất, đảm bảo mỗi khách hàng có thể thụ hưởng những bề mặt tinh hoa không chỉ hợp xu hướng, công năng siêu việt mà còn thân thiện môi trường.
"Không chỉ bán gạch, chúng tôi muốn giúp người Việt tiếp cận dễ dàng các trào lưu kiến trúc - nội thất thế giới cả về thẩm mỹ lẫn công nghệ" - anh Tuấn Anh chia sẻ.
Dù tiên phong phát triển những bề mặt đột phá về kích cỡ, thiết kế và công nghệ, chuyên về sản phẩm ốp lát xa hoa và luôn khai mở những xu hướng tương lai, nhưng theo anh Tuấn Anh, "Chúng tôi có tâm nguyện cung cấp thêm những giải pháp được thiết kế riêng với giá cả phải chăng, giúp cho những xu hướng ốp lát và tinh hoa của ngành gốm sứ xây dựng toàn cầu trở nên dễ tiếp cận với người dùng tại Việt Nam".
Với chuyên môn và kinh nghiệm hàng thập kỷ từ cái nôi của ngành gạch ốp lát thế giới, STILE không "an phận" với việc tìm kiếm đưa về VN các mẫu mã mới nhất, hiện đại nhất. Anh Tuấn Anh cho biết, STILE không hoàn toàn nhập khẩu mà còn tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu riêng mang thương hiệu STILE cũng như chủ động đặt hàng sản xuất tại nhiều nhà máy khác nhau để tăng sự lựa chọn cho khách hàng. Chính vì vậy, cùng một bộ sưu tập, một mẫu gạch ốp lát, STILE có thể cung cấp nhiều kích thước từ nhỏ (600 x 600mm) cho đến lớn và siêu lớn (1.620 x 3.240mm), đa dạng loại bề mặt và xuất xứ, giá thành linh hoạt, phối hợp được với nhau trong nhiều không gian thiết kế…
Sản phẩm của STILE không chỉ đáp ứng yêu cầu về thẩm mỹ và công năng mà còn cung cấp giải pháp tối ưu về ngân sách đầu tư cho người dùng. "Đây là ưu thế vượt trội của chúng tôi mà không phải nhà kinh doanh thương mại nào cũng làm được" - anh Tuấn Anh tự hào.
Khá kiệm lời khi nói về mình nhưng nhìn lại cả chặng đường hơn 2 thập kỷ gắn bó với những viên gạch ốp lát, anh Tuấn Anh chia sẻ "cho đến giờ phút này, tôi hoàn toàn hạnh phúc và hài lòng với mối lương duyên được se cùng những viên gạch. Tôi còn có rất nhiều tham vọng và kế hoạch cần làm với STILE".
Bình luận (0)