Người nghèo và tiền quỹ dư

18/12/2020 05:52 GMT+7

Thanh tra TP.HCM vừa có thông báo kết luận về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế và đấu thầu thuốc chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM.

Trong đó, Thanh tra TP.HCM chỉ ra rằng kinh phí quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo TP còn thừa trong 3 năm 2015, 2016, 2017 trên 81 tỉ đồng, phải nộp về quỹ dự phòng.
Theo giải thích từ các cơ quan chức năng, số tiền dự kiến chi chăm sóc sức khỏe, mua BHYT cho người nghèo, cận nghèo dư ra là do số hộ thoát “chuẩn” nghèo trong các năm tăng lên, dẫn đến thực chi giảm. Số tiền dư này sẽ “chạy” về quỹ dự phòng để chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, cận nghèo những năm tiếp theo.
Một đất nước nói chung, một tỉnh hay thành phố nói riêng, nếu số hộ nghèo, cận nghèo giảm thì chứng tỏ đời sống của người dân đã được cải thiện, người dân đã thu nhập cao hơn “chuẩn” nghèo của từng địa phương để thoát nghèo. Với một hộ được xem thoát nghèo có thu nhập bình quân là trên 28 triệu đồng/người/năm, nhưng ở một địa phương lớn như TP.HCM thì 28 triệu đồng không có ý nghĩa lớn cho 12 tháng chi tiêu.
Một người nghèo, cận nghèo không may bị mắc bệnh vào bệnh viện, cầm trên tay chiếc thẻ BHYT miễn phí, song thực tế nhiều người có thẻ BHYT vẫn phải chi trả cho những dịch vụ kỹ thuật ngoài danh mục bảo hiểm... Một người nghèo, cận nghèo mắc bệnh, đôi khi rơi vào trạng thái còn nghèo hơn không chỉ do tiền viện phí, mà còn không thể đi làm để có thu nhập.
Không phải ngẫu nhiên mà ở các phòng công tác xã hội của các bệnh viện, số bệnh nhân cần giúp đỡ ngày càng nhiều. Nên chăng, số tiền dự toán chi cho người nghèo, cận nghèo chăm sóc sức khỏe hằng năm, nếu dư dôi thì có chính sách chăm sóc, hỗ trợ tiếp một phần cho những người này không may họ bị ốm đau. Đó cũng là một cách để người nghèo thoát nghèo bền vững.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.