Chiều 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là các vấn đề liên quan đến ma túy.
"Cấm thuốc lá điện tử, xin đừng chậm trễ nữa"
Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình tội phạm ma túy trong năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ được phát hiện nhiều hơn 17,68%, một số đường dây vận chuyển ma túy với khối lượng lớn. Tình trạng sử dụng trái phép ma túy còn diễn ra ở nhiều địa phương.
Cho ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề nghị có biện pháp hữu hiệu hơn nữa để ngăn chặn các loại ma túy mới núp bóng thuốc lá điện tử, các loại thực phẩm nước uống.
Đặc biệt, ông Trí đề nghị Quốc hội cho sửa luật Phòng chống tác hại thuốc lá hoặc ban hành nghị quyết theo hướng cấm sản xuất, nhập khẩu, mua bán, tàng trữ thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
"Việc này đã được nhiều đại biểu đề cập trong nhiều kỳ họp. Xin đừng chậm trễ nữa", ông Trí nói.
Cùng quan tâm đến tội phạm và tệ nạn ma túy, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nhận định nguồn gốc của các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự bắt nguồn từ ma túy, theo thống kê là trên 75%.
Tuy nhiên, số liệu báo cáo cho thấy tội phạm ma túy tăng 17,68%, số ma túy tổng hợp dạng tinh thể bị thu giữ tăng đặc biệt cao, lên tới 1.161,1%. Điều này phản ánh diễn biến hết sức phức tạp của tội phạm ma túy.
Chưa kể, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện, dịch vụ lưu trú vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Một số loại ma túy núp bóng dưới dạng thuốc lá điện tử, đồ uống, thực phẩm gây tác hại nhiều mặt đến người sử dụng, nhất là thanh, thiếu niên và ma túy cũng đã len lỏi vào trường học...
Một người nghiện sẽ làm khổ cả gia đình và cộng đồng
Nhấn mạnh về tác hại của ma túy, đại biểu Nguyễn Hữu Thông dẫn chứng thực tế cho thấy, một người nghiện ma túy sẽ làm khổ cả một gia đình và một cộng đồng dân cư. Trong khi đó, vấn đề cai nghiện ma túy hiện nay còn nhiều bất cập, nhất là quy trình, cách thức đưa người đi cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện, cai nghiện tại cộng đồng và phác đồ điều trị cai nghiện.
"Một thực tế là tỷ lệ người tái nghiện cũng rất cao, theo thống kê lên đến 90 - 95%. Nguyên nhân xuất phát từ đâu? Tôi đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cũng đánh giá và đề ra những giải pháp căn cơ để giải quyết tội phạm trên", ông Thông nói.
ĐBQH: 'Người nghiện ma túy cởi trần, mài dao trước cửa khiến cả xóm hoang mang'
Vẫn theo vị đại biểu, nhiều cử tri đề nghị Nhà nước cần xem xét, nghiên cứu và có cách thức nhìn nhận đúng hơn về người nghiện ma túy, nhất là hiện nay họ đang được coi là con bệnh.
"Hình ảnh người nghiện ma túy cai nghiện tại cộng đồng cởi trần, đem dao ra trước cửa nhà để mài làm cho cả xóm và người đi đường rất hoang mang; hay là các đối tượng ngáo đá, loạn thần không phải là cá biệt nhưng các cơ quan chức năng không có cơ sở để xử lý, xử phạt", ông Thông nhấn mạnh.
Từ những con số, hình ảnh đã nêu, vị đại biểu tỉnh Bình Thuận cho rằng cần có cách ứng xử tương xứng; tránh tình trạng tập trung vào xử lý phần ngọn, trong khi nguyên nhân phát sinh nhiều loại tội phạm thì lại chưa khắc phục được.
Bình luận (0)