Người ngoại thành đốt rơm rạ 'làm khổ' nội thành

12/06/2022 14:05 GMT+7

Những ngày gần đây, người dân Hà Nội lại có nguy cơ chịu khổ vì ô nhiễm không khí khi một số huyện ngoại thành tái diễn tình trạng đốt rơm rạ sau mùa gặt.

Người dân nói đốt rơm rạ vô hại, chuyên gia chỉ ra điểm hại

Theo khảo sát của Thanh Niên, những ngày này, nông dân các huyện ngoại thành Hà Nội như: Mê Linh, Đông Anh, Phú Xuyên, Quốc Oai, Ứng Hoà… đang bước vào vụ thu hoạch lúa.

Người dân đốt rươm rạ ngay ven đường từ ở khu vưc thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc

lê quân

Tại khu vực ven sân bay Nội Bài, khu vực trục đường Mê Linh - Phúc Yên, vào các buổi chiều, khói bốc lên mù mịt. Tại không ít thửa ruộng, người dân còn chất đống rơm to, khiến lửa không bốc lên ngày được, lại càng khói mù mịt hơn.

Theo ghi nhận, tại nhiều thửa ruộng sau thu hoạch lúa, người dân chất rơm phơi trên gốc rạ. Khi rơm héo, rạ cũng ráo chân thì người dân châm lửa đốt. Những cột khói bốc lên vào các buổi chiều khiến phương tiện lưu thông trên đường bị che khuất tầm nhìn rất nguy hiểm cho các phương tiện giao thông. Chưa kể, gió thổi khói bụi bay về khu vực nội thành càng khiến cho không khí ô nhiễm.

Bà Nguyễn Thị Tình (H.Mê Linh, Hà Nội) cho biết, nếu không đốt thì bà cũng không biết phải xử lý mớ rơm rạ sau thu hoạch lúa như thế nào. “Đốt thế này vừa có tro bón ruộng, lại vừa sạch sẽ. Khói bay lên cao thì gió đánh tan hết chứ ô nhiễm gì đâu chú”, bà Tình phân bua khi được hỏi tại sao không chọn cách xử lý khác thay vì đốt rơm.

Ông Phạm Văn Xuân (55 tuổi), cũng đang đốt rơm tại khu vực đường ra gần sân bay Nội Bài, thuộc thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc cho biết, bao năm nay, người dân vẫn đốt như vậy chứ ít ai chở rơm về nhà, mà không đốt thì cũng không biết phải xử lý thế nào. “Tự nhiên bây giờ lại bảo đốt rơm gây ô nhiễm, nếu không đốt thì chúng tôi có biết làm thế nào đâu?”, ông nói.

Nhiều người dân cho rằng đốt rơm là cách tiện nhất để xử lý phế phẩm nông nghiệp. Song theo các chuyên gia, việc đốt rơm rạ này chính là nguyên nhân khiến cho không khí ô nhiễm ngày càng nặng hơn, chưa kể còn gây lãng phí tài nguyên.

Khói rơm rạ cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí

lê quân

Trong khi đó, khu vực nội thành Hà Nội ở các quận: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa… vài ngày gần đây, vào các buổi tối, nhiều người dân bắt đầu cảm thấy không khí đặc quánh, khó thở hơn bình thường. “Mấy buổi tối gần đây ra ban công hóng gió thấy không khí ngột ngạt khó thở hơn, nhìn trời mù mịt hơn dù gần đây, Hà Nội có mưa nhiều. Khi đi đường ở ngoại thành Hà Nội thấy người dân ra đồng gặt lúa, đốt rươm rạ, tôi đoán là do khói bốc lên, gió quẩn vào nội thành”, ông Nguyễn Trọng Tuấn (54 tuổi), nhà tại một chung cư ở Q.Thanh Xuân cho biết.

Theo chuyên gia Nguyễn Thị Ánh Tuyến, Viện Khoa học và công nghệ môi trường, ĐH Bách khoa Hà Nội, vì được đốt ở nhiệt độ thấp nên khi rơm rạ cháy sẽ phát sinh hàng loạt chất ô nhiễm trong đó có bụi, CO2, kim loại như chì, thủy ngân, kẽm, asen… Bà Tuyết cho biết, khi đốt ở ngoài trời, rơm rạ cháy còn gây khói mù và ảnh hưởng đến tầm nhìn, gây cay mắt, rất nguy hiểm cho người đi xe máy.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết, trung bình một hecta lúa sẽ cho 10 đến 12 tấn rơm rạ. Lượng phế phẩm nông nghiệp khổng lồ này nếu được đốt sẽ tạo ra lượng lớn các khí CO, CO2, NO2, SO2, H2O, và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người. Việc đốt một lượng lớn rơm rạ sẽ làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện.

Nhiều biện pháp chấn chỉnh tình trạng đốt rơm rạ vô tội vạ

Trên thực tế, cơ quan quản lý tài nguyên môi trường cũng đã nhiều lần khuyến cáo, thậm chí là có biện pháp để chấn chỉnh, xử lý tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.

Sau thu hoạch, người dân phơi rươm rạ ngay trên ruộng, chờ héo hoặc khô sẽ đốt

lê quân

Theo đại diện Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT, đốt rươm rạ cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, nhất là chiều tối, ban đêm khi có sương xuống. Kết quả quan trắc chất lượng không khí tại một số tỉnh ở miền Bắc trong nhiều năm qua cũng cho thấy, cứ vào vụ gặt là giảm do ảnh hưởng từ việc đốt rơm rạ, diễn ra phổ biến trong giai đoạn thu hoạch lúa.

Nghiên cứu của Tổng cục Môi trường, chỉ ra tại các khu vực nông thôn, sau khi người nông dân gặt lúa, rơm rạ thường được bỏ lại trên đồng ruộng và sẽ được đốt vào buổi tối. Vì vậy các chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 bắt đầu tăng từ khoảng 18 giờ và đạt giá trị cực đại trong khoảng thời gian từ 21 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau. Tuỳ từng khu vực mà mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 có sự khác nhau nhưng xu hướng chung là hàm lượng bụi này tăng vào ban đêm. Ngay cả ở nội thành, hoạt động đốt rơm rạ không diễn ra nhưng lượng bụi mịn PM2.5 vẫn tăng cao vào buổi tối.

Đốt rơm rạ sau thu hoạch vừa lãng phí tài nguyên, vừa gây ô nhiễm môi trường

lê quân

Để giải quyết thực trạng trên, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết thời gian qua các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành các văn bản và thực hiện các giải pháp để chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ như Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí”.

UBND TP.Hà Nội cũng đã có Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc "tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thành phố.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cũng cho biết, chất lượng không khí suy giảm, bên cạnh những nguyên nhân chính đã được xác định do bụi, khí thải từ các hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, sản xuất công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi (nghịch nhiệt) trong giai đoạn giao mùa thì có nguyên nhân không nhỏ từ hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch của người nông dân.

Việc người dân đốt rơm rạ cũng xảy ra nhiều năm liền, lặp đi lặp lại nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để. Từ tháng 6.2021, Bộ TN-MT đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu các cơ quan hữu quan kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.