Người nhà chánh án bao chiếm đất công, rừng phòng hộ còn đòi bồi thường

04/07/2024 14:43 GMT+7

Mặc dù đã trả lại đất công, rừng phòng hộ bao chiếm của nhà nước trước đó nhưng khi UBND H.Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) lấy đất làm đường thì bà Cúc khiếu nại yêu cầu bồi thường đất mình đã bao chiếm.

Bao chiếm đất rừng phòng hộ

Năm 2019, Báo Thanh Niên có bài Người nhà chánh án bao chiếm đất công, rừng phòng hộ phản ánh bà Phan Thị Thu Cúc (ở khu dân cư số 6, H.Côn Đảo), là mẹ vợ ông Nguyễn Đăng Khoa (lúc này là Chánh án TAND H.Côn Đảo - PV) rào lưới B40 chiếm đất côngđất rừng phòng hộ trên đồi cát sau Lò Gạch và sau trụ sở cũ Ban Quản lý (BQL) Vườn quốc gia Côn Đảo (thuộc khu dân cư số 3, H.Côn Đảo) với diện tích hơn 5,3 ha.

Người nhà chánh án bao chiếm đất công, rừng phòng hộ còn đòi bồi thường- Ảnh 1.

Hàng rào B40 mà bà Cúc bao chiếm đất rừng phòng hộ bị cơ quan chức năng phát hiện

C.T.V.

Các biên bản làm việc của cơ quan chức năng nêu rõ, ông Khoa đã thuê người rào lưới B40, trồng trụ sắt bao quanh khu đất do mẹ vợ của mình là bà Cúc bao chiếm. Khi cơ quan chức năng gửi giấy mời bà Cúc đến làm việc thì bà Cúc lại ủy quyền cho ông Nguyễn Công Vinh (nhân viên TAND H.Côn Đảo) đến làm việc với đoàn kiểm tra.

Vụ việc bà Cúc bao chiếm đất công, bao chiếm rừng phòng hộ sau đó đã bị cơ quan chức năng H.Côn Đảo xử lý. Theo đó, năm 2020, ông Khoa bị kỷ luật về mặt Đảng với hình thức cảnh cáo. Sau đó, ông Khoa không được bổ nhiệm làm Chánh án TAND H.Côn Đảo nữa.

Trở lại vụ việc bà Cúc bao chiếm 5,3 ha đất công, rừng phòng hộ, cơ quan chức năng H.Côn Đảo xác định, việc rào lưới bao chiếm đất nhà nước của bà Cúc có dấu hiệu vi phạm những điều đảng viên không được làm nên Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm.

Khi bị kiểm tra dấu hiệu vi phạm, bà Cúc có tờ tường trình gửi Thường trực Huyện ủy, Thường trực HĐND, Thường trực UBND H.Côn Đảo, thừa nhận khu đất bao chiếm là đất của nhà nước.

Tường trình bà Cúc nêu: "Tôi cũng chưa bao giờ yêu cầu nhà nước phải bồi thường, hỗ trợ hay tái định cư, khi nhà nước thu hồi khu rừng này. Nếu nhà nước có nhu cầu làm đường thì cứ tiến hành theo quy định pháp luật vì là đất của nhà nước, tôi chỉ quản lý và hưởng hoa lợi. Hơn ai hết, tôi và các thành viên trong gia đình tôi là những người hoàn toàn ủng hộ việc nhà nước thu hồi đất đầu tư xây dựng các công trình công cộng". Sau đó, bà Cúc đã tháo dỡ hàng rào bao chiếm.

Yêu cầu bồi thường giá trị quyền sử dụng đất đã bao chiếm ?

Mặc dù tự nguyện tháo dỡ hàng rào bao chiếm 5,3 ha đất công, rừng phòng hộ như nêu trên nhưng tháng 11.2023, bà Cúc lại có đơn khiếu nại UBND H.Côn Đảo, yêu cầu huyện này thực hiện đúng thủ tục thu hồi đất, bồi thường giá trị quyền sử dụng gần hơn 1,4 ha do bà Cúc bao chiếm trong diện tích 5,3 ha đất nêu trên để làm đường trục phía bắc khu trung tâm huyện.

Người nhà chánh án bao chiếm đất công, rừng phòng hộ còn đòi bồi thường- Ảnh 2.

Khu đất bị bao chiếm, lúc còn rào lưới B40

C.T.V.

Đơn khiếu nại bà Cúc gửi UBND H.Côn Đảo và ủy quyền cho ông Nguyễn Đăng Khoa làm người đại diện. Ngày 9.1.2024, Thanh tra H.Côn Đảo đã có buổi làm việc với ông Khoa về các khiếu nại của bà Cúc. Ngày 14.6, UBND H.Côn Đảo đã tổ chức đối thoại với ông Khoa và ông Khoa không thống nhất với toàn bộ kết quả xác minh nội dung khiếu nại.

Ngày 27.6, UBND H.Côn Đảo đã có quyết định về việc giải quyết khiếu nại của bà Cúc. Theo đó, UBND H.Côn Đảo khẳng định nội dung khiếu nại của bà Cúc yêu cầu UBND huyện ban hành quyết định thu hồi đất và bồi thường cho bà Cúc về giá trị quyền sử dụng đất đối với phần diện tích hơn 1,4 ha là sai hoàn toàn.

Theo UBND H.Côn Đảo, căn cứ bản đồ địa chính, sổ mục kê qua các thời kỳ thì phần diện tích hơn 1,4 ha đất bà Cúc đang khiếu nại thể hiện là đất rừng phòng hộ do UBND H.Côn Đảo quản lý. UBND H.Côn Đảo đã đăng ký quản lý sử dụng thể hiện tại Sổ mục kê các năm 1998, 2015. Bà Cúc không có tên trong Sổ mục kê qua các thời kỳ. Ngoài ra, năm 2018, bà Cúc có hành vi rào, bao chiếm đất rừng phòng hộ, trong đó có một phần diện tích hơn 1,4 ha đất mà bà Cúc đang khiếu nại đã bị xử lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.