Người nhà trời trong bản

05/04/2012 03:02 GMT+7

Trong cộng đồng người Pa Kô, Vân Kiều sinh sống ở phía tây Quảng Trị có rất nhiều “người nhà trời” chuyên... xem bói và chữa bệnh. Cách “hành nghề” của họ khiến chúng ta luôn hoài nghi nhưng khó mà lý giải.

Trong cộng đồng người Pa Kô, Vân Kiều sinh sống ở phía tây Quảng Trị có rất nhiều “người nhà trời” chuyên... xem bói và chữa bệnh. Cách “hành nghề” của họ khiến chúng ta luôn hoài nghi nhưng khó mà lý giải.


“Bác sĩ” Kăn Bun đang đắp lá thuốc cho em Hồ Văn Phương - Ảnh do ông Caray Sức, cán bộ văn hóa xã Tà Rụt cung cấp

Việc xem bói và chữa bệnh rất phổ biến ở vùng cao, những người thực hiện công việc này luôn được dân bản tôn trọng, thậm chí họ còn được coi là “người nhà trời”. Ở chốn thâm sâu cùng cốc, không phải cách xem bói, chữa bệnh nào cũng đáng tin và cũng không phải cách nào cũng vớ vẩn. Nơi đây, sự thật và huyền thoại đan xen nhau, sự mê tín và niềm tin không thể tách rời... Tôi cũng đã từng tuyệt đối không tin nhưng khi đã tận mắt chứng kiến thì quả nhiên lòng tin ấy đã bị lung lay đi nhiều. Có một điều gì đó rất khó để giải thích...  

1.001 cách bói, cúng

Ở miền núi, có hàng ngàn lý do để xem bói, cúng quảy nên cũng có chừng đó cách để các “thầy” trổ tài nghệ. Người vùng cao xem bói và đi cúng như việc... ăn cơm, rất gần gũi và thường xuyên. Bất cứ sự việc gì xảy ra, bất kể tốt hay xấu, vui hay buồn, đồng bào đều có “lễ bạc, lòng thành” để xin ý kiến của các vị thần linh ứng với phần việc mà họ cai quản. Đám cưới, ma chay, đau ốm, mở hội, gia súc gia cầm chết, kết bạn... tất tật đều có phần việc dành cho thầy bói và thầy cúng.

Cách bói của các “thầy” cũng thú vị và phong phú vô cùng, thường dùng những vật thân quen có thật trong nhà gia chủ, dựa vào những điểm khác biệt của chúng rồi... phán. Có thể kể ra như: bói gạo, bói lưỡi gà, bói bằng mảnh nứa... Nhưng dẫu bói bằng gì thì lời phán của thầy bói cũng là điều tối thượng.

Riêng việc bói gạo, bà Giả Hiếu (82 tuổi, thôn Ro Ró 2, xã A Vao, H.Đakrông) khá nổi tiếng. Hôm ấy, chị Kăn Thu (trú tận H.A Lưới, Thừa Thiên- Huế) sang nhờ Giả Hiếu xem vì sao mình bị đau ốm chữa mãi không khỏi. Trước khi đi xem bói, chị Kăn Thu phải chuẩn bị một nắm gạo rồi trình với tổ tiên báo việc đi xem bói, cầu mong tổ tiên linh ứng. Bà Giả Hiếu chọn 6 hạt gạo mẩy, tròn, xếp hàng ngang vào giữa lòng bàn tay rồi lật đi lật lại. Khi nhìn hạt gạo, bà nói chị Kăn Thu lúc sinh ra gia đình chưa làm lễ cho thần bổn mạng (Giàng Kơt), nên hay bị đau ốm. Giả Hiếu dặn Kăn Thu về chuẩn bị 1 chuỗi hạt mã não, 2 con gà, 1 con lợn nhỏ rồi mang đến gia đình bố mẹ đẻ của mình, tìm gặp người chủ gia đình để làm lễ cho thần bổn mạng mới mong khỏi đau ốm...

Còn bói bằng lưỡi gà thường dùng trong các trường hợp người Pa Kô muốn biết mối quan hệ với một người lần đầu gặp mặt hoặc người ngoài dân tộc mình có được bền chặt hay không. “Con gà được cúng thần linh và tước lưỡi. Khi nhánh bên phải của lưỡi gà (tượng trưng cho bản thân) và nhánh bên trái (tượng trưng cho khách, bạn) đều nhau, hướng đầu nhọn vào nhau thì đây sẽ là một quan hệ tốt đẹp. Còn ngược lại thì là một mối quan hệ xấu, thường có kết cục tai hại... ”- ông Vỗ Hương (trú thôn Tà Lao, xã Tà Long), một người chuyên đi xem lưỡi gà giải thích sơ qua.

Lúc tôi lên thôn Vực Leng (xã Tà Rụt) thì nhà chị Giả Dịu đang cúng đuổi ma, thầy bói nói con ma này làm hại gia súc nhà chị chết sạch. Lễ vật cúng gồm có xôi, thuốc lá, chén nước lã và cái hàm lợn, được tổ chức ngoài sân (không được cúng ma trong nhà - PV). Một người già trong thôn khi đứng ra cúng nói: “Ma ăn hàm lợn này, ma hút thuốc lá, ma ăn xôi, ma uống nước đừng ăn bả vai, ăn mông, ăn gan người trong gia đình tôi, ăn gia súc trong nhà tôi. Nếu còn tiếp tục hại gia đình nhà chúng tôi thì tôi sẽ lấy con rựa chém ma”. Lúc đó có người hô: ma đã chạy chưa? Có một người khác đáp lại: ma đã chạy rồi! Khi cúng xong thì vứt hết cả hàm lợn, xôi, thuốc và đổ nước đi (một số người lại đem đi chôn những lễ vật ở một nơi không có người, coi như đó là nơi ở mới cho ma sau khi ra khỏi nhà).

Ngoài ra, người vùng cao cũng thờ rất nhiều vị thần linh, mỗi vị thần đều có địa hạt để cai quản như Giàng Cợt (thần bổn mạng), Giàng Đắk (thần sông), Cumo Ba (thần bà)... Vì sợ ma quỷ phá hoại nên đôi khi họ cũng cúng xua đuổi Pina Đung (ma nhà), Pina Arui (ma rừng)... Tất nhiên, với từng vị thần, với từng “con ma” đều có nghi thức, lễ vật khác nhau để cúng bái. 

“Bác sĩ” vùng cao

Khác với ở miền xuôi, các “bác sĩ” vùng cao thường là nữ. Họ thường không được học hành về đông, tây y nhưng lại có được kho kinh nghiệm chữa bệnh từ nhiều đời truyền lại. Dân tộc Pa Kô gọi những người biết chữa bệnh là “Mâm măn” và tin rằng những người này thường được truyền nghề qua giấc mơ hoặc do những “Mâm măn” đời trước truyền lại cho đứa con, cháu mà người đó tin tưởng nhất.

“Thuốc” của các “Mâm măn” không có gì nhiều ngoài lá cây, rượu và hơi thở của chính mình... Đối với nhiều loại bệnh trong nội tạng, những bệnh nan y thì cách chữa của họ đầy màu sắc dị đoan và không mấy hiệu quả nhưng đối với những bệnh ngoại thương, đặc biệt là gãy chân, gãy tay, trật khớp... thì lại có hiệu suất thành công đến lạ lùng.

Riêng tại xã Tà Rụt (H.Đakrông) nhẩm tính chưa đầy đủ cũng đã có 4 nữ “thần y” tay ngang nhưng lại được dân bản rất kính trọng. Ví như bà Kăn Bun (55 tuổi, thôn Vực Leng), Hồ Thị Phào (43 tuổi, thôn Tà Rụt 1), Kăn Phao (67 tuổi, thôn Tà Rụt 1), Kăn Kin (50 tuổi, thôn A Đăng). Cách chữa bệnh của họ na ná nhau mà bà con trên này hay gọi là “thổi”.

Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi ghé nhà bà Kăn Bun. Trong gian nhà sàn rách nát, tối tăm, bà Kăn Bun đang “thổi” cho em Hồ Văn Phương (14 tuổi, thôn A Liêng). “Nó bị tai nạn xe máy, đã đưa đi bệnh viện bó bột nhưng khi về nhà vẫn đau nên tôi phải đem tới bà Kăn Bun, người thổi giỏi nhất vùng để cậy nhờ cả tuần nay... ” - bố của Phương lo lắng nói.

Bà Kăn Bun sau khi xổ một tràng thổ ngữ để xin phép thần linh trong nhà liền lấy A tuôn (lá thuốc) cho vào nồi nước sôi. Đoạn bà vớt lá ra đắp lên vết thương của Phương rồi kề miệng vào thổi, chốc chốc lại lẩm bẩm niệm... thần chú. Dù rất ngạc nhiên và suýt sặc cười vì những hành động rất cổ quái, nhưng tôi cũng kịp trấn an vì anh cán bộ văn hóa xã đi cùng ghé tai nói nhỏ: “Thấy vậy thôi nhưng hiệu quả lắm, với những ca như thế này bà Kăn Bun đều chữa khỏi, thế mới hay chứ... ”.

Cố công đi tìm, cuối cùng tôi cũng gặp được một “bác sĩ” đàn ông hiếm hoi trên vùng rừng núi này, đó là Vỗ May (70 tuổi, thôn Ty Nê, xã A Bung). Vỗ May bị cụt một tay nhưng đã hành nghề hơn 40 năm ròng rã. Ông nổi tiếng với cách chữa bằng lá A tuôn, rượu, đặc biệt là ngón nghề xoa bóp nắn gân rất hiệu nghiệm. Đến nay ông đã chữa bệnh cho rất nhiều người, không những là người trong thôn, xã mà người bệnh từ nhiều vùng lân cận nghe tiếng cũng tìm tới. “Bệnh nào mình chữa được thì mình nhận, bệnh nào mình không chữa được thì không nhận và khuyên họ đến trạm xá, bệnh viện. Vì nếu lỡ hại chết người ta thì con ma bệnh đó sẽ ở lại trong nhà mình suốt đời... ” - Vỗ May nói, tỏ vẻ rất am hiểu.

Cho đến tận bây giờ vẫn chưa có ai, cũng như công trình nghiên cứu nào lý giải được sự bí ẩn trong việc xem bói, chữa bệnh của đồng bào vùng cao miền tây Quảng Trị. Trong đời sống của họ vẫn luôn tồn tại những điều tưởng như phi lý  nhưng lại... có lý. Một màn sương huyền ảo vẫn phủ mờ lên đó, ngay đến chính tôi cũng bị mê hoặc. 

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.