Ngày 1.10, UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, Lữ đoàn 126, Quân chủng Hải Quân đã cử 42 người, bao gồm cán bộ chỉ huy, đặc công "người nhái", cùng nhiều phương tiện chuyên dụng như xuồng cao su, máy lặn đồng hồ, máy nén khí… để lặn tìm kiếm người mất tích sau sự cố sập cầu Phong Châu.
Sự cố sập cầu Phong Châu xảy ra hôm 9.9. Thời điểm này, 10 phương tiện đang di chuyển trên cầu, 8 người mất tích. Đến nay, lực lượng chức năng đã tìm thấy 4 thi thể trong vụ sập cầu, còn 4 người mất tích.
Lũ sông Hồng dâng cao, tạm thời cắt cầu phao Phong Châu
Trong nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân, 30 "người nhái" tinh nhuệ đã tiến hành lặn, rà soát tổng quan từ chân cầu Phong Châu, bán kính rộng 10 km, các khu vực nước xoáy, luồng chảy; rà soát khu vực cầu sập; đồng thời tìm kiếm theo địa chỉ thông tin do người dân cung cấp.
Lực lượng cũng huy động phương tiện tìm kiếm, phá dỡ chuyên dụng của Bộ Quốc phòng. Trên cơ sở hoạt động dò tìm, lực lượng sẽ xây dựng kế hoạch, phương án trục vớt cụ thể, giúp tìm kiếm nạn nhân mất tích. Hằng ngày có thông tin công khai về tiến độ triển khai tìm kiếm, trục vớt.
Đại úy Phạm Duy Viên, Lữ đoàn 126, cho biết kết quả khảo sát, tiếp cận hiện trường cho thấy điều kiện hoạt động tại đây rất phức tạp do mức độ dòng chảy rất lớn, lòng sông khó quan sát.
Thông tin thêm về công tác tìm kiếm nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu, trong sáng 1.10, đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã điện thoại cho trung tá Phạm Ngọc Tuấn Anh, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 126, để chỉ đạo, kiểm tra, nắm tình hình và động viên bộ đội nỗ lực, quyết tâm cao trong công tác tìm kiếm nạn nhân và yêu cầu phải đảm bảo an toàn về mọi mặt.
Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 đã lựa chọn những thợ lặn có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm cứu nạn ở môi trường sông, biển tham gia đợt tìm kiếm này. Trước khi thợ lặn thực hiện nhiệm vụ, quân y của đơn vị đã kiểm tra sức khỏe từng người để bảo đảm đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ.
Để không bỏ sót mục tiêu tìm kiếm, các thợ lặn thả phao tiêu, đánh dấu vị trí lặn theo lưới ô vuông. Các điểm đánh dấu cách nhau khoảng 100 m. Hệ thống thông tin liên lạc được duy trì thông suốt từ chỉ huy trên bờ với chỉ huy dưới xuồng và thợ lặn dưới nước.
Hiện tại, nước sông Hồng ở khu vực tìm kiếm chảy rất xiết, tầm nhìn dưới nước rất hạn chế do lượng phù sa lớn. Thợ lặn phải vận dụng tổng hợp các kỹ thuật chuyên môn kết hợp với xác định bằng tay trong quá trình tìm kiếm.
Sau khi cầu phao được dựng thay thế cho cầu Phong Châu bị sập, người dân cùng phương tiện giao thông chính thức được lưu thông.
Thượng tá Nguyễn Xuân Trung, Phó giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, đã đi kiểm tra công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực cầu phao và khu vực sập cầu Phong Châu.
Ông Trung nhấn mạnh, hiện nay, lưu lượng người và phương tiện di chuyển qua cầu phao thay thế cầu Phong Châu rất lớn, trong khi đó tuyến đường vào khu vực cầu phao nhỏ, đặc biệt là tuyến đường từ QL32 vào khu vực cầu phao thuộc địa bàn xã Hương Nộn, H.Tam Nông.
Do đó, các tổ, chốt ở các vòng, tuyến xung quanh khu vực cầu phao phải đảm bảo sự kết nối, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức phân luồng từ xa, từ sớm, linh hoạt, chặt chẽ.
Phó giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ cũng yêu cầu lực lượng làm nhiệm vụ phải hướng dẫn người dân, đảm bảo lưu thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại.
Bình luận (0)