Trong báo cáo do Bộ Y tế Nhật Bản công bố hồi tháng 2, tiến sĩ Masashi Yanagisawa, Giám đốc Viện Y học Giấc ngủ Tích hợp Quốc tế thuộc Đại học Tsukuba (Nhật Bản), nói việc chính phủ khuyến khích người dân nghỉ ngơi nhiều hơn là một khởi đầu tốt. Song điều này cần phải được tiếp nối bằng chương trình giáo dục toàn diện.
Cơn khủng hoảng thiếu ngủ
Lo ngại về thời gian ngủ của người Nhật phần nào được chú ý khi một báo cáo hồi năm 2021 do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thực hiện chỉ ra, người Nhật ngủ trung bình 7 tiếng 22 phút mỗi đêm, ít nhất trong số 33 quốc gia được nghiên cứu. Bên cạnh đó, thống kê của Bộ Y tế Nhật Bản năm 2019 đã chỉ ra 37,5% nam giới và 40,6% nữ giới nước này trung bình ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm, theo tờ South China Morning Post ngày 12.4.
Một nghiên cứu khác do Đại học Tokyo (Nhật Bản) công bố hồi tháng 3.2024, xét trên những học sinh năm cuối các cấp học, kết luận học sinh lớp 6 trung bình ngủ 7,9 tiếng mỗi đêm. Con số này giảm còn 7,1 tiếng ở học sinh lớp 9 và chỉ còn 6,5 tiếng ở lớp 12. Thời gian ngủ này đều dưới mức tối thiểu được đề xuất để đảm bảo sức khỏe tốt. Nhật Bản khuyến nghị học sinh tiểu học nên ngủ ít nhất 12 tiếng và học sinh trung học ngủ ít nhất 8 - 10 tiếng.
Tiến sĩ Yanagisawa cho rằng vấn đề cơ bản nằm ở việc giáo dục. “Nhiều người muốn một ngày có 28 tiếng để họ có thêm thời gian học tập hoặc làm việc, sau đó về nhà và có thời gian rảnh rỗi, cuối cùng mới tính đến thời gian đi ngủ”, ông nói. Vị tiến sĩ khuyên mọi người cần chừa ra 7 - 8 tiếng, sau đó phân bổ thời gian còn lại cho các hoạt động trong ngày.
"Nếu sử dụng thuật ngữ tài chính, nhiều người coi việc ngủ như 'quỹ đầu tư tùy ý' không quá quan trọng. Đó là một sai lầm lớn. Mọi người cần coi giấc ngủ như khoản vay mua nhà. Họ cần ưu tiên việc đó hàng ngày và ngủ đủ giấc", theo ông Yanagisawa.
Một số chuyên gia nhận định vấn đề đôi khi không phải mọi người không muốn ngủ, mà áp lực xã hội khiến mỗi người khó có thời gian thư giãn.
"Trong nhiều năm, người Nhật được khuyên phải học tập chăm chỉ hơn và làm việc nhiều giờ hơn… Áp lực cũng đến từ bản thân mỗi cá nhân. Người Nhật có thể tự trách mình trong một nền văn hóa nơi thái độ tích cực với công việc và siêng năng được coi là đức tính tốt. Về cơ bản, ai đó đang ngủ có thể bị coi là lười biếng”, theo ông Yanagisawa.
Vị tiến sĩ cho rằng những quan điểm như vậy đã ăn sâu vào tâm trí trẻ em lúc còn học tiểu học. Khi thiếu ngủ dường như trở thành triết lý sống, điều đó sẽ trở thành tiêu chuẩn của mỗi người cho đến cuối đời.
Từ trẻ đến già, ngủ bao nhiêu là đủ?
Tiềm ẩn nhiều bệnh tật
Ông Yanagisawa nói có mối liên hệ rõ ràng giữa thiếu ngủ và nguy cơ mắc trầm cảm, một số loại ung thư, bệnh tim mạch, tổn thương hệ miễn dịch và nhiễm trùng. Ông cho rằng hậu quả của việc không ngủ đủ giấc là sức khỏe tinh thần và thể chất bị suy giảm, cũng như hiệu suất kém hơn ở nơi làm việc hoặc trường học.
Mặc dù nhiều người hy sinh thời gian ngủ để học tập và làm việc nhiều hơn, điều trớ trêu là thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến năng lực làm việc, với việc những nhân viên mệt mỏi sẽ làm việc kém hiệu quả và dễ mắc lỗi hơn, có thể khiến công ty gặp vấn đề hoặc tổn thất tài chính, ông nói.
Các nghiên cứu khác về trẻ em cho thấy thiếu ngủ có thể dẫn đến vùng hải mã nhỏ hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn và có liên quan đến bệnh Alzheimer.
Trong nỗ lực kêu gọi người dân ngủ nhiều hơn, Bộ Y tế Nhật Bản đã đưa ra 12 “hướng dẫn về giấc ngủ”, trong đó cũng khuyến nghị nâng cao chất lượng giấc ngủ nhằm “góp phần ngăn ngừa các bệnh liên quan đến lối sống”.
"Tôi nghĩ chính phủ có lý khi lo lắng về vấn đề này và tôi cũng vậy. Theo tôi, sự thay đổi căn bản trong tư duy của người dân là hoàn toàn cần thiết. Mọi người cần dành 8 tiếng mỗi ngày cho việc ngủ coi đó như thời gian không thể thay thế”, ông Yanagisawa nhận định.
Bình luận (0)