Người nhiễm HIV đầu tiên của Việt Nam vẫn khỏe mạnh sau 30 năm

21/12/2017 16:25 GMT+7

Người nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam là một phụ nữ sống tại TP.Hồ Chí Minh, hiện đã hơn 50 tuổi. Chị vẫn khỏe mạnh nhờ tuân thủ điều trị.

Sáng nay 21.12, Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã gặp gỡ báo chí chia sẻ về tình hình nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam và tiến bộ trong điều trị.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, người đầu tiên nhiễm HIV ở Việt Nam ghi nhận vào năm 1990, là phụ nữ ở sống tại TP.Hồ Chí Minh. Chị hiện đã hơn 50 tuổi, sống khỏe mạnh và vẫn đang công tác ổn định.
“Các xét nghiệm máu của chị này cho thấy hàm lượng của vi rút rất thấp, dưới ngưỡng phát triển. Kết quả đó có được là do chị dùng thuốc đều đặn với tinh thần thoải mái, nên đã kìm được sự phát triển vi rút HIV”, ông Cảnh thông báo.
Cũng tại buổi gặp gỡ này, ông John Blandford, Giám đốc Chương trình HIV và lao của Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Việt Nam chia sẻ nghiên cứu khẳng định thuốc kháng vi rút ARV đủ sức chặn vi rút HIV lây truyền qua đường tình dục, nếu người bệnh tuân thủ điều trị. “Việc điều trị sớm và tuân thủ phác đồ điều trị sẽ giúp cho tải lượng vi rút HIV trong máu xuống dưới ngưỡng (dưới 200 bản sao/ml máu), người nhiễm không có khả năng lây truyền vi rút HIV qua đường tình dục. Người nhiễm HIV nếu đạt mức này cũng cho phép họ sinh con mà không lây truyền HIV sang con", chuyên gia này nói.
Ông Cảnh cho biết thêm, các xét nghiệm trên những người có HIV đang điều trị tại Việt Nam cho thấy, 91% đã đạt được ngưỡng an toàn như chuyên gia của CDC đề cập. "Do đó, chúng tôi rất mong mỗi người ngay khi phát hiên có nhiễm HIV, cần điều trị sớm và tuân thủ điều trị đầy đủ. Việc này giúp cho cuộc sống gần như bình thường, vì không nhất thiết phải áp dụng các biện pháp phòng lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục", ông Cảnh nói.
Ngày 9.11, tại Hà Nội, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS, diễn ra từ 10.11 - 10.12.
Ông Cảnh cũng cho biết, tại Việt Nam hiện có 209.000 người nhiễm HIV, nhưng chỉ có 123.000 người (khoảng 60%) đang điều trị thuốc kháng vi rút ARV. Khoảng 40% không điều trị có nguyên nhân chủ yếu do lo sợ bị kỳ thị. "Nhiều trường hợp sau khi có kế quả dương tính với HIV, chúng tôi liên lạc lại để khám, cấp thuốc thì không thể tìm thấy theo địa chỉ mà họ thông báo khi xét nghiệm", ông Cảnh cho hay.
Các chuyên gia cho biết, ARV là thuốc kháng vi rút có tác dụng ức chế sự phát triển của vi rút HIV. Nếu được uống thuốc sớm, liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc điều trị, người bệnh sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm nguy cơ tử vong. Điều trị ARV đúng, có thể làm giảm đến 95% khả năng lây nhiễm HIV cho người khác.
Theo chuyên gia của CDC, nghiên cứu trong các năm qua được thực hiện với hàng nghìn cặp dị nhiễm HIV (chỉ 1 trong 2 người có HIV) ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ, châu Âu, Úc, Brazil và Thái Lan, cho thấy không có trường hợp nào bị lây nhiễm HIV khi bạn tình của họ có tải lượng được ức chế liên tục (dưới 200 bản sao/ml). “Điều này có nghĩa là khi người bệnh uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng 200 bản sao/ml) sẽ thực sự không có nguy cơ làm lây truyền HIV qua đường tình dục.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng nhấn mạnh điều này chỉ đạt được khi tải lượng vi rút đạt mức ức chế và chỉ không lây truyền qua đường tình dục, chứ không phải tất cả các con đường khác.
"Tại Việt Nam, thuốc ARV cho người có HIV được cung cấp miễn phí qua hệ thống y tế cơ sở và được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Phác đồ điều trị người nhiễm HIV/AIDS đã được Bộ Y tế cập nhật thuốc mới, các thuốc này tăng hiệu quả kháng vi rút và giảm các tác dụng phụ", ông Cảnh thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.