Người nổi tiếng quảng cáo 'lố'

04/12/2022 06:58 GMT+7

Song hành sự bùng nổ của mạng xã hội và những nền tảng truyền thông xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok… thì không ít nghệ sĩ, những người có ảnh hưởng trong một số lĩnh vực nhất định đã thực hiện nhiều clip quảng cáo có nội dung quá lố, đặc biệt liên quan vấn đề sức khỏe.

Bên cạnh những nghệ sĩ nổi tiếng còn có những người có ảnh hưởng trong một số lĩnh vực như công nghệ, ẩm thực… mà tạm gọi chung là KOL (người có sức ảnh hưởng - NV) thời gian qua nổi lên như những hiện tượng và không quên tận dụng cơ hội để quảng cáo (QC). Nhiều người trong số này được gán cho danh xưng như Facebooker, YouTuber, TikToker…

Chữa dứt bệnh mạn tính, uống sữa giảm đau nhức gút cấp !

Những ngày qua, mạng xã hội (MXH) liên tục xuất hiện đoạn clip một nghệ sĩ, MC “có tiếng” QC về sản phẩm chữa dứt điểm đau xương khớp, đĩa đệm, gút... Chỉ mới năm ngoái, cũng chính MC này đã phải gửi lời xin lỗi đến khán giả vì thiếu tiết chế khi quảng cáo một sản phẩm bị nói quá về công dụng…

Nữ MC quảng bá loại sữa dùng 10 ngày… giảm đau nhức gút cấp

Chụp màn hình

Xem clip QC “chữa dứt điểm đau xương khớp, đĩa đệm, gút”, một bác sĩ chuyên khoa về cột sống, đĩa đệm (ở TP.HCM) không khỏi bức xúc: “QC quá lố, nhất là tuyên bố chữa dứt những căn bệnh mạn tính, sặc mùi lừa đảo... Cần phản ánh mạnh việc nghệ sĩ, người có ảnh hưởng QC thuốc trị bệnh, thực phẩm chức năng (TPCN) liên quan sức khỏe kiểu như thế...”.

Cũng gần đây, một nam diễn viên phim truyền hình thường xuyên livestream giới thiệu loại sữa dành cho người lớn tuổi, hỗ trợ xương khớp với tuyên bố “xanh rờn”: Loại này mà đứng thứ hai… thì không có loại nào đứng thứ nhất. Nam diễn viên này khẳng định luôn là với 2 ly sữa trên mỗi ngày, người uống… giảm đau nhức xương khớp.

Hay nữ MC đồng thời là diễn viên phim truyền hình thì tự tin “tư vấn” cả cách giảm đau xương khớp với bí quyết là… một loại sản phẩm hỗ trợ xương khớp dạng nước. Cũng nữ MC này trong một clip khác QC một loại sữa với cam kết: 10 ngày giảm đau nhức gút cấp, 20 ngày hết đau nhức sưng tấy, 40 ngày là axit uric xuống dưới 400…

Nam diễn viên giới thiệu loại sữa dành cho người lớn tuổi, hỗ trợ xương khớp mà nếu đứng thứ hai thì không có loại nào đứng thứ nhất

Thực trạng nguy hiểm

Thực trạng QC lố khiến giới chuyên môn không khỏi lo ngại. TS-BS Tăng Hà Nam Anh (Chủ tịch Hội Nội soi và thay khớp VN) cảnh báo: “Đây là thực trạng rất nguy hiểm. Ngoài nghệ sĩ, KOL, cũng có trường hợp bác sĩ nhiều khi dưới tác động của công ty cũng nói quá mức”.

Cũng theo TS-BS Tăng Hà Nam Anh, các TPCN dù được xem là có ít tác dụng phụ nhưng vẫn phải có cơ quan kiểm soát nguồn gốc và thành phần của sản phẩm. Các loại thuốc làm từ cây cỏ dưới danh nghĩa là thuốc dân tộc cũng cần các cơ quan quản lý dược kiểm định thành phần. Hiện nay không ít TPCN, các bài thuốc dân gian đã được trộn các loại thuốc tây như corticoid vào để đạt mục đích giảm đau, nhất là trong điều trị cơ xương khớp.

“Chúng tôi mỗi tháng đều tiếp những bệnh nhân bị biến chứng do tự dùng những sản phẩm bị trộn như thế gây hội chứng Cushing - với biểu hiện mặt tròn như mặt trăng, da mỏng dễ bị xuất huyết, loãng xương, teo cơ, nhất là vùng 2 chân khiến đi lại khó khăn, suy giảm chức năng tuyến thượng thận. Có bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng vì các loại thuốc bị trộn tân dược như vậy”, TS-BS Tăng Hà Nam Anh nêu.

Qua đó, ông khuyến cáo: “Bệnh tật và thuốc men liên quan sức khỏe con người, chỉ những bác sĩ, dược sĩ được nhà nước cấp chứng chỉ hành nghề mới có kiến thức để khám, điều trị và ra toa thuốc điều trị. Còn những lời có cánh của nghệ sĩ, KOL, họ không có chuyên môn y khoa, nên không thể tin tưởng, rất nguy hiểm cho sức khỏe nếu nghe theo”, TS-BS Nam Anh khuyến cáo.

Tương tự, TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung (Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ JW) cũng bức xúc về nạn QC quá lố về TPCN, sản phẩm trị bệnh, làm đẹp... trên MXH. Ông nói: “Hiện nay nạn lợi dụng MXH để QC mọi thứ mà không kiểm soát nội dung, sản phẩm là rất nguy hiểm vì phần lớn người tiêu dùng tin người nổi tiếng, chính vì thế họ rất dễ bị lợi dụng. Trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, nha khoa, da liễu cũng có rất nhiều “tay ngang”, không phải bác sĩ đứng ra làm nhưng họ cũng QC trên Facebook, TikTok... Do đó, rất nhiều nạn nhân bị sập bẫy khi tin QC trên MXH. Riêng ngành thẩm mỹ, hiện nay vấn nạn này cực kỳ báo động. Bệnh viện chúng tôi tiếp nhận rất nhiều nạn nhân bị biến chứng vì tin các cơ sở QC có cánh trên MXH”.

Facebooker D.L trong clip quảng bá máy hút bụi có thể diệt… vi rút gây Covid-19

Thượng vàng hạ cám

Không chỉ bùng nổ các QC lố về chữa bệnh, TPCN mà MXH gần đây xuất hiện ngày càng nhiều các KOL làm QC trong đủ mọi lĩnh vực, từ sản phẩm công nghệ, gia dụng… đến ẩm thực, bằng mỹ từ “trải nghiệm”, lồng ghép trong những nội dung “sáng tạo”.

Mới đây, MXH xuất hiện một clip QC máy lọc không khí mang thương hiệu A. với sự xuất hiện của Facebooker khá nổi tiếng trong giới công nghệ là D.L giới thiệu về những công nghệ tiên tiến được tích hợp trong dòng sản phẩm trên. Sau một loạt trích dẫn về sự ưu việt của công nghệ mới, máy lọc không khí A. đã được giới thiệu là có khả năng tiêu diệt cả vi rút gây Covid-19.

Trong khi đó, năm 2021, Bộ Công thương đã phát đi cảnh báo về một số dòng sản phẩm điện tử được thông tin sai sự thật về tác dụng ngăn ngừa và diệt vi rút Corona, Covid-19, SARS-Cov-2. Cảnh báo đã đề cập việc xuất hiện một số máy lọc không khí được QC có khả năng tiêu diệt vi rút gây Covid-19.

Cũng chính Facebooker D.L khi đánh giá một dòng máy lau nhà đã kết luận như “đinh đóng cột” rằng “lau bằng máy sạch hơn bằng tay”, trong khi nội dung mô tả chỉ là lau một vũng nước bẩn khá nhỏ.

Đó là chưa kể hàng loạt TikToker, Facebooker chuyên hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, ẩm thực, làm đẹp đã tạo ra khá nhiều ồn ào trong thời gian qua trên MXH. Điển hình, cách đây chưa lâu, TikTok L.C đăng đàn chỉ trích một TikToker khác chuyên nhận tiền để đánh giá quán ăn, nhà hàng và các dịch vụ một cách quá lố, sai sự thật. Rồi không ít chuyện ồn ào khác xung quanh việc KOL này “bóc mẽ”, “bóc phốt” KOL khác nhận tiền để QC “láo”.

Bổ sung quy định để xử lý

Trước tình trạng QC sai, không đúng sự thật trên MXH gây bức xúc trong dư luận xã hội, trong phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết vấn đề này khá nhức nhối, QC sai hiện nay chủ yếu xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube… với rất nhiều QC trái quy định pháp luật.

Một số thông tin sai sự thật liên quan thực phẩm chức năng, lại thuộc các bộ chuyên ngành, nên các bộ, ngành địa phương trong thẩm quyền của mình cùng rà soát, xử lý QC sai sự thật trên nền tảng xuyên biên giới. Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết sẽ thanh tra về QC của các nền tảng xuyên biên giới và hiện đã sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để làm việc này.

Liên quan quản lý tài khoản trên mạng xã hội của các KOL, Ban Tuyên giáo T.Ư cũng đã đề nghị lãnh đạo Bộ TT-TT chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý thông tin trên internet, nhất là quy định đối với những tài khoản MXH của tổ chức, cá nhân người nổi tiếng, các KOL.

Riêng về vấn đề QC của các KOL trên MXH, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) Lê Quang Tự Do cho hay Cục đang tìm hiểu về vấn đề này; đồng thời sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách quản lý thông tin trên internet, cũng như hoạt động của cá nhân người nổi tiếng, các KOL trên MXH.

Phải xử lý thật nghiêm

TS-BS Tăng Hà Nam Anh cho rằng trong tình hình nở rộ QC khám chữa bệnh, TPCN... trên MXH hiện nay, các cơ quan chức năng nên lập một đội kiểm tra thông tin. Nếu không có giấy phép, QC lố, sai thì phạt, chế tài mạnh. Cần thực hiện như Sở TT-TT TP.HCM đã xử lý các YouTuber, TikToker có những phát ngôn vi phạm pháp luật trong thời gian qua. TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung cũng cho rằng phải xử lý thật nghiêm những cá nhân, cơ sở QC quá lố, sai sự thật liên quan đến khám chữa bệnh, TPCN, phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí truy tố nếu gây nguy hại sức khỏe, tính mạng con người.

Thanh Tùng

Tăng cường kiểm soát

Bộ TT-TT mới đây cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, dự kiến ban hành vào cuối năm nay, nhằm bổ sung các quy định để quản lý chặt chẽ hơn thông tin trên mạng xã hội. Đáng chú ý, dự thảo đề xuất các kênh, tài khoản tại VN có lượng người sử dụng theo dõi, đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thông báo thông tin liên hệ với bộ. Các trang web/ứng dụng cung cấp dịch vụ nội dung có từ 100.000 lượt người truy cập thường xuyên 1 tháng phải thông báo/xác nhận thông báo hoạt động với bộ và phối hợp xử lý thông tin vi phạm theo quy trình.

Ngoài ra, Bộ TT-TT đề xuất, bổ sung quy định xử lý hình thức livestream trên mạng như: chỉ những người đích danh trên môi trường số mới được livestream; phải cung cấp thông tin thời gian, và nếu bán hàng, có thu nhập thì phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế... Mạng xã hội xuyên biên giới chỉ được cung cấp tính năng livestream và các dịch vụ phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức cho tài khoản, trang cộng đồng, các kênh nội dung tại VN đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT-TT.

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.