>> Quang Viên
Ngôi nhà đơn sơ của bà Hiền nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Hồng Bàng, P.Lê Mao, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An. Gặp tôi, bà Hiền hồ hởi nhưng rồi, bà nói luôn: “Chừ thì bác không tiếp cháu được. Mai có lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Đại đội 202 nên bác phải lo. Hẹn cháu, tối mai khi xong việc ni cái đã”. Vậy là tối hôm sau tôi mới được ngồi hỏi chuyện nữ anh hùng.
Người phụ nữ từng là Đại đội trưởng của Đại đội thanh niên xung phong (TNXP) 202 tỉnh Nghệ An, được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang năm 2007, nay đã hơn 70 tuổi. Bà có dáng người nhỏ nhắn và gầy, đôi mắt rất tinh anh, còn miệng thì luôn cười. Điều tôi bất ngờ hơn, mặc dù mang trong mình rất nhiều vết thương và từng bị chấn thương sọ não do bom mìn với tỷ lệ thương tật 51%, nhưng trong ký ức bà Thu Hiền về chiến tranh vẫn cứ rõ mồn một. “Khi Mỹ hạn chế ném bom miền Bắc tập trung đánh vào yết hầu Quảng Bình - Vĩnh Linh thì Đại đội 202 TNXP tỉnh Nghệ An được thành lập để chi viện cho tiền phương gồm 150 đồng chí tuổi đời chỉ từ 17 - 20, trong đó có 93 nữ. Đại đội rời Nghệ An hành quân bộ trên 300 km vào đến Hương Hóa, Quảng Trị nhận nhiệm vụ. Chúng tôi không hề tiếc tuổi thanh xuân. Tất cả dấn thân vào cuộc chiến hừng hực khí thế”, bà Hiền tự hào kể. Lúc đó, bà Hiền cũng là một cô gái ở tuổi đôi mươi, nhỏ nhắn, xinh đẹp, được giao chỉ huy Đại đội 202.
“Thời gian gùi hàng vào tiền tuyến, tôi cùng anh em trong đại đội phải chịu khó khăn, gian khổ và ác liệt chồng chất. Mỗi người trên vai mang ít nhất 40 kg hàng vượt qua suối sâu, vực thẳm, rừng thiêng, nước độc và thường xuyên đối phó với đạn bom trên trời, dưới đất... Mỗi lúc mỗi nơi tôi đều xung phong đi trước nâng đỡ người này, dìu dắt người kia. Trên đường hành quân thực hiện “đi không dấu, nấu không khói, nói không to, ho không tiếng”. Trong 100 ngày chiến dịch gùi hàng ra tiền tuyến, Đại đội 202 đã gửi được 879.600 kg hàng vào mặt trận”, nữ anh hùng nhớ lại.
Bà cũng không quên ký ức bi thương khi trên đường vận chuyển hàng. “Đó là ngày 25.6.1969. Bị máy bay bắn phá ác liệt, 3 đồng chí đã hy sinh tại chỗ. Tôi nhặt tử thi chiến sĩ gói lại chôn cất. Một đồng chí bị thương nặng sau 5 tiếng đồng hồ cũng hy sinh. Trước lúc hy sinh, đồng chí này còn để lại lời trăn trối Mới 17 tuổi đời không tiếc tuổi xuân, chỉ tiếc chưa hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó. Tôi tổ chức làm lễ truy điệu và phát động toàn đơn vị biến đau thương thành hành động cách mạng”.
Đối diện với những tình huống dẫn đến cái chết là sự thật quá khó khăn, quá khắc nghiệt với bất kỳ ai. Nhưng, với nữ anh hùng Hồ Thị Thu Hiền, chuyện “vào sinh ra tử” nhẹ như lông hồng. Bà đã 3 lần được làm lễ truy điệu sống trước khi lên đường làm nhiệm vụ.
Lần thứ nhất là năm 1971. Đó là khi cô gái Thu Hiền xung phong rà phá bom mìn mở đường cho bộ đội hành quân. Cũng trong năm đó, một lần nữa nữ đại đội trưởng này chỉ huy tổ cảm tử 8 người thực hiện mở một con đường mới để chuyển thương binh từ mặt trận ra tuyến sau. Lần thứ 3 vào năm 1972, cũng chính Hồ Thị Thu Hiền mặc áo trắng làm hoa tiêu dẫn đường cho xe đi qua trận địa bom.
Nữ anh hùng chia sẻ: “Đó là những nhiệm vụ vô cùng khó khăn và cực kỳ nguy hiểm. Đường đi hiểm trở phải trèo đèo lội suối và địch thì bắn phá rất ác liệt. Có khi chúng tôi phải băng qua những bãi mìn chưa tháo gỡ. Riêng lần tham gia cùng tổ cảm tử mở đường, tự tay tôi phải lần mò trong đêm, cắt từng dây mìn vướng, gạt từng quả mìn lá rồi cắm hoa tiêu báo hiệu. Tất cả những công việc cảm tử này đòi hỏi anh chị em phải yêu thương, đoàn kết, lòng quả cảm và trí thông minh. Những lần như vậy, anh chị em lại chích ngón tay lấy máu viết quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”.
Nhưng chuyện đối diện với cái chết tưởng như mười mươi đối với người phụ nữ gan dạ, thông minh này đâu chỉ có 3 lần. “Có những ngày địch bao vây từ 7 giờ sáng đến 6 giờ tối. Đó là lần cả đơn vị chốt trên thung lũng dưới đồi Tà Cơn. Trên không hai ba chục máy bay ném bom, xả súng như mưa không ngớt. Trong đại đội ai cũng đói khát nhưng bị mất liên lạc với mặt trận cấp trên. Tôi phải bình tĩnh chỉ huy đơn vị lao xuống từng hầm, từng tiểu đội động viên anh em và ra lệnh đói khát cũng không được đỏ lửa. Đồng thời, chỉ đạo dùng gậy chống, đòn khiêng thương binh vót nhọn, tẩm nước tiểu chuẩn bị sẵn sàng nếu địch đổ bộ xuống thì sẽ chiến đấu một mất một còn đến hơi thở cuối cùng”. Vừa kể chuyện này, bà Hiền nước mắt bỗng dưng trào ra. “Khi máy bay ngừng ném bom, tôi lệnh cho anh em rút. Tôi đã đưa anh em trượt từ hố bom này đến hố bom khác. Lần mò trong đêm vào đến chân đồi 500 thì trời vừa tảng sáng và ngày hôm sau chúng tôi đã đưa được thương binh đến nơi an toàn. Nhưng thật đau đớn là đồng chí Trần Võ Bích, quê Thanh Đồng, Thanh Chương, Nghệ An lấy thân mình che chở cho thương binh, bị thương hai lần và hy sinh”.
Hòa bình trở về với địa phương, bà Hồ Thị Thu Hiền tham gia nhiều công việc cho đến lúc nghỉ hưu. Ở cương vị nào bà cũng xứng đáng với tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Nữ anh hùng luôn đau đáu nỗi niềm thương nhớ đồng chí của mình. Trong chiếc va li của bà vẫn còn lưu giữ những tấm hình của đồng đội. Hôm gặp tôi, bà lại đem những tấm hình ra xem và thầm thì với từng người, ký ức thời chiến tranh bi tráng lại ùa về. Đôi mắt của người nữ anh hùng lại rưng rưng.
Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Quang Viên