Lợn "ăn" hết sổ đỏ
Sau 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, năm ngoái gia đình ông Hoàng Văn Chung (trú H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) mới dám tái đàn với số lượng 500 con lợn, gồm cả lợn nái và lợn thịt. "Bão Covid-19" vừa đi qua, bão giá lại ập tới.
Chia sẻ với Thanh Niên ngày 28.3, ông Chung rầu rĩ nói: "Từ đầu năm tới nay, gia đình tôi mới xuất chuồng 2 đợt, mỗi đợt khoảng 10 tấn lợn hơi. Trừ vài ngày đầu tháng giêng năm Quý Mão, giá bán còn được 50.000 - 51.000 đồng/kg, sau đó suốt mấy tháng nay giá lợn hơi tại khu vực chỉ loanh quanh mức 47.000 - 48.000 đồng/kg. Mức giá này người chăn nuôi càng nuôi càng lỗ, bởi giá thành sản xuất cũng lên tới 60.000 đồng/kg lợn hơi".
Thông thường, các trang trại chăn nuôi như nhà ông Chung 2 tháng sẽ có một đợt xuất chuồng. Vốn để duy trì sản xuất chủ yếu vay ngân hàng thông qua việc thế chấp bằng sổ đỏ.
"Năm nay, chăn nuôi xung quanh đây không ai có tiền, toàn lỗ, không ai lãi. Có những gia đình do ảnh hưởng dịch bệnh, còn nợ tiền ngân hàng nên không vay được nữa đã phải "treo" chuồng. Gia đình tôi có 4 sổ đỏ đã đem đi thế chấp hết để vay ngân hàng. Giờ cứ tiếp tục xu thế giá cả như hiện tại thì lợn "ăn" hết sổ đỏ, gia đình cũng không có sổ đỏ đem thế chấp để vay thêm được nữa", ông Chung nói.
Chủ trang trại này chia sẻ thêm, xung quanh khu vực H.Sơn Dương, nhiều trang trại chăn nuôi đều đã "treo" chuồng. Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh cám cũng đầu tư dè chừng hơn, bởi có hộ bán cám đã cho các trang trại chăn nuôi nợ tới 15 - 16 tỉ đồng mà chưa đòi được.
Tương tự câu chuyện của gia đình ông Chung, từ tết Nguyên đán 2023 đến nay, nhiều chủ trang trại chăn nuôi lợn ở tỉnh Nam Định cũng "đứng ngồi không yên" vì giá lợn quá thấp.
Gia đình ông Lê Văn Cần (xã Yên Thọ, H.Ý Yên, tỉnh Nam Định) nhiều năm gắn bó với chăn nuôi lợn, duy trì ở mức khoảng hơn 600 con. Ông Cần cho biết, gia đình ông chăn nuôi theo mô hình chuồng kín, áp dụng an toàn sinh học nên chi phí chăn nuôi cao hơn so với chăn nuôi chuồng hở, nhỏ lẻ. Tuy nhiên, với mức giá lợn xuống thấp như hiện tại, gia đình ông đã phải giảm đàn, chăn nuôi cầm cự.
"Nếu giá lợn hơi cứ duy trì dưới 50.000 đồng/kg, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình tôi chắc chắn sẽ lỗ. Giá lợn xuất chuồng phải ổn định từ 63.000 - 65.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới có lãi. Tình trạng giá lợn hơi thấp tiếp tục kéo dài, thời gian tới gia đình tôi tiếp tục giảm đàn, thậm chí nếu giá thấp tới tận cuối năm phải tính tới chuyện giải nghệ", ông Cần chia sẻ.
Giá lợn chưa thể tăng trong vài tháng tới
Khảo sát nhanh, giá lợn hơi khu vực miền Bắc những ngày gần đây dao động chủ yếu quanh mức 48.000 - 50.000 đồng/kg.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến giá lợn hơi thấp như thời gian qua là bởi cung vượt cầu. Sức mua trong nước không tăng nhưng thịt lợn sản xuất trong nước và nhập khẩu đều tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của người dân hiện nay cũng không nhiều như những năm trước. Người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác như tôm, cá, thịt bò, thịt gia cầm...
Về xu hướng giá lợn thời gian tới, ông Dương phân tích, người chăn nuôi sẽ giảm dần đầu lợn, giảm tái đàn nhưng mức giảm này cũng diễn ra từ từ, không có nhiều hy vọng giá lợn tăng nhanh.
"Chỉ hy vọng nền kinh tế hồi phục, sức mua tăng lên kết hợp với kiểm soát tốt nhập khẩu sẽ giúp giá thực phẩm hồi phục trở lại, trong đó có giá lợn để đảm bảo mức giá người chăn nuôi có lời. Tuy nhiên, câu chuyện hồi phục giá lợn cũng phải tính thời gian hàng quý chứ một vài tháng tới muốn giá tăng ngay là chuyện khó", ông Dương nhấn mạnh.
Một lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho rằng, nguyên nhân chính khiến giá lợn hơi xuống thấp thời gian qua là bởi suy thoái kinh tế, người dân tiết giảm chi tiêu khiến nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm mạnh. Với giá lợn hơi từ 47.000 - 49.000 đồng/kg như hiện nay, người chăn nuôi nhỏ lẻ chắc chắn thua lỗ. "Tuy nhiên, đây là ngành kinh tế nên phải chấp nhận việc phụ thuộc vào giá cả, quy luật thị trường", vị này nói.
Ông Lê Văn Cần mong muốn thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước có thêm giải pháp giảm giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, bình ổn giá thức ăn chăn nuôi để giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương nêu quan điểm, thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, khô đậu tương đang ở mức 2% nên được điều chỉnh giảm về 0% để ngay lập tức hỗ trợ cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.
"Cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc tích cực hơn, phải có điều tra, đánh giá thực sự. Chăn nuôi Việt Nam không chỉ có vấn đề cung - cầu sản xuất trong nước mà phải đánh giá cả lượng nhập khẩu như thế nào, sau đó đưa ra giải pháp trước mắt cũng như lâu dài; trong đó có cả việc điều chỉnh chiến lược chăn nuôi. Cứ ai muốn sản xuất thì sản xuất, ai muốn nhập khẩu thì nhập khẩu, chắc chắn ngành chăn nuôi sẽ vỡ nát đi thôi", ông Dương nhấn mạnh.
Bình luận (0)