LO TÌNH TRẠNG "ĂN THEO"
Những người trẻ không những phát rầu vì hóa đơn tiền điện tăng lên, họ còn thấp thỏm nỗi lo các dịch vụ khác cũng tăng giá theo.
Chị Đỗ Thị Yến Ly (28 tuổi, ngụ P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM), đang làm việc tại Công ty Pouyuen Việt Nam, cho biết điều chị lo lắng nhất hiện nay là sợ giá điện tăng sẽ kéo theo hàng loạt dịch vụ, hàng hóa khác cũng tăng theo. "Nếu thời gian tới mà tiền nước, giá gạo, giá dầu, gas, xăng… đều tăng thì cuộc sống của công nhân như mình sẽ bị ảnh hưởng rất lớn", chị Ly nói.
Chung nỗi niềm, anh Trần Vũ Đình Quang (28 tuổi, ngụ đường Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng lo việc các hàng quán sẽ "ăn theo" tiền điện, rồi nâng giá nhiều mặt hàng khác. Anh Quang chia sẻ: "Không riêng tôi mà những người có thu nhập thấp, thu nhập không đủ chi tiêu đều lo ngại như vậy".
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN, nói: "Kinh doanh vẫn có hiện tượng "té nước theo mưa" cũng như tâm lý lợi dụng ăn theo. Hiện tượng này là có thật và không thể triệt tiêu. Người ta muốn có cơ hội tăng giá thì trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Bộ Tài chính là yêu cầu kiểm soát những mặt hàng nhà nước quản lý phải đăng ký, niêm yết giá. Bên cạnh đó, các cơ quan về thuế, tài chính phải kiểm tra về giá. Không để những ngành khác lợi dụng rồi nâng giá, vì giá cả thị trường tăng sẽ tác động rất lớn đến đời sống công nhân lao động, nhất là những người thuê trọ".
Trở lại với câu chuyện hóa đơn tiền điện tăng, ông Thỏa cho rằng với người trẻ có thu nhập chưa cao, việc giá điện nhích lên sẽ tác động đến đời sống của họ vì làm tăng chi tiêu. Chính vì thế, ông Thỏa cho rằng cần có sự hỗ trợ người lao động về tiền điện, cải tiến biểu giá bán điện hiện nay. "Ngành điện hỗ trợ người dùng dưới 50 kWh/tháng, nhưng số người dùng 50 kWh/tháng là rất ít. Thay vào đó, nên sửa lại thành 100 kWh/tháng. Đồng thời thiết kế nhảy bậc, bậc 1 lên bậc 2 hẹp hơn những bậc cao, để qua đó hỗ trợ cho những người thu nhập thấp, những người sử dụng dưới 200 kWh/tháng", ông Thỏa nói.
TP.HCM 'xuống đèn', tắt biển quảng cáo sau 22 giờ để tiết kiệm điện
CÁCH TIẾT KIỆM ĐIỆN HIỆU QUẢ
"Hiến kế" cho việc tiết kiệm điện, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN, chia sẻ: "Trên trang web của Tập đoàn Điện lực VN thường xuyên đăng những cách để tiết kiệm điện. Mọi người nên vào trang này để tham khảo, cách tính toán mức độ sử dụng điện so với hóa đơn thực tế… nhằm có những điều chỉnh dùng điện hợp lý. Hơn hết, tiết kiệm điện bằng cách hãy tắt các thiết bị không cần thiết".
Theo tiến sĩ Nguyễn Công Tráng, giảng viên bộ môn kỹ thuật điện, Khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, để tiết kiệm điện cần lựa chọn các dòng sản phẩm có công nghệ tiết kiệm điện, các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm điện năng, tốt nhất là chọn 5 sao hoặc sao lớn nhất, các loại đèn có hiệu suất cao như đèn LED…
"Đặc biệt trong mùa nắng nóng, chi phí tiền điện cho máy lạnh có thể chiếm hơn 60% hóa đơn tiền điện hằng tháng. Vì vậy, hãy chọn máy lạnh có công suất phù hợp với nhu cầu diện tích phòng. Phòng từ 30 - 35 m2 thì sử dụng máy lạnh 2 mã lực (2 HP) để tiết kiệm điện, không sử dụng máy lạnh có công suất lớn dẫn đến hao phí năng lượng điện, phòng 15 - 17 m2 thì sử dụng máy lạnh 1 mã lực (1 HP)", tiến sĩ Tráng cho biết.
Cũng theo tiến sĩ Tráng, khi sử dụng máy lạnh, nên cài đặt nhiệt độ từ 26 độ C trở lên, chênh lệch nhiệt độ ngoài trời không quá 5 - 6 độ C. Cài nhiệt độ tăng 1 độ C thì sẽ tiết kiệm được 2 - 3% điện năng tiêu thụ. Cần tắt nguồn điện máy lạnh khi không sử dụng để không tốn điện chờ của máy, tránh trường hợp bật tắt liên tục khiến dòng điện khởi động lớn, dẫn đến tốn điện nhiều hơn, gây giảm tuổi thọ của máy, làm gia tăng tiêu hao năng lượng điện rất lớn.
"Nên sử dụng quạt điện kết hợp tính năng hẹn giờ tắt máy lạnh. Tính năng này thường rất hữu ích khi sử dụng vào ban đêm. Mọi người có thói quen để nhiệt độ thấp xuyên suốt trong đêm. Ban đêm, nhu cầu dùng điện chỉ ở giai đoạn đầu, thời gian khoảng 4 giờ đến gần sáng, nhiệt độ cơ thể hạ xuống mức rất thấp nên lúc này có thể không cần máy lạnh nữa và chỉ cần quạt điện là đủ", tiến sĩ Tráng chỉ ra.
Vị tiến sĩ này phân tích thêm: "Khi đó, tính trung bình một máy lạnh 2 mã lực, 1 giờ đã tiêu thụ 1,5 kWh, từ 4 giờ đến 7 giờ sáng sẽ tiết kiệm được 4 - 5 kWh. Nếu giá bán lẻ điện khoảng 2.500 đồng/kWh, sẽ tiết kiệm khoảng 10.000 đồng/đêm, mỗi tháng tiết kiệm khoảng 300.000 đồng/tháng. Mỗi nhà làm được điều đó thì sản lượng tiết kiệm điện rất lớn".
Khi sử dụng máy lạnh, tiến sĩ Tráng khuyên phải vệ sinh máy định kỳ. Nếu dùng nhiều và bụi bẩn nhiều thì cứ 3 tháng vệ sinh máy lạnh 1 lần, nếu dùng ít và ít bụi bẩn thì 6 tháng 1 lần. Việc này có thể tiết kiệm được 5 - 7% điện năng và tăng tuổi thọ cho máy lạnh. Thêm vào đó là kết hợp với quạt điện để thông thoáng phòng, chống thoát nhiệt các khe cửa ra vào, cửa sổ...
Nếu nghi ngờ bị gian lận tiền điện thì làm gì ?
Theo tiến sĩ Nguyễn Công Tráng, trong trường hợp nghi bị gian lận tiền điện thì có nhiều cách để kiểm tra, chẳng hạn kiểm tra đồng hồ điện có bị ẩm thấp, có do bụi bẩn môi trường tác động làm đồng hồ chạy sai lệch hay không, hoặc xem đồng hồ quá cũ không. Cũng có thể kiểm tra đồng hồ điện bằng cách tắt hết thiết bị điện trong nhà và xem đồng hồ điện có chạy hay không, nếu có chạy nghĩa là có thiết bị trong nhà tiêu hao điện do bị rò điện… Nếu nghi ngờ thì nên yêu cầu phía điện lực kiểm định hoặc thay mới.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Điện lực TP.HCM, hướng dẫn: "Khi tiền điện tăng vọt, trong trường hợp người sử dụng phát hiện sai sót về nghiệp vụ của ngành điện, cần liên hệ trung tâm chăm sóc khách hàng để kiểm tra. Nếu đó là sai sót của ngành điện thì chúng tôi sẽ sửa chữa, khắc phục và đảm bảo sự minh bạch, công bằng cho khách hàng".
Bình luận (0)