12 giờ trưa, bà Lê Thị Giây (50 tuổi, tên thường gọi bà Năm, ở ấp 4, xã Phước Lộc, H.Nhà Bè, TP.HCM) mang tô cơm năn nỉ mẹ là bà Nguyễn Thị Măng (83 tuổi) ăn trưa. Thỉnh thoảng bà Măng mắng yêu con gái vì bắt ăn nhiều. Hàng xóm thấy vậy liền chọc: "Bả thương bả mới nựng Năm như vậy".
Nguyện nuôi mẹ suốt đời
Chia sẻ với Thanh Niên, bà Năm cho biết hai mẹ con sống với nhau. Năm 2000, bà với người thương có tổ chức đám cưới nhưng chưa kịp đăng ký kết hôn. Sau đó, người này đi nước ngoài rồi viết thư về nói vì thủ tục nên không thể rước vợ qua được và biệt tích từ đó. Bà quyết định không mở lòng với bất kỳ ai nữa dù có người ngỏ ý tìm hiểu. Bà tiếp tục với công việc may vá và chăm sóc cha mẹ. Bà Năm là con thứ tư trong gia đình có 8 người con (hiện đã mất một người). Năm 2015, cha bà sức khỏe yếu dần và mất sau đó. Chồng mất, bà Măng hụt hẫng, tính tình thay đổi. Sợ mẹ buồn tủi, bà Năm tìm cách trò chuyện, tâm sự dù lắm lúc mẹ phát cáu vì "con gái nói nhiều".
Cách đây 5 năm, bác sĩ chẩn đoán bà Măng bị nhồi máu cơ tim, phải đến bệnh viện điều trị với chi phí 130 triệu đồng. Bà Năm cùng các anh em chung tay lo cho mẹ, bản thân bà trực tiếp chăm sóc, đưa bà Măng đi khám chữa bệnh. "Mỗi tháng tôi đều bắt xe đưa mẹ đến Bệnh viện An Bình (Q.5) tái khám, lấy thêm thuốc để uống", bà Năm kể. Tuổi đã già nên đôi khi bà Măng tính tình như trẻ con nhưng người con gái luôn ân cần chăm sóc, chưa bao giờ gắt gỏng với mẹ.
"Đôi khi tôi cũng bật cười khi đang tắm thấy mẹ nói vu vơ: "Con Năm lo cho tui quá trời". Khi tôi lỡ việc như giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa… không thấy ở bên, mẹ cũng đi tìm. Thấy con gái, mẹ cười: "Mừng quá, nãy giờ đi đâu mất biệt", bà Năm kể lại.
May mắn khi còn mẹ
Suốt bao năm qua, bà Năm từ chối những việc phải đi xa vài ba ngày vì không yên tâm để mẹ ở nhà một mình. Là tổ trưởng phụ trách tổ dân phố, mỗi khi có việc đột xuất bà nhờ em trai trông mẹ, giải quyết nhanh rồi về với mẹ. Hội LHPN xã Phước Lộc thường xuyên tổ chức chương trình nấu cháo dinh dưỡng cho các cụ già neo đơn, bà Năm nhiệt tình tham gia. Bà còn chở mẹ đến gặp gỡ, trò chuyện với mọi người. Bà cũng là tấm gương "Người con hiếu thảo" được Hội LHPN xã Phước Lộc, Hội LHPN H.Nhà Bè, Hội LHPN TP.HCM tuyên dương. "Tôi thường xuyên nhận quà về trao cho các cụ neo đơn ở tổ mình phụ trách. Mỗi lần đến thăm, tôi thấy thương vì họ cũng như mẹ của mình", bà trải lòng.
Bà luôn cảm thấy may mắn khi còn mẹ trên đời. Thời trẻ, mẹ vất vả bươn chải nuôi các con khôn lớn, trưởng thành nên giờ bà nguyện dành thời gian báo hiếu. Người con luôn mong mẹ sống khỏe, sống bình an mãi mãi. Bà Măng tóc bạc phơ, ngồi trên võng thủ thỉ: "Năm nấu cơm rất ngon nhưng giờ tôi không ăn được nhiều. Tôi thương Năm vì chăm sóc mẹ rất cẩn thận".
Bà Lê Thị Mỹ Châu (49 tuổi), em dâu bà Năm, chia sẻ chưa bao giờ thấy chị chồng than phiền về việc chăm mẹ. "Nhờ có chị sống với mẹ, vợ chồng tôi yên tâm buôn bán. Tôi ở gần nên khi nào chị có việc, tôi thay chị lo cơm nước, thuốc men cho mẹ. Anh em đoàn kết nên mẹ vui, không có nhiều lo toan", bà Châu nói.
Chị Nguyễn Huỳnh Nguyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Lộc, cho hay: "Ngoài việc chăm sóc mẹ chu đáo, bà Năm còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương. Hội LHPN xã cũng mong nhân rộng tấm gương điển hình "Người con hiếu thảo" đến các hội viên khác".
Bình luận (0)