Ước mơ cao cả
Hẹn gặp bà Cao Châu Việt Đồng Tâm (47 tuổi, ở Q.12, TP.HCM) trước giờ bà vào bệnh viện (BV) khám. Bà nhờ mẹ đỡ từ giường lên xe lăn trò chuyện cùng chúng tôi. Người phụ nữ khuôn mặt phúc hậu, đôi tay sưng to với dấu vết chạy thận luôn nở nụ cười tươi dù chân teo nhỏ.
Một buổi tối cách đây 29 năm, bà thấy nhức hai bên mông. Cơn nhức kéo dài trong khoảng nửa tiếng. Đến BV bà được hội chẩn bị viêm tủy cột sống, bị liệt từ rốn trở xuống. Ở lứa tuổi đẹp nhất đời người, bà ước mơ cao cả là làm thanh niên xung phong (TNXP). Thời điểm đó, bà đang học Anh văn và lấy bằng chuyên sâu vi tính văn phòng. Trước đó, bà muốn đăng ký đi TNXP nhưng chưa đủ tuổi, biến cố ập đến khiến ước mơ dang dở.
"Hồi đó tôi thích mặc đồ bộ đội, muốn đi TNXP rèn luyện tính cách của một người lính. Lúc biết bệnh tình, tôi chỉ hụt hẫng một chút rồi lấy lại tinh thần, tự nhắc bản thân phải tập đi lại. Sáng tối đều tập, có thời điểm biết đi một chân rồi nhưng sau phải chạy thận nữa nên không thể tập tiếp", bà chia sẻ.
Bà tâm sự, lúc biết bản thân không đi lại được bà mặc nhiên đón nhận. Không một giọt nước mắt nào rơi, trong đầu bà chỉ nghĩ phải tập luyện để có thể đi lại được, sau này còn lo cho mẹ. Vì vậy, bà đối mặt với biến cố này bằng sự cố gắng, niềm tin và hy vọng một ngày sẽ tự bước lại trên đôi chân của mình.
Cuộc đời tiếp tục thử thách bà khi 3 - 4 năm sau bà được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối. Bà không oán trách số phận, thậm chí bình thản đi chạy thận. "Tôi chưa bao giờ bi quan vì trong hoàn cảnh đó buồn cũng không làm được gì, chạy thận vẫn phải chạy. Mới đầu chạy thận cực lắm. May mắn, giai đoạn nguy hiểm đó cũng qua, tôi vẫn có thể ở bên mẹ, bên gia đình đến nay", bà bộc bạch.
"Tin vào điều kỳ diệu"
Tin vào điều kỳ diệu là tập truyện ngắn được bà cho ra đời từ những ghi chép, chắt chiu cuộc sống thường ngày. Cuốn sách đầu tiên bà viết tựa đề Cô bé ước mơ xuất bản cách đây hơn 10 năm. Giờ đây, bà tranh thủ bán sách online. Bên cạnh, bà còn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của mẹ và chị em gái dù họ cũng đang yếu. Mẹ bà Tâm năm nay hơn 80 tuổi, sức khỏe yếu dần. Gia đình bà có một chị gái bị thần kinh, một chị gái bị ung thư giai đoạn cuối. Hiện, em gái là người lo cơm nước, quán xuyến mọi việc trong nhà. Mọi người xung quanh tuyệt vời khi quan tâm, thường xuyên cho bó rau, ký gạo. Dù vật chất không nhiều nhưng tiếp thêm cho bà động lực để cố gắng.
"Thời gian đầu, vì muốn có tài chính riêng nên tôi tự thêu tranh, bán hàng nhưng sau chạy thận tay không làm được nữa nên muốn viết sách. Nhà văn Nguyễn Đông Thức là người chỉ dạy cho tôi. Cuốn sách là những mẩu truyện ngắn chứ không phải về cuộc đời bi thảm. Tôi muốn có cuốn sách hay, bổ ích cho các em học sinh", bà nói. Bà vui mừng khi đọc những phản hồi về cuốn sách. Bà nói rằng, bản thân có thể quên hết mệt mỏi khi đọc những nhận xét, sự ủng hộ của độc giả. "Mơ ước vào TNXP không được thì tôi sẽ viết sách. Đến giờ thấy ai mặc đồ lính nói chuyện, tôi vẫn khoái lắm", bà bộc bạch.
Bà Cao Châu Việt Thống Nhất (45 tuổi, em gái bà Tâm) là "trợ thủ đắc lực" của bà trong cuộc sống thường ngày: "Chị có nghị lực kiên cường lắm. Tôi thương nên giúp được gì sẽ giúp. Tôi cũng rất trân trọng tinh thần lạc quan và yên tâm chăm sóc chị ấy. Giờ tôi mong chị có sức khỏe, sống an vui bên gia đình".
Bà Lê Thị Xuân (tổ trưởng tổ 43, KP.3, P.Tân Thới Nhất, Q.12) cho biết, gia đình bà Tâm rất khó khăn. "Trong nhà người lao động không có, toàn người bệnh, không có nguồn thu nhập. Em gái bà Tâm là người lo cho mẹ già, các chị. Tôi cũng rất khâm phục nghị lực của bà Tâm. Dù bệnh tật vẫn viết sách mưu sinh, cố gắng hằng ngày", bà Xuân nói.
Trong lời tựa của Nhà xuất bản Trẻ về tập truyện ngắn Tin vào điều kỳ diệu của bà Tâm có đoạn: "Minh Tâm là cô gái có nhiều hoài bão, ước mơ cùng đức tính nhẫn nại, tinh thần vượt khó hiếm ai có được, tưởng như không gì có thể ngăn bước chân cô tiến vào tương lai tươi sáng…".
Bình luận (0)