Người phụ nữ khiến IS bỏ qua 200 triệu USD là ai?

26/01/2015 09:45 GMT+7

(TNO) Sajida al-Rishawi, người phụ nữ khiến tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) sẵn sàng bỏ qua 200 triệu USD tiền chuộc con tin Nhật Bản là ai, và có mối quan hệ thế nào với IS?

(TNO) Sajida al-Rishawi, người phụ nữ khiến tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) sẵn sàng bỏ qua 200 triệu USD tiền chuộc con tin Nhật Bản là ai, và có mối quan hệ thế nào với IS?

Phần tử đánh bom liều chết... hụt
 
Sajida Mubarak Atrous al-Rishawi, người phụ nữ khiến IS bỏ qua 200 triệu USD - Ảnh: Reuters
Sajida Mubarak Atrous al-Rishawi, sinh năm 1970, là một trong 4 nghi phạm thực hiện chuỗi đánh bom liều chết nhắm vào ba khách sạn lớn tại thủ đô Anman, Jordan ngày 9.11.2005, theo AP.
Ông Marwan al-Muasher, khi đó là Phó thủ tướng Jordan, cho biết nhóm nghi phạm gồm al-Rishawi cùng chồng, Ali Hussein Ali al-Shamari và hai thanh niên khoảng 23 tuổi, tất cả đều là người Iraq. Họ đã thực hiện ba vụ đánh bom liều chết nhắm vào các khách sạn Grand Hyatt, Radisson SAS và Days Inn khiến tổng cộng 60 người thiệt mạng, 115 người khác bị thương.
Riêng al-Rishawi cùng chồng đã sát hại 38 người đang dự lễ cưới tại khách sạn Radisson SAS, tuy bom của bà ta gặp vấn đề và không phát nổ, theo AP.
HIện trường tại khách sạn Radisson SAS sau vụ đánh bom liều chết - Ảnh: AFP
Trong đoạn băng thú tội được phát công khai trên kênh truyền hình quốc gia Jordan, al-Rishawi kể lại: “Chồng tôi là người đã sắp đặt mọi chuyện. Chúng tôi đi nhờ xe, rồi thâm nhập vào Jordan bằng hộ chiếu giả. Lúc đó, một lễ cưới đang được tổ chức trong khách sạn với rất nhiều người, có cả phụ nữ và trẻ em. Chồng tôi kích đai chất nổ, nhưng đai của tôi lại gặp trục trặc”.
Ali al-Shamari khi đó đã “đẩy vợ của anh ta ra khỏi sảnh lớn trước khi lạnh lùng giết chết hàng chục người”, The Independent dẫn lời ông Muasher.
Người dân Jordan đốt nến tưởng niệm các nạn nhân trước khách sạn Grand Hyatt - Ảnh: AFP
Theo cơ quan điều tra Jordan, chứng cứ thu được cho thấy các nghi phạm đã mang theo lượng lớn thuốc nổ RDX và nhiều viên bi sắt nhằm tăng khả năng sát thương.
Chỉ một thời gian ngắn sau, tổ chức al-Qaeda tại Iraq đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công khủng bố nêu trên, khẳng định đây là đòn trừng phạt dành cho Jordan vì “dám” ủng hộ Mỹ và các nước phương Tây, làm ô uế đạo Hồi, theo AP.
“Phần tử đánh bom liều chết hụt” sau đó đã bị tòa án quân sự Jordan tuyên tử hình vào ngày 21.9.2006. May mắn cho al-Rishawi khi trong năm đó, chính phủ Jordan ra pháp lệnh hoãn thi hành án tử hình, theo CNN.
Hiện Sajida al-Rishawi vẫn đang bị giam giữ tại Jordan.
Vì sao IS “khao khát” al-Rishawi?
Truyền hình Nhật Bản đưa tin về nhà báo Kenji Goto - Ảnh: Reuters
Hôm 24.1, IS đã công bố đoạn video dài 3 phút, trong đó có cảnh nhà báo Kenji Goto ôm trong tay một tấm ảnh được cho là chụp thi thể không đầu của con tin Haruna Yukawa, theo International Business Times. Mặt khác, IS cho biết không muốn nhận khoản tiền chuộc 200 triệu USD nữa, đổi lại, họ yêu cầu Sajida al-Rishawi, hiện đang ngồi tù ở Jordan, phải được trả tự do.
Lí do gì khiến IS sẵn sàng từ bỏ số tiền chuộc khổng lồ, trị giá 200 triệu USD, chỉ để đổi lấy một người phụ nữ đánh bom liều chết đã không còn được nhắc tới gần 10 năm qua?
Trong đoạn băng được đề cập ở trên, qua giọng nói được cho là của con tin Kenji Goto, IS liên tục nhắc đến al-Rishawi với tư cách “một người chị em bị giam cầm” của tổ chức khủng bố.
Sau vụ khủng bố năm 2005 tại Jordan, Sajida Mubarak Atrous al-Rishawi từng được xác nhận là em ruột của Mubarak Atrous al-Rishawi, cánh tay phải đắc lực dưới trướng Abu Musab al-Zarqawi, khi đó là người đứng đầu lực lượng al-Qaeda tại Iraq, theo NBC News.
Thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi - Ảnh: AFP
Không quân Mỹ đã tiêu diệt al-Zarqawi vào tháng 6.2006. Viên phó tướng, anh trai của al-Rishawi, cũng chịu chung số phận tại một căn cứ ở thành phố Fallujah, phía tây thủ đô Baghdad, theo CNN.
Cần lưu ý rằng, lực lượng al-Quaeda tại Iraq được coi là “cha đẻ” của tổ chức IS. Mặt khác, Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh hiện nay của IS, cũng từng là phó tướng dưới quyền al-Zarqawi, theo NBC News.
Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng IS đòi khoản tiền chuộc khổng lồ chỉ để trả đũa Chính phủ Nhật Bản, sau khi Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố sẽ viện trợ khoảng 200 triệu USD cho các quốc gia liên minh chống IS. Mặt khác, việc IS đánh đổi 200 triệu USD lấy một người phụ nữ khá vô danh được nhiều người đánh giá như một động thái phục vụ mục đích tuyên truyền.
“Mọi thứ đều liên kết tới người phụ nữ đó. Đây là cách giúp IS tuyển mộ những phần tử kiểu như vậy nhằm sử dụng họ cho mục đích tuyên truyền”, CNN dẫn lời cựu trung tá James Reece, nguyên chỉ huy trưởng lực lượng chống khủng bố của Mỹ.
Lực lượng chống khủng bố Mỹ - Ảnh: Reuters
Karima Bennoune, giáo sư ngành Luật quốc tế thuộc Học viện luật Davis, Đại học California cũng nhận xét: “IS quyết định thay đổi yêu cầu về tiền chuộc nhằm mục đích tuyên truyền của họ, cố gắng tạo ấn tượng về một tổ chức chuyên bảo vệ cho phụ nữ Hồi giáo”. Bà Karima Bennoune đặc biệt cho rằng chính cách đề cập đến al-Rishawi như “một người chị em bị giam cầm” đã chứng minh cho âm mưu tuyên truyền của IS, theo NBC News.
Đáp trả lại lời đe dọa từ phía IS, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, tuy nhận định đoạn video nêu trên khá xác thực, vẫn mạnh mẽ tuyên bố Tokyo sẽ không nhân nhượng và cam kết sẵn sàng phối hợp cùng lực lượng quốc tế trong các nỗ lực chống khủng bố toàn cầu. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Brack Obama cũng bày tỏ sự cảm thông về cái chết của con tin Haruna Yukawa.
NBC dẫn đánh giá của giáo sư Bennoune cho rằng chính tác động từ gia đình nạn nhân và các tổ chức quốc tế sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến quyết định phóng thích "kẻ đánh bom hụt" Sajida al-Rishawi của phía Jordan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.