Người phụ nữ khuyết tật có trái tim nhân hậu

29/06/2022 09:00 GMT+7

Giữa thế giới người khuyết tật với biết bao mảnh đời khốn khó, lam lũ kiếm sống từng ngày, có một phụ nữ không những tự mình vươn lên nghiệt ngã mà còn hết lòng vì cộng đồng. Đó là chị Bùi Thị Hồng Nga, nguyên Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Cần Thơ.

Cuộc đời của chị Hồng Nga trải qua nhiều gian truân bất hạnh. Mới 8 tháng tuổi, chị đã bị cơn sốt bại liệt hành hạ khiến cho đôi chân co quắp, chỉ bò quanh quẩn trong nhà. Mãi đến năm 8 tuổi chị mới tập tễnh những bước đi đầu tiên bằng nạng. Rồi ngày tháng nghiệt ngã trôi qua, chị lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình. Suốt 12 năm đến trường, chị đã vượt qua muôn vàn khó khăn mới tốt nghiệp phổ thông và vinh dự bước vào ngưỡng cửa đại học.

Chị Bùi Thị Hồng Nga (áo xanh) nhận hoa trong ngày Quốc tế NKT

tgcc

Năm 1982 chị tốt nghiệp với bằng Cử nhân Anh văn và được phân công giảng dạy ở trường PTTH Nguyễn Việt Hồng, Cần Thơ. Chị nói: “Đó chính là ngày thăng hoa của đời người con gái có số phận như em”.

Sau 7 năm giảng dạy, chị được nhà trường giới thiệu đi chữa trị tại Trung tâm phục hồi chức năng trẻ bại liệt tại TP.HCM, nhưng không may việc phẫu thuật thất bại khiến chị phải chịu đau đớn một thời gian dài và cuối cùng phải từ giã bục giảng theo gợi ý của ban giám hiệu. Thế là bao nhiêu ước mơ và hoài bão của chị đành tan biến.

Xa vắng học trò, chị buồn bã; ít tiếp xúc với bạn bè, tinh thần và thể chất chị bắt đầu suy sụp. Nhiều lúc chị cảm thấy cô đơn và buồn chán, tinh thần hoảng loạn, tự thấy mình là gánh nặng của gia đình và xã hội.

Sáng lên một niềm tin

Trong lúc đang rơi vào tận cùng khổ đau, một hôm nằm nghe đài tiếng nói TP. HCM qua mục “kết bạn trên đài”, trong đầu chị bỗng loé lên một tia sáng. À! Sao mình không thử viết thư nhờ đài nhắn tin tìm bạn bốn phương? Nghĩ thế, chị liền thực hiện ngay ý định của mình. Lúc đầu chị gởi cho các bạn khuyết tật quen thân từ lúc nằm ở bệnh viện để cùng nhau san sẻ nỗi niềm. Cũng nhờ dịp này mà chị đã thư đi thư lại với nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ, người nào cũng khuyên chị “Hãy cố vươn lên để để vượt qua số phận”. Trong số những người bạn đó có một thanh niên tên là Phan Đức Long xin được kết bạn trăm năm với chị. Giống như duyên tiền định, hai người chỉ quen nhau qua thư từ, vậy mà đám cưới đã diễn ra một cách hoàn mỹ. Chị cho biết anh ấy là người nghị lực, tốt bụng, tự nguyện làm đôi chân cho em, làm trợ lý suốt đời cho em.

Chị Bùi Thị Hồng Nga (bìa phải) đang tọa đàm trong ngày Quốc tế NKT

tgcc

Trong những lần họp mặt ngày “Bảo vệ chăm sóc người khuyết tật, chị Hồng Nga, thường phát biểu: “Chúng ta chỉ là những người khuyết tật (NKT) về thể xác chứ tâm hồn và trí tuệ không khác gì người bình thường”. Sau khi có được người bạn đời, năm 1994 chị đã mở lớp dạy Anh văn tại nhà, học trò đến học khá đông, lòng chị cảm thấy rộn lên một niềm vui khó tả. Và cũng từ dạo ấy, chị đã trải lòng mình lên những trang thơ, trang đời tuyệt đẹp và dành phần lớn thì giờ vào công tác xã hội. Chị thích làm thơ, viết văn và viết báo. Mỗi trang viết, mỗi việc làm của chị đều có ánh sáng toát lên từ cái tâm. Nhờ vậy mà chị đã đạt được giải ba kỳ thi thơ với chủ đề “Một thế giới một tâm hồn” và đạt giải khuyến khích kỳ thi “Lập dự án khởi nghiệp” do trường Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức hồi tháng 12.2002.

Được sự hỗ trợ tích cực của Sở Lao động &TBXH tỉnh Cần Thơ, tháng 5. 2001 Câu lạc bộ đã chính thức ra đời do chị làm Chủ nhiệm và năm sau được đổi tên là Hội Người khuyết tật TP.Cần Thơ.

Mặc dù hoàn cảnh muôn vàn khó khăn nhưng lúc nào chị cũng năng nổ, nhiệt tình. Chị đã tham dự khoá tập huấn về Môi trường không rào cản cho NKT được tổ chức tại Thái Lan.

Điều vinh dự nhất là chị đã thay mặt Hội NKT Cần Thơ tham gia dự án Cơ sở Nhịp cầu, đoạt giải “Ngày sáng tạo Việt Nam” với tiền thưởng 10.000 USD. Bằng số tiền này, CLB đã mở được ba khoá dạy nghề cho NKT.

Cánh chim không mỏi

Từ một cô bé tật nguyền, chị Hồng Nga đã vượt qua trăm cay nghìn đắng để phấn đấu vươn lên. Mặc dù chị ngồi xe lăn, trong người lại nhiều bệnh như tiểu đường, thần kinh tọa, thoái hóa khớp cổ, gai cột sống… nhưng với một nghị lực phi thường, chị đã chiến thắng được định mệnh khắt khe! Cứ mỗi lần quỵ xuống chị lại gượng đứng lên. Chị hy vọng rằng nếu có ai đó cúi xuống nâng mình dậy nhất định mình sẽ vững vàng hơn, cũng như một cây cụt ngọn nếu được chăm sóc tưới nước vẫn có thể đâm chồi nẩy lộc và ra hoa kết trái, nhưng trước hết mình hãy tự đốt đuốc lên mà đi rồi mọi người sẽ giúp mình, không nên ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối.

Chị Bùi Thị Hồng Nga (bên trái) đang tra lời phỏng vấn

TGCC

Trong suốt quá trình hoạt động từ thiện, chăm lo cho NKT, chị luôn được sự quan tâm đặc biệt của sở Lao động & TBXH và các nhà hảo tâm. Nhờ vậy, chị đã thành lập Cơ sở nhịp cầu, dạy nghề miễn phí cho nhiều NKT, tặng quà thăm viếng NKT, tổ chức nhiều đợt tham quan, du lịch dã ngoại. Ngoài ra, chị còn làm chủ hôn cho nhiều cặp vợ chồng NKT, tổ chức cho Người khuyết tật tham gia các hoạt động văn hoá xã hội nhằm tạo cơ hội cho anh chị em giao lưu và hòa nhập với cộng đồng, cụ thể như: Dự các hội thao NKT ở địa phương và toàn quốc, dự liên hoan Văn nghệ NKT “Từ trái tim đến trái tim”, tham gia chuyến Xuyên Việt từ Tp.Hồ Chí Minh ra Hà Nội và ngược lại. Chị đi đến đâu, trong hoặc ngoài nước, chồng chị đi theo đến đó để phục vụ đẩy xe lăn cho chị.

Việc làm từ thiện của chị không sao kể xiết. Ngoài cung cấp học bổng cho sinh viên khuyết tật nghèo, cấp nhiều xe lăn, xe lắc, gậy cho NKT, tặng dụng cụ hỗ trợ, phục hồi chức năng cho nhiều người, chị còn cất nhà tình thương, tổ chức khám chỉnh hình cho hội viên, đồng thời giới thiệu nhiều em tham gia chương trình “Những ước mơ xanh”.

* * *

Tháng 7.2019 chị về hưu. Mặc dù tuổi đã cao (sinh năm 1958), cuộc sống lại khó khăn, cha già trên 90 tuổi, chồng mất sức lao động. Hiện chị sống bằng số tiền dạy lớp anh văn nhưng lúc nào chị cũng hướng về cộng đồng. Trong thời điểm dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, chị đã vận động anh chị em may khẩu trang, mua nước sát khuẩn giúp cho bà con. Việc làm thiết thực nhất là chị tích cực vận động cứu giúp người khó khăn, hoạn nạn, người bị bệnh nặng không tiền chữa trị, cụ thể như gần đây, chị đã vận động quyên góp giúp bà Nguyễn Thị Xuân Trang đang điều trị tại bệnh viện ung bướu Cần Thơ; giúp ông Nguyễn Văn Suông bị bệnh tim mạch, viêm phế quản cấp tại xã Mỹ Khánh, TP. Cần Thơ; hỗ trợ anh Lê Quốc Huy, ở P. Hưng Lợi, TP, Cần Thơ bị trật xương khớp háng… và nhiều mảnh đời bất hạnh khác.

Bằng tất cả sự đồng cảm dành cho NKT, lúc nào chị Hồng Nga cũng tâm niệm giúp cho NKT giảm bớt khó khăn. Từ tấm lòng thiện nguyện và cuộc sống cao đẹp đó, chị đã được đề cử nhận giải Chim én, một giải thưởng cao quý tôn vinh những người cống hiến vì cộng đồng. Ngoài ra chị còn được đánh giá cao của cộng đồng mạng, nhận nhiều Giấy khen và bằng khen của chính quyền địa phương. Theo ông Lâm Nhật Phương, nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động &TBXH TP. Cần Thơ: “Chị Hồng Nga là một chủ nhiệm giỏi, một người khuyết tật năng động, giàu lòng nhân ái, đã cống hiến hết mình cho Hội, được nhiều người tin tưởng và kính mến”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.