Mấy ngày rồi, bà Y Thảo ốm. Người phụ nữ 47 tuổi gầy như thóc lép chỉ quanh quẩn ở nhà. Nói là nhà nhưng cũng không hẳn. Bởi đây là tổ ấm của người em gái, mẹ con bà chỉ là người ở nhờ.
Ngược dòng thời gian về những ngày xưa cũ, bà Y Thảo rơm rớm nước mắt kể từ thuở nhỏ bà hay bệnh tật. Khi đến tuổi cập kê, vì sức khỏe yếu hay đau ốm vặt nên bà chẳng muốn lập gia đình. Năm tháng cứ thế dần trôi đi, bà đã bước sang tuổi 35. Trong khi những người bạn cùng trang lứa đã tay bồng tay bế thì bà vẫn còn con gái. Người phụ nữ ấy chỉ biết quanh quẩn lên rẫy, ra ruộng.
Đối với bà Y Thảo, Y.T là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời của bà |
THIÊN ÂN |
Rồi một ngày của 12 năm trước dần hiện về trong câu chuyện của bà. Một sáng cuối năm, bà Y Thảo đang trên đường lên rẫy bỗng nghe tiếng người xôn xao. Tò mò, bà tiến về nơi dân làng đang tụ tập. Một đứa trẻ đỏ hỏn được quấn trong lớp quần áo cũ vừa bị bỏ rơi. Người trong làng thì nghèo quá. Mỗi nhà có đến 4 - 5 đứa con nên chẳng ai dám đứng ra nhận nuôi. Thương đứa bé bất hạnh, bà liền bế về nhà nuôi dù chưa một lần làm mẹ và bản thân đang rất khó khăn.
Bởi vậy, khi bà Y Thảo nhận con nuôi, cả gia đình đều một mực ngăn cản nhưng nhìn đứa trẻ đã một lần bị ruồng bỏ, bà chẳng đành lòng. Đứa trẻ được bà bế ra UBND xã làm thủ tục nhận nuôi, làm giấy khai sinh và đặt tên là Y.T.
Thiếu hơi mẹ ruột, Y.T đau ốm triền miên. Ban đêm thiếu sữa, con bé cứ ngằn ngặt khóc. Những ngày đầu làm mẹ, bà Y Thảo lúng túng như gà mắc tóc. Nào là thay tã, nào là ru con ngủ, dỗ dành những lúc con khóc đòi sữa. Nhà nghèo lại chưa hề làm mẹ, bà phải lấy nước cơm hòa với đường cho con bú. Thiếu chất, bé Y.T bị suy dinh dưỡng, cả mấy tháng cũng chẳng nặng thêm tí nào.
Thương con, bà Y Thảo chạy vạy khắp nơi để có tiền mua sữa. Đến khi tiền chữa bệnh và mua sữa cho con quá nhiều, bà đành bán con bò lấy tiền trang trải cuộc sống. “Có lần đưa con đi bệnh viện tiêm vắc xin, con bé lại khóc đòi sữa. Các cô y tá hỏi sao không cho con bú. Mình mắc cỡ quá mới nói mình còn con gái mà, làm gì có sữa. Đến lúc biết chuyện, cô y tá liền đưa mình 50.000 đồng mua sữa cho con”, bà nhớ lại.
Bằng tình thương của mẹ Y Thảo, Y.T cứ vậy mà lớn lên. Thế nhưng, câu chuyện Y.T là đứa trẻ bị bỏ rơi vẫn chưa hết râm ran theo năm tháng. Bà Y Thảo kể có lần Y.T cuống cuồng chạy về nhà tìm mẹ khóc nức nở vì bị trêu ghẹo là con rơi. Khi ấy, bà chỉ biết ôm con vào lòng mà dỗ dành, an ủi. “Đám trẻ trong làng nói con bé được nhặt về từ hố rác. Con bé khóc nhiều lắm. Mấy lần nó cứ hỏi cha đâu, mình chỉ đành nói dối cha đi làm xa. Nhưng sau này biết là không giấu được nữa nên mình đành nói thật. Nhưng kể từ đó con bé ngoan hơn và rất biết nghe lời mẹ”, bà rơm rớm nước mắt nói.
Bố mẹ chia cho vài sào đất, bà Y Thảo nửa trồng lúa nửa trồng cà phê. Đất ít nên mỗi năm cũng chẳng thu hoạch được bao nhiêu. Những ngày nông nhàn, bà đi làm thuê đủ việc để nuôi con. Bệnh tật triền miên khiến bà chẳng thể nào phát triển được kinh tế, chẳng cất nổi ngôi nhà. Bao năm nay, mẹ con bà luôn phải sống nhờ nhà người em gái đã có gia đình. Thương mẹ vất vả, lên 6 tuổi, Y.T đã biết phụ giúp mẹ nhiều công việc trong nhà. Lớn hơn chút nữa cô bé theo lũ bạn đi mót cà phê, nhặt phân bò đổi gạo.
Điều khiến bà Y Thảo bận lòng nhất là gia đình người em gái có đến 5 đứa con trong khi bé Y.T đang lớn dần. 12 năm qua, 2 mẹ con bà sinh hoạt ở một góc nhỏ trong nhà người em gái. “Mình cũng muốn dựng nhà rồi đưa con ra ở riêng lắm chứ nhưng nghèo quá không có tiền trong khi lại ốm đau liên miên”, bà Y Thảo than thở.
Ông Trần Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Đăk La, cho biết hoàn cảnh gia đình bà Y Thảo rất khó khăn. Tuy nhiên vì 2 mẹ con bà sống chung với gia đình em gái nên không được xét theo diện hộ nghèo. Mỗi đợt có các nguồn xã hội hóa, các đoàn từ thiện, nhà hảo tâm, xã đều tạo điều kiện để hỗ trợ cho hai mẹ con bà vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. “Tuy có hoàn cảnh khó khăn, nhưng bà Y Thảo vẫn vượt qua tất cả để nhận nuôi cháu bé bị cha mẹ bỏ rơi. Tấm gương của bà rất đáng được tuyên dương”, ông Tâm nói.
Bình luận (0)